Vì sao Bình Nhưỡng triệu hồi hàng loạt đại sứ về nước?

Thứ Ba, 15/08/2017, 08:30
Hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết, ngày 14-8, CHDCND Triều Tiên dường như đang tổ chức một cuộc họp các trưởng phái đoàn ngoại giao tại Bình Nhưỡng, sau khi bất ngờ triệu hồi hàng loạt đại sứ tại các nước lớn.

Theo đó, cuộc họp khẩn tại Bình Nhưỡng có sự tham gia của Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong, Đại sứ tại Nga Kim Hyong-jun và Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam. Rất nhiều nhận định được đưa ra đằng sau động thái này của Bình Nhưỡng. 

Tướng hàng đầu Mỹ đến Hàn Quốc

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, Tướng Joseph Dunford, ngày 14-8 đã đáp xuống căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên và Mỹ tiếp tục "khẩu chiến" và đưa ra lời đe dọa lẫn nhau.

Thông cáo trên trang mạng xã hội của Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ viết: “Tướng Dunford vừa đặt chân đến căn cứ không quân Osan để gặp lãnh đạo lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và thị sát khu vực doanh trại Humphreys cùng với đội ngũ của ông trên 2 máy bay UH-60 Black Hawks”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford tuyên bố, chuyến thăm của ông tới khu vực này là để trấn an hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời xây dựng mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Ông cũng cam kết, Mỹ sẵn sàng sử dụng tối đa năng lực quân sự của mình để bảo vệ nước này và các đồng minh.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, chuyến thăm này đã được lên kế hoạch từ rất lâu và không liên quan đến căng thẳng hiện nay ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, việc một vị tướng quân đội cao cấp của Mỹ đích thân tới Hàn Quốc, dù với mục đích gì cũng sẽ khiến Bình Nhưỡng tự tham chiếu và rất có thể là một trong những lý do triệu hồi khẩn cấp các đại sứ chủ chốt về nước.

Vừa "khẩu chiến" vừa hành động, căng thẳng Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục leo thang. Ảnh: Getty

Chưa hoàn thiện công nghệ hồi quyển tên lửa

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, cuộc họp khẩn cấp này, ngoài động thái đáp trả việc tướng Mỹ đến Hàn Quốc hay bàn cách đối phó với tình hình khó khăn mà nước này đang gặp phải sau khi phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 7, thì chủ đề cốt lõi sẽ liên quan đến việc công nghệ tên lửa hạt nhân.

Reuters dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk ngày 14-8, cả Washington và Seoul đều không tin rằng Bình Nhưỡng đã hoàn thiện công nghệ về kỹ thuật vật liệu để đưa tên lửa tái xâm nhập khí quyển.

Ông Suh dự đoán CHDCND Triều Tiên phải mất ít nhất 2-3 năm nữa mới có thể sở hữu công nghệ hồi quyển cho tên lửa, dù nước này đang tiến rất nhanh trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Công nghệ hồi quyển giúp đầu đạn của tên lửa đạn đạo chịu được nhiệt độ và áp suất cực cao trong giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển và ma sát với không khí. Nếu công nghệ hồi quyển không tốt, đầu đạn tên lửa có thể bị chệch hướng hoặc vỡ tan trong quá trình lao xuống đất.

Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho rằng CHDCND Triều Tiên đang tiến tới việc phát triển các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân ở mức độ "báo động chưa từng có", nhưng bác bỏ việc Washington và Bình Nhưỡng đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi thông báo tới các nghị sỹ nước này rằng hai Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ gặp nhau lần đầu tiên tại Washington vào ngày 30-8 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ James Mattis sẽ thảo luận về những phản ứng chung đối với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và các vấn đề còn tồn tại giữa hai đồng minh này.

Trong đó, phải kể đến việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ và việc xem xét lại một thỏa thuận song phương liên quan đến năng lực tên lửa của Seoul.

Như Uyên (tổng hợp)
.
.
.