Rơi nước mắt những dòng sẻ chia về người lính chữa cháy rừng Hà Tĩnh

Chủ Nhật, 30/06/2019, 17:08
Tôi đã lặng đi khi đọc những dòng trạng thái trên trang Facebook của các chiến sĩ Công an, Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh và cả những sẻ chia của các cô giáo, những người vợ, người bạn có chồng, có người thân đang dầm mình lao vào đêm lửa hung dữ. 


Nắng, nóng đổ lửa. Và cháy rừng. Ngọn lửa rừng rực, hung dữ táp từ vùng rừng Nghi Xuân, Hà Tĩnh lan rộng về hướng Nam. Trong cái ngột ngạt vô cùng của lửa, của khói, của tàn bụi phủ kín vùng đất, vùng rừng bên bờ sông Lam, những chiến sĩ Công an, Bộ đội, nhân viên Kiểm lâm, dân quân địa phương…  tay ống, tay gùi, nhễ nhại mồ hôi và lấm lem khói bụi, cắt rừng xuyên đêm chữa cháy.

Những người lính đang chiến đấu trong đám cháy rừng Hà Tĩnh.

Tôi đã lặng đi khi đọc những dòng trạng thái trên trang Facebook của các chiến sĩ Công an, Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh và cả những sẻ chia của các cô giáo, những người vợ, người bạn có chồng, có người thân đang dầm mình lao vào đêm lửa hung dữ. 

Một chiến sĩ Công an Hà Tĩnh bày tỏ trên trang cá nhân của mình với bài thơ “Vì anh là lính cứu hoả”, viết đề tặng những chiến sỹ Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh tham gia vụ chữa cháy rừng tại Nghi Xuân.

Hà Tĩnh vào hè nóng rực quá đi em
Cả một tháng nay đất trời như đổ lửa 
Mưa ở đâu sao không còn thấy nữa
Chỉ thấy tin về lửa cháy nhiều hơn.

Bỏ bát cơm vừa bới nửa lưng
Con cá bẻ đôi, quả cà cắn dở
Mặc vội bộ đồ lấm lem chưa kịp giặt giũ 
Kẻng đã rung rồi chân mau bước lao nhanh…  

Những vần thơ sẻ chia về người lính chữa cháy rừng gây xúc động

Đáp lại những dòng thơ trên, bày tỏ sẻ chia nỗi vất vả của những người lính PCCC đang dầm mình với bụi khói, kiên cường chống lại ngọn lửa hung dữ, cô giáo Võ Việt Anh, giáo viên dạy Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh gửi tặng bài thơ nhan đề “Viết cho anh” (những người lính chữa cháy):  

Em ghét vô cùng cái nắng miền Trung
Trời đổ lửa, mồ hôi ai mặn chát
Ghét luôn cả cơn gió Lào bỏng rát
Xơ xác làng quê mỗi độ hè về.

Em lo sợ vô cùng mỗi chuyến anh đi
Rừng lại cháy, lửa bạo tàn ngang ngược
Lội suối, trèo non, mình anh đầy vết xước
Da sạm đen, tóc bết lấm tro tàn.

Gọi cho em, vẫn ánh mắt dịu dàng
Mà hơi thở nghe quá chừng mệt nhọc
Thấy anh cười, em rưng rưng nước mắt
Chỉ biết thương anh thôi, thương đến thắt lòng.

Khao khát trời mang đến những cơn dông
Rừng hết cằn khô, hồi sinh từ đất trọc
Để anh của em vơi phần khó nhọc
Lại bình yên bên em nghe khúc hát rừng xanh.

Chỉ sau một ngày đăng tải, đến chiều 30/6, bài thơ đã nhận được hàng trăm lượt like (thích), gần 200 bình luận và 86 chia sẻ. Nick “Nhung Kieu Tuyet” bày tỏ: “Đọc những dòng thơ bạn viết, cảm động, thương các anh, người đồng đội của mình nhiều lắm… Cảm ơn bạn đã tiếp thêm động lực để các anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Và đây là tâm sự của người trong cuộc - bạn Lê Ngọc Mai, viết trên tường Facebook:

“2h sáng! Ngày 29/6/2019! 

Một ngày mệt nhoài, dài đằng đẵng! 

Cả một tháng trời nắng nóng, đất Hà Tĩnh chẳng thấm được mấy giọt nước mưa! Nắng nóng đến mức núi rừng các huyện tỉnh Hà Tĩnh cháy liên tục, một ngày nhận dăm bảy tin báo cháy, lượt xuất xe... cứ đều đều như vậy! Trong ngày, nhìn hình ảnh cháy rừng ơ Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Sơn... thật khiến người ta xót xa tột độ! Trưa nắng, mọi người vào phòng điều hoà tránh nóng, nghỉ trưa. Anh em trực chữa cháy, nhận tin điện thoại, đánh kẻng. Kẻng kêu lên, tiếng bước chân anh em lao xuống xe, nhảy 4-5 bậc cầu thang, dồn dập, tiếng còi xe hú lên.., vậy là lại đi chữa cháy! 

Tôi thấy dần quen với những bữa cơm nguội lạnh, dọn dở. Các anh dũng cảm xông vào đám cháy mà chẳng nao núng nhưng cái cảm giác lo lắng nhìn xe khuất dần sau cánh cổng thì dẫu quen, nhưng mà thật đáng sợ. Chẳng thốt nên lời, che giấu những lắng lo, vợ con người thân ở nhà bụng dạ chẳng thể nào yên nổi, chỉ một lòng cầu mong mọi chuyện sẽ ổn! Đi suốt buổi chiều tới đêm muộn, cháy cứ tàn độc mà lớn mãi, lan rộng. Anh em cứ quyết chí thay nhau diệt lửa! Nóng, khói khí độc, hiểm nguy cũng chẳng làm các anh nản chí. Ngày xưa cha ông đánh trận, bây giờ nhìn hình ảnh các anh xông pha nơi biển lửa, tôi tin chẳng phải mình tôi mà nhiều người, rất tự hào, cảm phục vô cùng…

Từ đầu chiều tới đêm muộn, gần 1h sáng, anh em mới về. Đám cháy được khống chế và dập tắt. Nhìn những khuôn mặt lấm lem, những vệt to nhỏ đen sỳ trên mặt, người nồng mùi khói đượm, quần áo ướt sũng, rũ rượi, mệt mỏi, bụng đói lả, ai nấy lấy nốt chút sức lực còn lại, vội vàng nép dọn luôn, bỏ vào xe những thứ cần thiết trên xe để đảm bảo thường trực chiến đấu, lỡ sự cố xảy ra là ae lại lao đi luôn! “Tau khi nhỏ dừ (tôi khi nhỏ tới giờ - PV) ngán xôi đến tận cổ, mà tối ni (tối nay) dân đưa cho vắt xôi be bé, tau ăn ngon mà chưa khi mô ngon rứa (khi nào ngon thế) bây ạ. Những lúc ri (lúc này) mới thấy giá trị của mánh bánh Hura (miếng bánh) với mì tôm sống”! Đấy, những câu nói lạc giọng vang lên pha những tiêng cười toại nguyện, làm ta nghẹn ngào đến thương cảm!...”.

Người lính Cảnh sát chữa cháy với bữa ăn lót bụng là mì tôm sống ngay trên đỉnh rừng

Chốt lại những dòng chia sẻ của mình, Lê Ngọc Mai bày tỏ: “Tôi viết ra những suy nghĩ này chẳng mong cầu người ta tung hô người lính chữa cháy, cũng không mong được hết tất thảy mọi người ghi nhận những gì chúng tôi đã làm. Bởi, dù chúng tôi chưa nhận được đủ đầy đồng cảm từ tất cả mọi người dân, thì chúng tôi - những người lính chữa cháy đã, đang và vẫn luôn luôn cháy hết mình diệt giặc lửa… Nắng quá nhiều rồi, mong trời dịu đi, mưa xuống, có lẽ trên khuôn mặt của anh em PCCC Hà Tĩnh sẽ ít nhiều bớt đau đáu, trăn trở hơn”.

Sau hơn một ngày, bài viết trên lan truyền mạnh mẽ với khoảng 1,4k lượt like, hàng trăm bình luận và tới gần 500 chia sẻ. Nick “Hải Đăng” thức viết bình luận lúc 4h26’ sáng 29-6: “Hình ảnh mà để lại nhiều ấn tượng nhất với mình chắc hẳn là hình ảnh của các bác dân quân tự vệ. Sở dĩ bảo là các bác dân quân là vì trong lực lượng ai cũng đã già và hầu như đầu cũng toàn 2 thứ tóc. Xuống xe tải, mỗi người mỗi việc nhưng không ai quên rằng phải tự thôi thúc mọi người tiến vào đám cháy với sự quả cảm với trang bị ở đầu chiếc đèn pin cũ kỹ xung quanh vầng trán đầy nếp nhăn và những giọt mồ hôi. Người thì tay cầm liềm, người thì cầm rạ, dù chỉ là vật nhỏ nhưng cũng thấy và hiểu được tinh thần cao thượng ấy là như nào và vật dụng còn lại mà họ mang theo là mỗi người một chai nước lọc. Những chai nước này ắt hẳn là do vợ con chuẩn bị cho họ mới thấu được sự quan tâm đến nhường nào vì có chai to, chai nhỏ, người thì cầm ở tay người thì để ở túi quần, có người còn vì chai to quá phải kẹp xách ở hông. Dù nó không nhiều và chắc chắn là không đủ cho trong cuộc chiến với giặc lửa, cứu cái còn trong cái mất nhưng với họ thì đó không chỉ là những chai nước bình thường để giải khát mà còn là sự quan tâm sẻ chia về tinh thần cực lớn gói gọn trong đó, thôi thúc sự chiến đấu không ngừng nghỉ với giặc lửa”.

Nick “Luân Lợi” mô tả diễn biến vô cùng căng thẳng trong đêm chữa cháy: “Đói, khát và mệt đến rũ rượi. Đó chính xác là cảm giác của những người lính PCCC này. Mình không phải lính PCCC chuyên nghiệp nhưng cũng đã tham gia nhiều vụ chữa cháy và mình hiểu rõ điều ấy. Chữa cháy luôn gian lao và nguy hiểm, trong đó chữa cháy rừng là kinh khủng nhất vì lúc ấy phương tiện có thể dùng được đó là máy thổi và dao rựa để phát đường băng còn xe cứu hỏa coi như vô dụng. Nhưng nếu thực bì dày, rừng có loại cây dễ cháy như rừng thông thì mọi chuyện thật tồi tệ. Trèo lên một ngọn núi ở độ cao mấy trăm mét so với mực nước biển, chui rúc giữa những um tùm cây cối, vừa đi vừa phát hoặc tìm đường đến chỗ đám cháy và trên người mang theo một chiếc máy thổi bạn mới thấy nó như thế nào. Chưa hết, khi đến hiện trường, lửa bốc cao có những khi không thể tiếp cận được, khói bụi và hơi nóng đến ngộp thở và hết sức nguy hiểm vì nếu rơi vào địa hình phức tạp thì chẳng có đường lui, bị bao vây giữa muôn trùng khói lửa. Người lính phòng cháy chữa cháy vất vả, gian lao và từng ngày từng giờ đối mặt với hiểm nguy như vậy đấy…”.

Anh bày tỏ: “Họ là vậy, gian truân, vất vả, trăn trở cùng công việc như bao người khác, cũng có lúc lo lắng, sợ sệt. Phải, con người mà. Ở quê nhà, mẹ già, vợ trẻ, con thơ đang nhìn theo họ, ngóng trông, chờ đợi họ. Sao không khỏi có phút yếu lòng, sao không khỏi có chút lo lắng. Nhưng trách nhiệm với công việc, sự nguy hiểm mà nhân dân đang đối mặt giúp họ vượt qua tất cả những suy nghĩ đời thường để cho màu xanh luôn tươi mãi như chính màu quân phục của các anh”. Từ đó, chiến sĩ Cảnh sát đúc kết: “Những lúc như này mới thấy tình quân dân thật sâu đậm… Hà Tĩnh cả tháng nay đất trời như lửa đốt, giặc lửa vây tứ phía, những cánh rừng xanh thẳm giữa ngút ngàn Trường Sơn như đổi cả màu vàng xen lẫn màu đen, oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng nghĩa tình quân dân thì thiết tha sâu đậm hơn bao giờ hết, như mạch nguồn dòng La tuôn chảy mãi, như câu ví đò đưa ân tình xứ Nghệ”…

Vất vả chống giặc lửa trong đêm

Thương cảm sự vất vả những người lính chữa cháy rừng, bạn Đinh Anh Phong kêu gọi mọi người chung tay chia sẻ, động viên đến lực lượng chữa cháy. “Để tiếp thêm sức mạnh thể chất cũng như tinh thần đến họ, nhóm mình sẽ mua thêm thức ăn, nước uống, khăn mặt, nếu có hơn sẽ nấu cơm đưa đến hiện trường”- Anh Phong cho biết. Chỉ sau 2 ngày kêu gọi, Anh Phong đã nhận được trên 20 triệu đồng và nhóm đã cùng bạn bè tổ chức mua nhu yếu phẩm đem đến ngay tại hiện trường giúp sức các chiến sĩ chữa cháy.

Đăng Trường
.
.