Công an các tỉnh khu Nam Trung bộ ứng phó cơn bão số 6
- Ứng phó bão gần Biển Đông
- Nam Trung Bộ triển khai phương án ứng phó bão số 9
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó bão Damrey
- Miền Trung: Nhiều địa phương đã sẵn sàng ứng phó bão số 12
- Lực lượng CAND khắc phục lũ tại miền Trung và chủ động ứng phó bão số 7
Thiếu tướng Phan Văn Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết : “Ngoài việc phân công Đại tá, Phó giám đốc Nguyễn Nhất Tâm đảm trách chỉ huy, chỉ đạo chung; Đại tá, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hồng không chỉ đảm trách kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó cơn bão số 6 tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt ven sông, triều cường ven biển mà còn trực tiếp chỉ huy tại hiện trường cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra”.
Đến 15h chiều ngày 8-11, công an các đơn vị, địa phương ở Phú Yên đã hoàn thành và báo cáo kết quả tự kiểm tra công tác PCTT-TKCN. Ngoài việc kiểm tra, giằng chống, neo giữ các cơ sở làm việc, kho vật tư, lưu trữ hồ sơ, trại tạm giam, nhà tạm giữ, chuẩn bị xe ô tô, ca nô, áo phao, phao cứu sinh, lương thực – thực phẩm, dược phẩm và công cụ y tế, 100% cán bộ – chiến sĩ (CBCS) Công an các đơn vị, địa phương ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều thường trực xuyên suốt ngày đêm từ 7h sáng ngày 9-11 để thực thi nhiệm vụ PCTT-TKCN cho đến khi có lệnh giải tỏa.
Công an tỉnh Phú Yên chuẩn bị ca nô ở vùng xung yếu ven sông sẵn sàng xung trận cứu nạn - cứu hộ, sơ tán người dân ra khỏi tầm nguy hiểm. Ảnh: Hữu Toàn |
Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh khu Nam Trung bộ không chỉ chủ động xây dựng đội ngũ lái xe có giấy phép hạng FC để huy động điều khiển ô tô tải kéo ca nô đến hiện trường TKCN mà còn phân công các tổ tuần tra thường trực tại các cung đoạn xung yếu trên các tuyến giao thông trọng điểm có khả năng sạt lở, lũ tràn, cây ngã đổ… để lắp đặt biển báo ngăn chặn, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn, Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị nghiệp vụ chủ động tăng cường công tác tuần tra bảo vệ ANTT, phòng ngừa và kịp thời đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng thiên tai bất ổn để thực hiện các hành vi phạm tội… Công an các địa phương rà soát, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động sơ tán người dân ra khỏi tầm nguy hiểm của thiên tai trước khi cơn bão ập đến.
Các cơ quan chức trách kiểm tra, vận động người dân rời khỏi lồng bè thả nuôi tôm cá ở những đầm, vịnh ven biển Nam Trung bộ trước khi cơn bão số 6 ập đến. Ảnh : Hữu Toàn |
Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Võ Duy Tuấn, Trưởng Công an thị xã Sông Cầu – địa bàn được dự báo cơn bão số 6 có thể ập đến, cho biết : “Ngoài Đội thanh niên xung kích, Công an thị xã Sông Cầu còn thành lập 4 tổ công tác gồm 90 CBCS thường trực tại Công an thị xã, Đồn Công an Đông Bắc, Nhà tạm giữ và UBND xã Xuân Phương để bảo vệ ANTT, sơ tán người dân, di dời tài sản và TKCN. Mặt khác, 2 ca nộ có công suất 85 CV, 1 ca nô công suất 45 CV và 1 xuồng cao su cũng đã được bố trí trong tư thế sẵn sàng xung trận TKCN…”.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, rút kinh nghiệm sau cơn bão số 5, các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh các biện pháp kỹ thuật neo đậu tàu cá tại các bến cảng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do va đập, đứt neo trôi dạt.
Hơn 1.200 hộ gia đình có nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái, ngập nước trong cơn bão số 5 đã được sơ tán đến các công sở để tạm trú tránh bão số 6, trong đó có hơn 100 gia đình sinh sống bên tuyến kè ven biển Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đã bị sóng biển xô đập sạt lở, sập đổ.
Một số người dân ven biển chủ động sơ tán, di dời tài sản tránh khỏi tầm nguy hiểm của sóng biến xô đập trong cơn bão. Ảnh: CTV |
Tổng hợp thông tin thu thập được từ trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cho thấy, thông qua hệ thống Incom, BĐBP đã liên lạc 1.960 tàu cá với 17.204 ngư dân đang hành nghề đánh bắt hải sản trên biển để thông tin về cơn bão số 6, trong đó có gần 50% số tàu cá nằm trong tầm nguy hiểm đã hướng mũi lái vào các đảo, bến bãi để neo đậu tránh bão.
Người nuôi tôm, cá ở các đầm vịnh ven biển Nam Trung bộ được vận động hoặc sẽ bị cưỡng chế rời khỏi lồng bè trước khi bão ập đến. Ảnh : Hữu Toàn |
Tại các cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương – TP Nha Trang, Đá Bạc – TP Cam Ranh, Đại Lãnh – huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa); cảng cá Đông Tác – TP Tuy Hòa, Phú Lạc – huyện Đông Hòa, Tiên Châu – huyện Tuy An, Dân Phước – thị xã Sông Cầu (Phú Yên); cảng cá Ninh Chữ – huyện Ninh Hải, Cà Ná – huyện Ninh Phước, Đông Hải – TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận), cảng cá Quy Nhơn – TP Quy Nhơn, Tam Quan – huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã có gần 9.000 tàu cá neo đậu an toàn.
Ngoài ra, BĐBP phối hợp chính quyền, công an địa phương và các cơ quan chức trách vận động kết hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế khoảng 45.000 người đang lưu trú ở gần 18.000 bè thả nuôi tôm, cá, ốc tại những đầm, vịnh ven biển khu Nam Trung bộ, đồng thời thực thi lệnh nghiêm cấm tàu cá, tàu du lịch rời cảng cá, bến tàu biển trước khi bão đến.
Người nuôi tôm, cá giằng neo lồng bè để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra khi bão ập đến. Ảnh : Hữu Toàn |
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết: “Điều đáng ghi nhận là các tàu cá hành nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nên thuyền trường và ngư dân đánh bắt xa bờ đã chủ động rời khỏi vùng tâm bão”.
Tàu cá của ngư dân thị xã Sông Cầu neo đậu an toàn. Ảnh: Hữu Toàn |
Trong văn bản hỏa tốc gửi đến các địa phương, cơ quan chức trách, ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không chỉ yêu cầu giằng chống nhà ở, công sở, kho vật tư, lương thực – thực phẩm, chú trọng kỹ thuật neo đậu tàu cá ở các bến cảng bảo đảm an toàn, liên lạc hướng dẫn tàu cá vận hành trên biển khẩn trương đến nơi tránh bão gần nhất, mà còn chỉ đạo các địa phương có phương án cụ thể sơ tán người dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét ven sông, triều cường ven biển, Trung đoàn không quân 910, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an, Bộ đội biên phòng chuẩn bị ca nô, ô tô, trực thăng… để cứu nạn khi có yêu cầu…