Gấp rút đổi mới đào tạo để đẩy nhanh “chính quy hóa” Công an xã

Thứ Bảy, 20/10/2018, 08:42
Chủ trương xây dựng lực lượng Công an (CA) xã chính quy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn – địa bàn chiếm tới 80% diện tích cả nước, đang được lực lượng CAND tích cực triển khai.

Tính đến ngày 31-7-2018, toàn quốc có 9.506 xã, thị trấn, nhưng hiện mới bố trí CA chính quy ở 1.232 xã, thị trấn. Mỗi năm, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra ở địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc. Do đó, việc đưa lực lượng CA chính quy về xã là nhiệm vụ cấp thiết.

Dưới góc độ đào tạo, những giải pháp nào sẽ sớm được các trường CAND triển khai để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực, góp phần quan trọng “chính quy hóa” lực lượng CA xã.

Hiện chuyên ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở (dùng cho đào tạo CA xã) thuộc ngành Quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đã và đang được đào tạo trình độ trung cấp ở các trường cao đẳng, trung cấp CSND. Các học viện, trường đại học CSND hiện đang đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội, thuộc ngành Quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.

Sinh viên về cơ sở.

Như vậy, khi triển khai chủ trương lớn theo Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “xây dựng CA xã, thị trấn chính quy…”, các trường CAND không chỉ tiếp tục đào tạo mà còn phải chủ động trong công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng CA chính quy tại các xã, thị trấn, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Trần Hồng Quang – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện CSND cho biết, Học viện CSND mỗi năm đào tạo, bổ sung cho CA các đơn vị, địa phương hàng ngàn cán bộ có trình độ đại học, nắm vững các quy định của pháp luật và có chuyên môn, nghiệp vụ tốt. Chính vì vậy, “với định hướng tăng cường CA cấp cơ sở, trong chương trình đào tạo trình độ đại học của Học viện CSND cần xác định cho học viên có tâm thế tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được tăng cường, điều động công tác tại các địa bàn cơ sở” – Thượng tá Trần Hồng Quang cho hay.

Học viện CSND hiện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học với 10 ngành, 17 chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đây sẽ là ngành cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp, có chất lượng để tăng cường cho lực lượng CA xã chính quy. Do đó, thời gian tới, tất cả các chương trình đào tạo của Học viện CSND cần bổ sung, cập nhật các học phần, kiến thức nghiệp vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Trong đó, nhà trường sẽ cập nhật, bổ sung về mục tiêu đào tạo, trang bị cho tất cả các học viên những “nhận thức cơ bản” về CA xã như: “CA chính quy đảm nhiệm chức danh CA xã”; “kỹ năng nghiệp vụ về công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người và giải quyết tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở”.

Để đạt mục tiêu này, Học viện CSND sẽ nghiên cứu, thiết kế các học phần với khối kiến thức cơ sở ngành, thời lượng từ 2 – 4 tín chỉ, hoặc thiết kế trong chương trình chuẩn đầu ra; đồng thời sẽ bổ sung chuyên đề “Công tác đảm bảo an ninh nông thôn của Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội” cho học viên các hệ chính quy, hệ liên thông, hệ vừa làm vừa học trước khi ra trường.

Học viện CSND cũng là nhà trường CAND đầu tiên đưa sinh viên đi “thực hành môn học, thực hành chính xã hội, thực tập nghề nghiệp” tại cơ sở; áp dụng mô hình “lý thuyết – thực hành” trong đào tạo các môn nghiệp vụ chuyên ngành với 1/3 thời gian học lý thuyết và 2/3 thời gian kiến tập – thực hành tại cơ sở. Hiện Học viện CSND đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về chương trình, đội ngũ, học liệu giảng dạy), để phối hợp với CA các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ công tác ở địa bàn cơ sở.

Với mục tiêu đào tạo nhân lực thực hành cho lực lượng An ninh nhân dân (ANND), đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn, Trường Cao đẳng ANND I đã tổ chức đào tạo hàng trăm khóa bồi dưỡng hệ sơ cấp CA xã và các khóa đào tạo chức danh trưởng, phó CA xã cho các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, trong đó nhiều nhất là Hải Phòng, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lai Châu, Nghệ An.

Để thực hiện thành công việc đào tạo nguồn nhân lực cho CA cơ sở, các nhà trường CAND sẽ phải đổi mới mạnh mẽ để “nâng cao chất lượng đội ngũ”, vì đây là vấn đề then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác đào tạo.

Thượng tá Trần Hồng Quang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Học viện CSND cho hay: “Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của nhà trường là phấn đấu họ phải trở thành những “chuyên gia ” về quản lý hành chính về trật tự xã hội. Do đó, Học viện CSND sẽ tổ chức tăng cường các hội thảo khoa học, tọa đàm, báo cáo thực tế và làm tốt công tác luân chuyển, đưa cán bộ giảng viên về thực tế tại địa bàn cơ sở. Đây là những yêu cầu bắt buộc để các nội dung giảng dạy sát với thực tiễn, giúp học viên có thể hiểu, vận dụng được các quy định của pháp luật, các nguyên tắc, quy trình công tác vào thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn xã, thị trấn”.

Cũng như Học viện CSND, Trường Cao đẳng ANND I sẽ đẩy mạnh gắn kết đào tạo với thực tiễn chiến đấu. Cơ chế này sẽ xuyên suốt từ việc đưa sinh viên đi thực tập, thầy cô giáo đi thực tế, đến việc mời cán bộ thực tế tham gia giảng dạy, huấn luyện kỹ năng, điều động, luân chuyển hai chiều giảng viên của trường về các đơn vị thực tiễn và ngược lại…

Thu Phương
.
.