Bám sát hiện trường tìm kiếm, cứu nạn sau những vụ sạt lở núi, lũ quét

Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:05
Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an không quản hiểm nguy, ngày đêm tìm kiếm người mất tích sau lũ quét và những vụ sạt lở núi những ngày qua càng góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nhân dân phục vụ”.


Ngày 31/10, công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở núi tại xã Trà Leng, huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn đang được các lực lượng Công an, Quân đội tiến hành khẩn trương trong điều kiện hết sức khó khăn, do mưa lớn tiếp tục trút nước. Trong đó, hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã chính quy cũng  ngày đêm tiếp tục bám sát hiện trường tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Đây là những CBCS Công an có mặt đầu tiên ở hiện trường và tham gia xuyên suốt, liên tục trong nhiều ngày qua…

Trà Leng cách trung tâm huyện Nam Trà My hơn 40 cây số đường rừng. Sau hơn 1 ngày xảy ra sự cố sạt lở núi kinh hoàng tại các thôn 1, 2 xã Trà Leng, lực lượng Công an, Quân đội của tỉnh Quảng Nam mới tiếp cận được hiện trường, do các tuyến đường đến xã bị sạt lở, chia cắt. Vì thế, mọi công tác cứu hộ, cứu nạn thời gian đầu đều tại chỗ, do chính quyền cơ sở, bà con thôn bản và lực lượng chức năng của xã, trong đó có Công an xã Trà Leng và Công an các xã lân cận, như Trà Dơn, Trà Giác của 2 huyện Nam và Bắc Trà My, tổ chức triển khai. 

Những ngày qua, các CBCS Công an xã đều bám hiện trường tham gia tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân 2 vụ sạt lở ở Trà Leng. Các anh lăn xả vào cùng các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bằng các công cụ thô sơ và đôi bàn tay của chính mình để bới tìm trong ngổn ngang đất đá, lật từng mảng đất, mảng tường, cây cối, vật dụng bị vùi lấp mong sớm tìm được các nạn nhân mất tích. Trong số đó, có không ít người là con em của đồng bào xã Trà Leng nên hơn ai hết các anh làm việc không quản ngại khó khăn, cũng chỉ mong tìm thấy người thân của mình sớm nhất.
CBCS Công an không quản nguy hiểm, tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích trong vụ lở núi tại Trà Leng.

Thiếu úy Đặng Văn Mùi, cán bộ Công an xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, một người con của xã Trà Leng, nói rằng, ngay sau khi nghe tin vụ sạt lở ở quê nhà, mặc dù công tác ở địa bàn khác, nhưng anh lập tức xin lãnh đạo đơn vị cho được về Trà Leng để cùng mọi người tìm kiếm cứu nạn bà con. Anh rất đau lòng, chỉ mong cố hết sức cùng mọi người tìm thấy bà con còn mất tích trong thời gian sớm nhất. 

Còn Thượng úy Lê Minh Phước, Trưởng Công an xã Trà Leng, chia sẻ: “Sau khi sự việc xảy ra, anh em Công an xã đến hiện trường cùng người dân và chính quyền tìm kiếm cứu nạn bà con và trong những ngày qua anh em hầu như ở hết hiện trường để tham gia tìm kiếm”… 

Trong ngày 31/10, hơn 150 CBCS Công an tỉnh Quảng Nam, gồm lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Nam Trà My, Công an huyện Bắc Trà My vẫn đang bám hiện trường, chạy đua với thời gian và thời tiết đang có những chuyển biến xấu để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích.

Riêng tại xã Trà Vân (Nam Trà My), nơi xảy ra vụ sạt lở núi khiến 8 người thiệt mạng, 12 người bị thương; lực lượng Công an đã phối hợp tìm kiếm và hỗ trợ chôn cất các nạn nhân đã được tìm thấy. Đồng thời, tặng quà gồm chăn, màn, các nhu yếu phẩm cần thiết để bà con tạm thời ổn định cuộc sống sau sự cố sạt lở núi. 

Ngày 31/10, tại huyện Phước Sơn, tiếp tục có mưa to kéo dài. Điều này đã gây trở ngại trong công tác tiếp cận hiện trường để tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân mất tích tại xã Phước Lộc và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân 2 xã Phước Lộc, Phước Thành đang bị cô lập hoàn toàn.

Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, thông tin thêm, đơn vị đã cử nhiều cán bộ tham gia cùng tổ công tác của huyện để khảo sát, tìm đường vào 2 xã đang bị cô lập. Cán bộ trong tổ công tác đã băng rừng, vượt suối đi bộ nhiều giờ liền, tối ngủ lại trong rừng với quyết tâm tìm được đường vào xã Phước Thành, Phước Lộc. Tuy nhiên, do tình trạng sạt lở diễn ra quá nghiêm trọng nên vẫn chưa tìm được đường tiếp cận đến 2 xã này. Liên quan đến tình hình cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại xã Phước Lộc, hiện do lực lượng ứng cứu từ bên ngoài chưa thể tiếp cận nên lực lượng Công an chính quy của xã Phước Lộc vẫn đang tích cực cùng với chính quyền và lực lượng tại chỗ khẩn trương tổ chức tìm kiếm với phương châm “4 tại chỗ”…

Trong diễn biến khác, ông Trần Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho hay, đoàn công tác của huyện do ông Toại trực tiếp dẫn đầu đã tiếp cận được 80 hộ dân tại thôn 6, xã Trà Bui bị cô lập từ ngày 28/10. Do tuyến đường từ xã Trà Đốc đi xã Trà Bui bị sạt lở nghiêm trọng, chiếc cầu treo bắc qua sông Bui để đến thôn 6, xã Trà Bui đã bị lũ cuốn trôi nên ngày 30/10, đoàn công tác của huyện Bắc Trà My phải di chuyển bằng ghe máy dọc lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 hàng giờ đồng hồ mới tiếp cận được nơi này. 

Tại đây, đoàn công tác ghi nhận bước đầu có 5 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 5 nhà khác bị lũ cuốn trôi gần hết; 34 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn và hư hỏng nặng, 3 ngôi nhà bị sạt lở đất ảnh hưởng nặng nề. Các gia đình bị ảnh hưởng đã kịp di chuyển đến nơi an toàn nên không có thương vong về người. Do chiếc cầu treo bị lũ cuốn trôi nên người dân đã tự bắc dây cáp qua sông Bui để băng dòng nước xiết qua lại khi cần thiết. Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên người dân không bị thiếu đói trong những ngày này. 

Khi đến được thôn 6, xã Trà Bui, đoàn công tác của huyện Bắc Trà My đã thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo triển khai một số biện pháp nhằm giúp người dân ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Nam Giang cho biết, do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, thị trấn Thạnh Mỹ đã phải di dời dân 106 hộ/ 382 khẩu; xã Cà Dy di dời 215 hộ/732 khẩu. Các hộ trên do ngập lụt đã bị nước lũ cuốn trôi và hư hỏng nặng một số vật dụng có giá trị trong gia đình đồng thời gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về cây cối hoa màu. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Nam Giang giáp với địa phận huyện Phước Sơn bị sạt lở nặng tại Km 1535 +800, giao thông bị ách tắc hoàn toàn. 

Trên địa bàn huyện Nam Giang ghi nhận, bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của nhân dân; nhiều công trình trên địa bàn huyện Nam Giang bị hư hỏng, tốc mái. Trước tình hình đó, UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết như sách vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, nước uống… kịp thời động viên gia đình bị thiệt hại, không để người dân thiếu lương thực, thiếu nước uống... 

Bên cạnh đó, huyện giao cho Phòng NN&PTNT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, địa phương khẩn trương rà soát tình hình thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 9; đặc biệt, thành lập tổ rà soát thẩm định tình hình thiệt hại nặng bị ngập lụt của các hộ dân thuộc 2 xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ sau bão số 9. Hiện lực lượng Công an, Quân sự huyện phối hợp với các địa phương giúp đỡ các hộ dân dọn dẹp, vận chuyển đất, đá ra khỏi nhà và vệ sinh nhà cửa để sớm đảm bảo, ổn định cuộc sống sau lũ lụt…

Ngày 31/10, lực lượng cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3. Đội chó nghiệp vụ, các huấn luận viên thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng cơ động vào hiện trường để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền vào thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều điểm sạt lở, cây xanh gãy đổ chắn ngang đường do bão số 9 nhưng với sự quyết tâm của các lực lượng, trong tối 29/10, tuyến đường này đã được thông phục vụ việc đưa lực lượng, phương tiện vào hiện trường.

Sáng 30/10, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh cũng đã vào hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế bố trí xe chở thân nhân các nạn nhân đang mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 vào hiện trường khu vực sạt lở để theo dõi, giám sát công tác tìm kiếm các nạn nhân. 

Tận mắt chứng kiến hiện trường vụ sạt lở và theo dõi lực lượng CNCH thực hiện công tác tìm kiếm, đại diện các gia đình cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế; các lực lượng, tổ chức, cá nhân trong thời gian qua khi đã quan tâm động viên, thăm hỏi, trao quà hỗ trợ giúp gia đình nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau mất người thân. 

“Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo tỉnh và các lực lượng CNCH khi đã rất nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có con tôi. Nếu không trực tiếp vào hiện trường thì tôi không nghĩ rằng hiện trường tìm kiếm lại khó khăn, hiểm trở và công tác cứu nạn lại gian nan, vất vả đến thế. Nguyện vọng của chúng của chúng tôi là sớm tìm được thi thể người thân để đưa về quê an táng”, nhìn khối lượng đất, đá sạt lở lớn tại hiện trường, ông Ngô Viết Cường, thân nhân một nạn nhân mất tích nghẹn ngào nói. 

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ những mất mát của các gia đình có người thân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Ông Thọ cho biết, ngay khi được báo tin, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân. Quan điểm của tỉnh là tìm kiếm các công nhân còn mất tích như cứu người thân của mình. Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng lắng nghe để giải quyết một cách thấu đáo và hợp tình hợp lý các nguyện vọng, đề xuất của gia đình các nạn nhân.

Trong 2 ngày 30 và 31/10, tranh thủ thời tiết thuận lợi, lực lượng CNCH đã nỗ lực chạy đua với thời gian để triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân và bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện. Tuy nhiên do khu vực sạt lở quá lớn nên vẫn chưa phát hiện thêm thi thể nạn nhân nào. Hiện vẫn còn 12 nạn nhân mất tích tại khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy.

Ngọc Thi - Mai Xuân - Anh Khoa
.
.