Góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực kỹ thuật hình sự phục vụ điều tra xét xử tội phạm

Thứ Hai, 22/01/2018, 09:31
Học viện Cảnh sát nhân dân vừa tổ chức nghiệm thu thành công xuất sắc Nhiệm vụ “Điều tra cơ bản về nguồn lực phục vụ hoạt động điều tra, xét xử tội phạm của lực lượng Kỹ thuật hình sự”.

Đây là Nhiệm vụ khoa học được Học viện thực hiện trong 2 năm (2015 – 2017), trên cơ sở Quyết định số 6752/QĐ-BCA-H43 ngày 3 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Trên cơ sở kết quả khảo sát nghiên cứu của Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ cho thấy, lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS) mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác điều tra, xét xử tội phạm. 

Viện Khoa học hình sự đã đủ năng lực triển khai tất cả các chuyên ngành giám định, bước đầu hình thành các hệ thống phòng thí nghiệm cho từng chuyên ngành giám định, đã triển khai xây dựng tàng thư ADN tội phạm quốc gia, đã tiến hành hiệu quả biện pháp Kỹ thuật phòng, chống tội phạm. 

Tuy nhiên, về lĩnh vực khám nghiệm hiện trường vẫn chưa thành lập được đơn vị chuyên trách; cùng với đó, cơ sở hạ tầng vẫn còn chật hẹp, phương tiện trang bị còn thiếu và lạc hậu. Việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của lực lượng.

Lực lượng Kỹ thuật hình sự đang khám nghiệm hiện trường.

Phòng KTHS Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai được nhiều chuyên ngành giám định KTHS và pháp y, thực hiện cơ bản nhu cầu khám nghiệm hiện trường các vụ phức tạp trên địa bàn, đã bước đầu triển khai biện pháp Kỹ thuật phòng, chống tội phạm. 

Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào thực hiện được đầy đủ 10 chuyên ngành giám định KTHS, nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ 5 Đội chuyên môn. Phương tiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng một số địa phương còn rất yếu. Hệ thống phòng thí nghiệm chuyên sâu mới rải rác ở một số tỉnh, thành phố lớn...

Từ thực tế đó đòi hỏi lực lượng KTHS cần phải được đầu tư nâng cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao và được trang bị phương tiện cần thiết, từng bước hiện đại cùng với cơ sở hạ tầng đảm bảo phù hợp nhu cầu phát triển.

Để giải quyết bài toán trên, Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ đã thu thập một cách toàn diện số liệu điều tra cơ bản về nguồn lực kỹ thuật hình sự trên toàn quốc (về tổ chức lực lượng, phương tiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng); đồng thời xây dựng được phần mềm phục vụ thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản. 

Phần mềm này có tính ứng dụng cao, giúp xử lý hiệu quả số liệu thu thập được nhanh chóng, chính xác; nếu được tiếp tục phát triển có thể chuyển giao cho lực lượng KTHS sử dụng để quản lý toàn bộ nguồn lực về KTHS.

Ngoài những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực KTHS phục vụ điều tra xét xử tội phạm, Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ đã kiến nghị phải sớm thành lập Phòng Khám nghiệm hiện trường tại Viện Khoa học hình sự, để thống nhất chức năng khám nghiệm hiện trường cho toàn lực lượng KTHS; đào tạo nâng cao trình độ và kiện toàn cơ cấu tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Đội KTHS cấp quận, huyện; bố trí, sắp xếp hợp lý cán bộ làm công tác KTHS trong lực lượng CAND; tăng cường trang bị phương tiện, cơ sở hạ tầng KTHS cho lực lượng KTHS các cấp, các trường CAND, nhất là các trường có Khoa đào tạo ngành KTHS với phương châm: Những phương tiện hiện đại nhất phải có ở các cơ sở đào tạo. Khảo sát nhu cầu, đề xuất chỉ tiêu bồi dưỡng nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường đối với đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra trong toàn lực lượng. 

Phân công Học viện CSND chủ trì xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra trong toàn lực lượng...

Thu Phương
.
.