Đấu tranh phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn Hà Nội (bài cuối)

Thứ Năm, 06/05/2021, 07:11
“Đấu tranh với đối tượng người Việt Nam vi phạm pháp luật đã khó, đấu trí với đối tượng người nước ngoài còn phức tạp hơn nhiều. Song với cán bộ là nữ giới cũng là một lợi thế, với ngôn ngữ mềm mỏng hơn, họ có thể dựa trên phán đoán và bằng những biểu hiện trên gương mặt của đối tượng để đấu tranh có hiệu quả với các đường dây tổ chức đưa người nước ngoài xuất, nhập cảnh trái phép”, Thượng tá Linh Chi cho biết.


Khắc phục khó khăn, quản lý chặt địa bàn để ngăn chặn vi phạm

Thời gian tới, với sự ổn định về chính trị, kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh, dự báo số lượng người nước ngoài (NNN) nhập cảnh trái phép để tìm kiếm việc làm, hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu vô cùng to lớn đối với các lực lượng chức năng của Công an thành phố nói chung trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong khu vực vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Căng mình làm nhiệm vụ

Chuyến đi hiếm hoi của gia đình vào phút cuối đành phải hoãn lại, lúc đó khoảng 10h ngày 2/5… Ngay khi nhận tin, Thượng uý Nguyễn Thị Lan Hương, cán bộ Đội quản lý XNC và cư trú NNN (Đội 3), Phòng quản lý XNC Công an TP Hà Nội có mặt tại Công an quận Cầu Giấy, nhận nhiệm vụ phối hợp khai thác 4 đối tượng Trung Quốc. Như thường lệ, con nhỏ chưa đầy 20 tháng tuổi được gửi sang ông, bà ngoại… 

Phòng quản lý XNC Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm truy tìm các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn.

Đã quá quen với những công việc đột xuất, bất ngờ của người vợ, người mẹ, các thành viên khác trong gia đình Thượng uý Nguyễn Thị Lan Hương đều chia sẻ với công việc của chị. Sự cảm thông, chia sẻ đó của người bạn đời là động lực giúp chị “chân cứng, đá mềm” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngay khi có mặt tại Công an quận Cầu Giấy, Thượng uý Nguyễn Thị Lan Hương vừa tiến hành lấy lời khai của các đối tượng người Trung Quốc vừa phối hợp với cán bộ Phòng An ninh điều tra và Công an quận Cầu Giấy nghiên cứu thông tin từ các vật chứng thu giữ của nhóm đối tượng. 

Qua tổng hợp các dữ liệu khai thác, họ đã phát hiện một nhóm đối tượng NNN cư trú tại chung cư Floren. Đến 15h cùng ngày, lênh khám xét đã được triển khai. Phát hiện nơi ở bị lộ, các đối tượng NNN cư trú trái phép tìm cách trốn chạy; có đối tượng trốn trong phòng vệ sinh của nhà tập gym, có đối tượng trốn ở khu vực bể bơi… nhưng đều lần lượt bị bắt giữ.

18h cùng ngày, trước tính chất phức tạp của vụ việc, quân số của Phòng quản lý XNC Công an TP Hà Nội tiếp tục được tăng cường, trong số đó có Đại uý Lê Thị Thanh Quỳnh; Hoàng Trang Nhung… Trước đó, nhóm công tác của đơn vị liên tục cập nhật thông tin nên tình hình cơ bản các cán bộ nữ đều đã nắm được, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng lên đường. Vì thế, ngay khi nhận nhiệm vụ, Đại uý Lê Thị Thanh Quỳnh đã “bàn giao” con nhỏ mới hơn 20 tháng tuổi cho ông xã rồi vội vã lên đường, còn nữ cán bộ Hoàng Trang Nhung khi đó đang chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình cũng đành bỏ dở công việc nội trợ, vội vã có mặt tại địa điểm được phân công. 

Số lượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép quá lớn, trong số đó có nhiều trường hợp không mang theo giấy tờ tuỳ thân nên cán bộ Phòng quản lý XNC, Phòng ANĐT và Công an các quận... phải tiến hành đánh số theo thứ tự rồi phối hợp với cơ quan ANĐT lấy lời khai của từng đối tượng, lập biên bản tạm giữ tang vật, làm rõ nhân thân của các đối tượng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thị Linh Chi, Phó trưởng Phòng quản lý XNC Công an TP Hà Nội cho biết: Nhiệm vụ của Phòng quản lý XNC Công an TP Hà Nội là quản lý công tác XNC, trong đó có yếu tố nước ngoài… Khi phát hiện có vụ việc thì phải nhanh chóng tiếp cận, khai thác đối tượng, trang thiết bị để mở rộng xác minh điều tra. Ưu thế của Đội 3 là cán bộ đều biết ngoại ngữ nhưng không vì thế mà công việc vơi bớt đi khó khăn. 

“Đấu tranh với đối tượng người Việt Nam vi phạm pháp luật đã khó, đấu trí với đối tượng người nước ngoài còn phức tạp hơn nhiều. Song với cán bộ là nữ giới cũng là một lợi thế, với ngôn ngữ mềm mỏng hơn, họ có thể dựa trên phán đoán và bằng những biểu hiện trên gương mặt của đối tượng để đấu tranh có hiệu quả với các đường dây tổ chức đưa NNN xuất, nhập cảnh trái phép”, Thượng tá Linh Chi cho biết.

Ở trong đội, số cán bộ biết tiếng Trung Quốc, tiếng Anh thì có thể thay phiên nhau nhưng cán bộ nói được tiếng Hàn Quốc thì chỉ có một người nên bất kể lúc nào, khi nhận lệnh là nữ cán bộ này lập tức lên đường. Biết ngoại ngữ đã tốt nhưng để đấu tranh có hiệu quả không dễ dàng, đơn cử như tiếng Trung Quốc, Thượng tá Chi tiếp lời. Trong số các đối tượng NNN bị phát hiện và bắt giữ, không phải đối tượng nào cũng nói được tiếng phổ thông… nên quá trình khai thác cũng gây khó khăn. Đó còn chưa kể đến một số trường hợp chưa học hết chương trình tiểu học hay các đối tượng Trung Quốc vẫn thường gọi là mù chữ dở. Các đối tượng này biết đọc nhưng không biết viết. Nhiều đối tượng không ghi nổi tên của mình…

Người nữ cán bộ làm công tác XNC ngoài công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công còn phải phối hợp nhuần nhuyễn, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan ANĐT. Một đối tượng có khi phải hỏi đi hỏi lại hàng chục lần, vừa phiên dịch cho đối tượng lại vừa trao đổi với cán bộ điều tra…, áp lực công việc vì thế vất vả gấp bội phần. Bắt được đối tượng đã khó, quá trình xử lý sau đó cũng không dễ dàng. 

Theo quy định, đối tượng NNN sau khi phát hiện sẽ đưa đi cách ly theo quy định. Cán bộ nữ được ưu tiên không phải coi đêm nhưng ban ngày vẫn phải thay phiên nhau để làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Công an TP Hà Nội, nơi thực hiện cách ly. Trong quá trình này, ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh còn là nỗi lo thường trực khi đối tượng tìm cách trốn chạy; giải quyết các mâu thuẫn của đối tượng trong quá trình sinh sống cùng với nhau.

Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh từ hoạt động quản lý xuất nhập cảnh

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Chính, Trưởng phòng Quản lý XNC Công an TP Hà Nội cho biết: Mặc dù cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp song tình trạng các đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp.

Từ thực tiễn các vụ án bị bắt giữ cho thấy, số đối tượng NNN này đều khai nhận nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay chủ yếu qua đường tiểu ngạch tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc. Các đối tượng sau khi nhập cảnh được vào Việt Nam thì tự di chuyển bằng xe ôtô tư nhân về Hà Nội (do 1 đối tượng người Trung Quốc đã bố trí từ trước). Khi về đến Hà Nội, các đối tượng thường lựa chọn những khu chung cư mới được đưa vào sử dụng làm nơi tạm trú và thường xuyên thay đổi chỗ ở (khoảng từ 2 - 3 ngày/lần)... để đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc nhập cảnh trái phép đều có sự cấu kết giữa người Việt Nam và NNN. Trong đó, nổi lên vai trò tiếp tay, giúp sức, bao che của một số cá nhân người Việt Nam; cụ thể là dẫn đường qua biên giới, thuê xe ôtô di chuyển, thuế nơi tạm trú, cung ứng các nhu yếu phẩm sinh hoạt...; các cơ sở lưu trú thì cho NNN tạm trú nhưng không khai báo tạm trú (trong đó có một số cơ sở do NNN mua hoặc thuê lại từ trước).

Để ngăn chặn tình trạng trên, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường việc tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú, nhà cho thuê... trên địa bàn (nhất là tại các tòa nhà, khu chung cư mới) để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động XNC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép theo quy định pháp luật. 

Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị thành phố đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện những đối tượng có dấu hiệu nhập cảnh trái phép, nắm chắc các phương thức, thủ đoạn lẩn trốn của đối tượng để kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng; hàng ngày tiến hành kiểm tra, rà soát công tác lưu trú của NNN trên địa bàn quận bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau theo đúng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”... để chủ động, kịp thời phát hiện những trường hợp NNN nhập cảnh trái phép trên địa bàn.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như những hậu quả về pháp lý phải gánh chịu khi giúp đỡ, tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép nhằm nâng cao nhận thức của người dân, qua đó giúp lực lượng Công an phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc.

Xuân Mai
.
.