Nhà Trắng liên lạc với Bình Nhưỡng, tìm cách đàm phán

Thứ Tư, 11/10/2017, 16:15
Ngày 30-9 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên cho biết họ đang “liên lạc trực tiếp” với Chính phủ Triều Tiên để hỏi xem họ có muốn đàm phán về chương trình hạt nhân hay không.


Đó là tiết lộ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, sau các cuộc họp cấp cao tại Bắc Kinh hôm 30-9. “Chúng tôi đã hỏi họ có muốn nói chuyện hay không? Chúng tôi có các đường dây thông tin liên lạc tới Bình Nhưỡng”, ông Tillerson nói.

Trước đó, theo một báo cáo của Hiệp hội Báo chí vào tháng 8, Mỹ và Triều Tiên đã tham gia một cuộc thảo luận âm thầm trong nhiều tháng với sự tiếp xúc ngoại giao thường xuyên giữa phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên và một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên trong sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.

Tuy nhiên, Triều Tiên tỏ ra không quan tâm đến các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hoá quốc gia này, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Hãng tin Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Mỹ đã bảo đảm với Bình Nhưỡng là không tìm cách lật đổ chế độ, đẩy nhanh việc thống nhất bán đảo Triều Tiên hay đưa quân vào nước này. “Tuy nhiên, các quan chức Triều Tiên cho thấy họ không quan tâm và cũng không sẵn sàng đàm phán về việc phi hạt nhân hoá”, bà Nauert nói.

Trong khi đó, tờ Japan.net đưa tin, báo The Korea Times (Hàn Quốc) và cổng tin tức Aboluowang (Hồng Kông) ngày 28-9 cho biết Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản và Triều Tiên có những cuộc hội đàm bí mật sau khi Triều Tiên phóng tên lửa. Theo đó, các bên đã thảo luận về những điều khoản chi tiết nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và cuộc cách mạng giải phóng miền Nam của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên được cho là đưa ra 4 điều kiện: (1) Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga phải viện trợ tài chính vô điều kiện cho nước này số tiền 600 tỷ USD/năm trong 10 năm tới. (2) Rút lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của LHQ và quốc tế đối với Triều Tiên. (3) Thiết lập hiệp ước hòa bình Mỹ - Triều Tiên. (4) Đảm bảo an toàn cho chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân trong vòng 3 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, Japan.net đưa tin, các cuộc đàm phán dường như bị đình trệ do Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản muốn gửi chuyên gia hạt nhân tới Triều Tiên để giám sát việc dỡ bỏ các chương trình này nhưng Bình Nhưỡng không đồng ý.

Trước đó, tại phiên họp HĐBA LHQ ngày 19-9, Tổng thống Donald Trump lên án chính quyền họ Kim đã khiến hàng triệu người chết đói; đồng thời tuyên bố sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Bình Nhưỡng để đáp lại bất cứ cuộc tấn công nào của Triều Tiên vào Mỹ hay các đồng minh.

Anh Kiệt
.
.
.