Theo chân CSGT Hà Nội xử lý "ma men" cầm lái

Thứ Năm, 23/05/2019, 08:01
Nhiều trường hợp tham gia giao thông mà trước đó đã uống rượu, bia và có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép đã bị các chốt kiểm tra của lực lượng CSGT CATP Hà Nội xử lý. 


Sau liên tiếp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian gần đây mà nguyên nhân chính liên quan đến tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã triển khai các kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.

Tổ công tác Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ tại khu vực ngã tư Thái Hà – Láng Hạ.

Thực hiện kế hoạch trên, tối ngày 22-5, phóng viên Báo CAND đã theo chân các chiến sĩ CSGT thuộc đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ tại khu vực ngã tư Thái Hà – Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội). Chốt kiểm tra được tổ công tác bố trí cách vị trí quán khoảng hơn 300 mét. Tổ tuần tra cắt cử chiến sĩ mật phục ở trước quán nhậu, khi có khách từ quán đi ra sẽ thông báo để chiến sĩ trong chốt dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Trong hơn một giờ, tổ công tác đã kiểm tra nồng độ cồn và xử lý 5 trường hợp. Trong đó có 2 trường hợp tài xế đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn lưu thông ra đường.

Trong hơn một giờ làm nhiệm vụ, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nhiều tài xế.

Khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, anh Nguyễn Đức Khương (trú ở quận Thanh Xuân) thừa nhận trước đó đi liên hoan có uống vài cốc bia trước khi lái xe về nhà. Mức đo nồng độ cồn của tài xế này sau khi sử dụng máy cho ra kết quả đã vượt mức quy định từ 0.25 đến 0.4 miligam/1 lít khí thở. Được tổ công tác giải thích, tài xế này đã nhận ra được lỗi vi phạm của mình và tiến hành ký vào biên bản. Trường hợp còn lại cũng trong tình trạng đã sử dụng rượu bia trước đó nhưng vẫn lái xe ra đường.

Một tài xế có nồng độ vượt quá quy định.
Số liệu từ máy đo nồng độ cồn

Chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng uý Doãn Hữu Văn cho biết, việc người dân sử dụng bia rượu rồi tham gia giao thông có nhiều mức độ, tuỳ theo quy định mà xử phạt. Tuy nhiên, về căn cơ giải pháp an toàn nhất vẫn phải đến từ ý thức của người dân, khi đã uống bia rượu tốt nhất không nên trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Bởi một khi trong người đã có cồn, con người sẽ ít nhiều mất bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra trên đường. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn thương tâm. 

Biên bản được lập ngay sau đó.
Ngoài việc phải nộp phạt, người vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện.

Cùng với đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kiểm tra, các tổ công tác của lực lượng CSGT Hà Nội vẫn còn gặp không ít trường hợp quá say xỉn hoặc vì bất mãn... đã tỏ thái độ chống đối, thách thức lực lượng chức năng làm cho việc xử phạt mất rất nhiều thời gian. Đối với những trường hợp như vậy, tổ công tác vẫn phải kiên trì giải thích cho người vi phạm hiểu rõ cái sai nhưng sẽ có biện pháp cứng rắn nếu cần thiết.

Đặt công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn là nhiệm vụ xuyên suốt năm 2019, thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì các tổ công tác xử lý vi phạm. Trong đó, sẽ tổ chức lập chốt tại các khu vực có nhiều nhà hàng, quán ăn; tăng cường tuần tra lưu động phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và Trung đoàn Cảnh sát cơ động…

Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.

Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.

N.Thắng - P.Sơn
.
.