CSGT chặn “ma men” cầm lái trên quốc lộ 32
- Xử phạt nhân viên gác chắn tàu vi phạm nồng độ cồn
- Khống chế những kẻ khiêu khích CSGT khi đo nồng độ cồn
- Tăng cường xử lý lái xe sử dụng ma túy, vi phạm nồng độ cồn trên các cung đường miền Tây
18h50 ngày 10-7, tổ công tác của Đội CSGT số 9 do Thiếu tá Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng trực tiếp chỉ huy chuẩn bị trang thiết bị để lập chốt xử lý vi phạm liên quan đến lỗi sử dụng rượu, bia. Thiếu tá Lê Văn Tiến cho biết, thực hiện Kế hoạch số 69 của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội về việc tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Theo kế hoạch, tổ tuần tra kiểm soát công khai được lệnh lập chốt trên QL32 – đoạn thuộc nút giao khu 6, trạm Trôi – huyện Hòa Đức. Thời điểm này, các quán nhậu hai bên đường tuyến QL32 vào thời điểm hiện tại đang đông khách. Âm thanh “1,2,3 dzô…2,3 dzô” cứ thế nối nhau không ngớt phát ra từ quán nhậu có tên G.H. 19h, một dân nhậu rời quán “G.H” trên chiếc xe môtô Air Blade trong tình trạng lất ngất.
Thoáng thấy chiếc xe môtô đặc chủng của CSGT xuất hiện, người đàn ông điều khiển xe môtô Air Blade mang BKS 29L1-048.0x liền lạng lách hòng tránh sự kiểm tra của CSGT, tuy nhiên trước sự xuất hiện của tổ công tác công khai lập chốt tại nút giao khu 6, trạm Trôi trước đó, anh ta đã phải giảm tốc độ, táp vào lề đường.
Đúng như những chia sẻ của Thiếu tá Lê Văn Tiến trước đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn luôn gặp khó khăn và mất nhiều thời gian, khi bị cán bộ CSGT yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn, Lương T.A, SN 1974 điều khiển chiếc xe trên liền nại ra hàng loạt lý do để “câu giờ”, đại loại như: “Mình uống có mỗi 2 cốc bia”, “Ông ngoại tớ đang ốm nặng, anh em bỏ qua cho”, “Mình uống có nhiều đâu, uống nhiều thì sao lái xe được” v.v..
Thấy tổ công tác kiên quyết yêu cầu thổi đo nồng độ cồn, anh này lại giở bài thổi nhưng không thổi đủ hơi, rồi thay vì thổi bằng việc hút hơi, với mục đích để máy đo nồng độ cồn không cho kết quả v.v…
Trước sự cương quyết của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, Lương T.A sau đó cũng đã làm theo hướng dẫn đo nồng độ cồn. Kết quả cho thấy, trong hơi thở của Lương T.A có nồng độ cồn là 0,624 miligam/lít khí thở, vượt quá mức quy định.
Cán bộ Đội CSGT số 9 đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. |
Với lỗi vi phạm bị lập biên bản trên, theo Thiếu tá Lê Văn Tiến, Lương T.A sẽ phải nộp phạt 4 triệu đồng, tước GPLX 4 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Đáng chú ý, mặc dù với lỗi vi phạm đã rõ như vậy, song Lương T.A vẫn tiếp tục nài nỉ, không ký vào biên bản xử lý vi phạm. 19h30, sau khi được Thượng úy Bùi Xuân Điệp giải thích, tuyên truyền một hồi, Lương T.A mới ký vào biên bản.
Thiếu tá Lê Văn Tiến chia sẻ, trong quá trình đo nồng độ cồn, tiến hành xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông (môtô, ôtô) sử dụng rượu, bia quá mức quy định, cán bộ CSGT làm nhiệm vụ phải hết sức linh hoạt, giải thích cặn kẽ đối với người vi phạm.
Lẽ vì, các trường hợp “ma men” cầm lái hiểu rõ chế tài xử lý vi phạm về nồng độ cồn là nặng nên khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, đo nồng độ cồn luôn ngụy biện, có thái độ bất hợp tác, thậm chí còn chống đối. Có nhiều trường hợp, tổ công tác làm nhiệm vụ phải mất hàng giờ mới lập biên bản và cưỡng chế, đưa phương tiện về nơi tạm giữ.
Điển hình như trường hợp điều khiển xe ôtô mang BKS 30E-957.xx vi phạm nồng độ cồn là một ví dụ. Theo Thiếu tá Tiến, để lập biên bản và đưa phương tiện vi phạm về nơi tạm giữ, Tổ công tác của Đội CSGT số 9 phải mất gần 2 giờ đồng hồ, bởi vị tài xế này bất hợp tác, sử dụng nhiều chiêu thức “câu giờ” cán bộ làm nhiệm vụ, như: ngồi trên xe, không thổi máy đo nồng độ cồn, khai không đúng địa chỉ nơi ở v.v..
Tuy “ma men” cầm lái có giở nhiều chiêu thức nhằm đối phó lại lực lượng chức năng, song với quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến QL32 đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người điều khiển phương tiện.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Đội CSGT số 9 đã phát hiện, lập biên bản gần 40 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cũng theo đại diện Đội CSGT số 9, bên cạnh công tác tuần tra xử lý vi phạm, đơn vị cũng đã phối hợp với Công an các huyện, thị xã nơi tuyến đường 32 đi qua tăng cường tuyên truyền, tổ chức 64 buổi phổ biến kiến thức về TTATGT, trong đó có nội dung liên quan đến tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông tới đông đảo người dân sinh sống trên địa bàn.