Chủ động đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa bão
- Công an Thái Bình chủ động phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng
- Công an Thái Bình tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, người có công
Thái Bình là một trong những tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy phong phú với 4 sông lớn thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia chảy qua gồm: sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý; trên 80 bến đò ngang đang hoạt động với số lượng hành khách qua lại đông.
Đặc biệt, trong thời điểm mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... Do vậy, tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, mùa mưa bão năm nay sẽ phức tạp hơn so với các năm trước. Ngay từ đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có tuyến đường thủy tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở; đồng thời hướng dẫn cho chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho 260 lượt chủ phương tiện và phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền đến người tham gia giao thông đường thủy.
Tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến cát, bến phà, bến đò chở khách ngang sông. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Người đi phà, đi đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cá nhân”, “Tuyến sông an toàn”...
Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến bãi và các phương tiện chở khách ngang song. |
Đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phòng chống lũ, bão, cứu hộ cứu nạn được đặc biệt quan tâm, Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động đảm bảo lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Bố trí lực lượng làm công tác hướng dẫn, điều tiết, phân tuyến, phân luồng các phương tiện.
Thường xuyên huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị phục vụ công tác phòng chống bão, lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tổng kiểm tra các phương tiện thủy, các bến khách ngang sông; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện không neo đậu tàu thuyền gần khu vực cầu, cống nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường thủy nội địa.
Tất cả các phương tiện khi vận chuyển hành khách và hàng hóa phải có giấy đăng ký, đăng kiểm, phương tiện còn giá trị lưu hành, thiết bị an toàn và phao cứu sinh đầy đủ. Người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của Luật giao thông đường thủy, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của chính mình và người tham gia giao thông trên tuyến đường thủy nội địa.