Công điện về việc ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất
- Các đơn vị dầu khí ứng phó hiệu quả trước cơn bão số 9
- Các tỉnh miền Tây ứng phó với cơn bão số 9
- Lực lượng CSGT sẵn sàng ứng phó phòng chống cơn bão số 9
Nội dung Công điện nêu rõ:
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trong đới gió Tây trên cao ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa (tính từ 7h đến 13h ngày 9-12-2018) phổ biến 10 - 30mm, có nơi lớn hơn như Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh, Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, đêm qua đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Dự báo, ngày 11-12, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 20 - 40mm; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50 - 100mm. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 58/CĐ-TW, ngày 9-12-2018 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với tình hình diễn biến mưa, lũ và sạt lở đất.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Triển khai hiệu quả phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”: Các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục, các trường Công an; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ.
Chủ động triển khai phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc, hạ tầng kỹ thuật, cột thu phát sóng của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân.
Đồng thời, phối hợp cùng cơ quan chức năng tại địa bàn: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là đối với các khu vực sơ tán dân đi và đến.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (số điện thoại 0913.555.323, 069.23.20119; Fax: 069.23.20160).