Chuyện những người đi vào vùng “biển lửa”

Thứ Ba, 02/07/2019, 09:26
Đám cháy đã được khống chế, câu chuyện về lòng quả cảm của lực lượng chữa cháy, trong đó có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an quên mình chiến đấu với “giặc lửa” nơi đây đang được người dân thán phục, cảm mến.


Câu ca dao “Ai biết nước sông Lam cũng có khi khô cạn/ Ai biết núi Hồng Lĩnh cũng có khi hết cây” đưa chúng tôi đến chân núi Hồng (Hà Tĩnh) với nhiều tâm trạng. Ba ngày cháy rừng liên tiếp kéo dài cả kilomet “Núi Hồng bốn mùa thông reo” nhiều nơi giờ chỉ còn là ký ức qua vần nhạc, bởi nhiều cánh rừng thông đã bị cháy rụi do hỏa hoạn. 

Đám cháy đã được khống chế, câu chuyện về lòng quả cảm của lực lượng chữa cháy, trong đó có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an quên mình chiến đấu với “giặc lửa” nơi đây đang được người dân thán phục, cảm mến.

Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Nam dùng vòi rồng phun chữa cháy rừng keo lá tràm.

Anh Nguyễn Đình Hoàng, trú ở xã Xuân Hồng chỉ tay vào đám cháy phía xa nói với chúng tôi với giọng đầy xúc động: Không có Công an, bộ đội thì mấy ngày qua không những cháy rừng mà nhà dân xung quanh đây sợ cũng bị ngọn lửa thiêu rụi. Không kể dưới nắng như đỏ lửa, hay đêm khuya khi người dân phải rời khu vực cháy để đảm bảo an toàn thì các anh lại đi vào để dập lửa, chứa cháy. Trong cái nóng trên 40 độ C của ngày hè, gió Lào thổi, nhiều người dân ở trong nhà tránh nắng, thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nghi Xuân đã 4 ngày qua hầu như không về nhà. Tất cả đều ở lại tại đơn vị làm nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đăm chiêu khi nói về vụ cháy: Chỉ vì một người dân nhóm lửa đốt rác mà chúng ta đã mất cả hàng trăm hécta rừng, hàng ngàn người phải lao mình vào trong lửa khói nhiều ngày liền để dập lửa cháy rừng. Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, Ban chỉ huy Công an huyện Nghi Xuân phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy linh hoạt trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. 

Đến hiện trường, nhận thấy đám cháy ở quá gần nhà dân, Thượng tá Thành đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh phân bổ quân số, vừa dập lửa cứu rừng, vừa di dời dân đến nơi an toàn. Đã 4 ngày qua, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Nghi Xuân đều được huy động 100% quân số để phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, cấp ủy chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân tích cực chữa cháy. 

Thượng tá Nguyễn Quang Thành cho biết thêm: “Ngày 28-6, Ngày Gia đình Việt Nam, trước đó anh em trong đơn vị cũng định tổ chức cho các gia đình cán bộ, chiến sỹ gặp nhau, hoặc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ sum họp gia đình. Nhưng trưa 28-6, xảy ra vụ hỏa hoạn cháy rừng ở xã Xuân Hồng rồi lan đến núi Hồng Lĩnh ở thị trấn Nghi Xuân, nên tất cả đều gác lại, không ai về nhà mà nhận lệnh đến điểm cháy để cứu rừng”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tất cả vì nhân dân phục vụ, vì tài sản quốc gia, những chiến sĩ Công an Hà Tĩnh đã trắng đêm, căng mình để dập lửa, giữ rừng, giữ màu xanh cho quê hương. Với bánh mì, lương khô, nước lọc qua ngày, họ vẫn bám trụ địa bàn. 

Cả ngày 28-6, chiến đấu với giặc lửa, khi đêm xuống ngọn lửa đã được khống chế, cán bộ, chiến sỹ mệt nhoài, nhiều người nằm ngay cạnh bìa rừng để ngủ. 

Công an huyện Nghi Xuân, Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh, Nghệ An nỗ lực dập lửa cháy rừng Hồng Lĩnh. Ảnh: CTV.

Giấc ngủ chập chờn không giường, chiếu cạnh bìa rừng của các anh nào đâu có yên, đến 3h ngày 29-6, đám cháy bùng phát trở lại tại núi Hồng Lĩnh. Tất cả lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, Công an huyện Nghi Xuân đang ứng trực tại hiện trường lại lao vào điểm lửa để giành giật từng khoảnh rừng, từng gốc cây với ngọn lửa hung tàn trong nắng hạn. 

Giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa rừng rực, bỏng rát, nhiều cán bộ, chiến sỹ như quên đi khói, bụi, gió Lào bỏng rát, vết bỏng hay trầy xước... việc dập lửa cứu rừng với các anh lúc này không còn là mệnh lệnh mà đó là trách nhiệm, là tình cảm với núi Hồng Lĩnh, biểu tượng của đất Hồng Lam.

Thượng tá Hoàng Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hà Tĩnh tâm sự: Ngay vừa đến hiện trường đám cháy anh em đã nhanh chóng tìm vị trí để tiếp cận gần nhất với điểm có lửa để dập tắt. Mặc dù vị trí dốc, hiểm trở, nhưng mỗi một cán bộ, chiến sĩ với quyết tâm cao nhất, mưu trí, dũng cảm, thực hiện hiệu quả phương án chữa cháy. Có điểm những chiến sĩ phải leo độ cao hơn 500m. Nếu có những tháng ngày rèn luyện vất vả trên thao trường thì chắc hẳn, nhiệm vụ đánh thẳng vào “giặc” lửa lúc này chắc chắn sẽ khó thực hiện. 

Ba ngày liền đối mặt cùng ngọn lửa dữ dội ở Hồng Lĩnh, Thượng úy Lê Anh Hùng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh cho biết “Đã có lúc anh em gần như kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng chúng tôi vẫn căng mình ra khống chế và ngăn chặn đám cháy lan xuống khu dân cư. Gần 3 ngày trôi qua, mỗi anh em chiến sỹ chỉ ngủ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, gần như không còn thời gian nghỉ ngơi, Nhưng ai nấy cũng đều dốc sức, dốc lực, dốc tâm, dốc trí để chữa cháy. Có thời điểm, khi đám cháy lan rộng và nắng nóng cao điểm nhất, hầu hết chiến sỹ bị bỏng, song không ai kêu ca, mà tiếp tục với nhiệm vụ để khống chế đám cháy”.

Sáng 1-7, sau khi dự hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đi thị sát hiện trường vụ cháy rừng ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh xảy ra vào hôm 30-6. Phó Thủ tướng động viên lực lượng tham gia chống cháy rừng và bà con nhân dân trên địa bàn đã khống chế và dập tắt đám cháy xảy ra thuộc địa phận thôn Ninh Thái, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ. 

Tại hiện trường vụ cháy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng liên quan về công tác phòng, chống cháy rừng. 

Theo Phó Thủ tướng: Các đám cháy đã được dập tắt, nhưng do thời tiết hạn hán kéo dài, gió thổi mạnh nên rất có thể nhiều nơi, nhiều điểm tàn tro vẫn âm ỉ cháy nên không được lơ là, chủ quan, vì ngọn lửa rất có thể bùng phát trở lại. 

Để phòng chống cháy rừng hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền sâu, rộng cho người dân thấy nguy hại nghiêm trọng của hỏa hoạn, vận động nhân dân không đốt thực bì, đốt rác, hay sử dụng lửa tùy tiện trong những ngày nắng nóng, khô hạn thế này. 

Với tình hình cháy ở các điểm trên địa bàn trải rộng thì huy động tốt lực lượng tại chỗ, động viên nhân dân trên địa bàn cùng vào cuộc với lực lượng chức năng để dập lửa khi xảy ra cháy. Hạn hán còn kéo dài, vì vậy các tỉnh không chủ quan, tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất khi cần thiết.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng gây ra vụ cháy rừng ở Hồng Lĩnh

Chiều 1-7, Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (SN 1973), trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. 

Như Báo CAND đã đưa tin, sáng 28-6, Thành đi mua đồ ăn sáng và mua một chiếc bật lửa gas để hút thuốc. Gần trưa cùng ngày, Thành ra vườn, gom rác lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa để đốt rác. Gió thổi mạnh ngọn lửa nơi Thành đốt cháy lan ra khắp vườn, nên Thành múc nước dập lửa nhưng không được. 

Vụ cháy tiếp tục bùng phát đến vườn thông rừng trồng sau nhà Thành rồi trở thành điểm cháy lớn nhất trong mấy chục năm qua, thiêu rụi hàng trăm hécta rừng núi Hồng Lĩnh. 

Sau gần 3 ngày huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội, các ngành chức năng và người dân mới dập tắt, khống chế được đám cháy. (Sông Lam)

Quảng Nam liên tục xảy ra cháy rừng

Do nắng nóng kéo dài và sự lơi lỏng, chủ quan của một số người dân khi sử dụng lửa trong khu vực rừng trồng nên đã xảy ra những vụ cháy rừng. Chỉ tính trong vòng 4 ngày cuối tháng 6-2019, nhiều cánh rừng trồng keo lá tràm, cây ăn quả của người dân ở địa bàn các huyện Thăng Bình, Phú Ninh và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bất ngờ bị bốc cháy gây thiệt hại nặng nề về kinh tế…

Khoảng 13h30 trưa 1-7, tiếp tục xảy ra một vụ cháy tại khu rừng keo lá tràm thuộc khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ. Nhận tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Nam lập tức xuất 2 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường cùng người dân dập lửa. Do khu vực xảy ra đám cháy có rất nhiều lá khô nên ngọn lửa lan nhanh. 

Theo ghi nhận, tại hiện trường, đã có hơn 4ha keo là tràm trồng bị cháy. Với sự nỗ lực của lực lượng chữa cháy và người dân, đến 15h cùng ngày đám cháy cơ bản được khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ… (Hà Vy)

Một cán bộ Kiểm lâm bị thương khi chữa cháy cứu rừng

Ngày 1-7, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh này và các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi, động viên ông Hà Văn Thạch (52 tuổi), cán bộ Hạt Kiểm lâm (HKL) thị xã Hương Trà, bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy cứu rừng. 

Ông Hà Văn Thạch được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Lúc 13h45 ngày 28-6, nhận được tin báo cháy rừng thông đặc dụng ở phường Hương Hồ, HKL thị xã Hương Trà đã huy động lực lượng đến hiện trường phối hợp với các đơn vị tham gia chữa cháy. Trong quá trình chữa cháy cứu rừng, ông Thạch đã bị bỏng nặng ở vùng mặt và hai bàn tay. 

Ngay sau đó, ông Thạch được chuyển đến Khoa Bỏng, Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Được sự cứu chữa tích cực của các bác sĩ, hiện sức khỏe ông của Thạch đang dần hồi phục. (Anh Khoa)

S.Lam-X.Lý-A.Cường
.
.