Côn Đảo- tháng 7 tri ân

Thứ Năm, 20/07/2017, 18:13
Đoàn đại biểu của Hội phụ nữ Tổng cục Chính trị CAND đã đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ và thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), từ ngày 18 đến 20-7,  Đoàn đại biểu của Hội phụ nữ Tổng cục Chính trị CAND đã đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ và thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự cùng Đoàn công tác có Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Đại tá Lê Văn Tuyến, Phó Cục trưởng Cục tham mưu chính trị CAND….

Trong cái nắng nhạt vàng đầu sáng, cả Đoàn công tác đã đến thăm nghĩa trang Hàng Dương. “Hàng dương bao lớp gò xương chất/Chuồng cọp hàng giờ máu lệ rơi”...

Đoàn công tác dành 1 phút mặc niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa  trang Hàng Dương.

Tất cả lặng đi khi nghe cô hướng dẫn viên nói về lịch sử bi tráng của Nghĩa trang Hàng Dương. Trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, đã có khoảng 20.000 tù nhân bị lưu đày tại đây. 

Tại nghĩa trang Hàng Dương, hiện có 1.921 phần mộ của các liệt sỹ, chiến sỹ nhưng chỉ có trên 700 ngôi mộ xác định được tên tuổi, quê quán vì trong quá trình bị địch bắt tù đày có nhiều đồng chí đã giữ vững khí tiết và bí mật cho cơ sở nên đã khai tên tuổi, quê quán giả… 

Đa phần các mộ ở đây không quy tập mà vẫn giữ nguyên vị trí và giữ nguyên trạng mộ đá từ trước, trong đó có cả những phần mộ tập thể lên tới 14 liệt sỹ (bị địch tử hình cùng ngày).Với ý nghĩa hào hùng ấy, nghĩa trang Hàng Dương chính là nơi thể hiện cho lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Trong không khí trang nghiêm thành kính, Đoàn đã dâng hương tại mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu... 

Đoàn công tác tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đặc biệt nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của một người nữ tử tù chính trị, Anh hùng lượng vũ trang Võ Thị Sáu. Chị Võ Thị Sáu tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ, bị chính quyền Pháp bắt khi mới 15 tuổi, bị tòa án binh Pháp kết án tử và bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo khi chưa đủ 18 tuổi. 

Ai cũng đã từng đọc, cũng có người đã đến nơi đây và được nghe về lịch sử nghĩa trang Hàng Dương, nhưng hôm nay đứng trước mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, các thành viên trong Đoàn đều rưng rưng. Trong mờ mờ hương khói, bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” đã được cất lên từ chính trái tim của những thành viên trong Đoàn, nhiều chị nghẹn lời khi đang hát. Ngay cả Thiếu tướng Mai Văn Hà, khi cất lời hát về chị Võ Thị Sáu, đôi mắt ông cũng rưng rưng….

Tiếp tục cuộc hành trình, Đoàn đến thăm toàn bộ hệ thống khu di tích nhà tù Côn Đảo - nơi thực dân và đế quốc đày ải những người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của địch.

Thiếu tướng Mai Văn Hà và các đại biểu tìm hiểu lịch sử tại mộ Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh

Những ngày ở Côn Đảo, ngoài việc đến viếng thăm các khu di tích và đốt nén nhang thơm nơi vong linh các Anh hùng cách mạng bất khuất đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, Đoàn công tác còn đến đến thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, có công với Cách mạng tại huyện Côn Đảo. 

Đó là gia đình cụ Dương Thị Dễ tham gia Cách mạng và có một con là liệt sĩ; cụ Nguyễn Thị Lũy có chồng, con là liệt sĩ và một người con trai nguyên là cán bộ trong ngành Công an; ông Nguyễn Văn Ước, cựu tù Côn Đảo thời ấy giờ vẫn bám trụ trên mảnh đất thiêng liêng này. 

Đoàn cũng đã trao quà cho Công an huyện Côn Đảo; 8 gia đình cán bộ Công an huyện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 36 suất quà cho các cháu là con chiến sỹ Công an huyện và các cháu học sinh trường tiểu học Cao Văn Ngọc, trường THCS và THPT Võ Thị Sáu vượt khó học giỏi. Tổng các suất quà trị giá 137 triệu đồng, trong đó có 60 triệu đồng do Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình tài trợ cho 30 suất học bổng, số còn lại do CBCS Tổng cục Chính trị CAND quyên góp, ủng hộ.

Đoàn công tác dâng hương tại mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu.
Bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” đã cất lên từ chính trái tim mỗi thành viên trong đoàn

Thiếu tướng Mai Văn Hà xúc động phát biểu, đợt sinh hoạt chính trị về nguồn lần này thật ý nghĩa, là dịp để tuyên truyền trong cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên phụ nữ Tổng cục Chính trị CAND về tấm gương hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, người có công với nước; thông qua đó để giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và thái độ trân trọng của thế hệ trẻ với cha anh, tạo động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; là cơ hội để mỗi cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên phụ nữ tích cực tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Thiếu tướng Mai Văn Hà thăm, tặng quà gia đình chính sách và cựu tù Côn Đảo.
Thượng tá Phạm Thị Nhàn và đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
tặng quà các cháu học sinh.

Ba ngày ở Côn Đảo như níu chân Đoàn công tác. Tháng 7 ở mảnh đất thiêng liêng truyền thống Anh hùng cách mạng ấy đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho mỗi thành viên trong Đoàn. 

“Đây là một trong chuỗi những hoạt động của Hội phụ nữ Tổng cục Chính trị CAND nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục có những hoạt động có ý nghĩa như hoạt động tình nghĩa hướng về biển đảo, hướng về các vùng sâu vùng xa, những nơi khó khăn…. Các Hội phụ nữ ở cấp cơ sở cũng  hoạt động rất sôi nổi, nhiều đơn vị  đã vận động quyên góp để trao nhà tình nghĩa, sữa chữa mái ấm tình thương, thăm các gia đình chính sách trong dịp này” - Thượng tá Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Hội phụ nữ Tổng cục chính trị CAND cho biết thêm. 

T. Hòa
.
.