Trò chuyện cùng các nhà báo Công an đoạt Giải báo chí Quốc gia

Thứ Năm, 22/06/2017, 09:09
Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí của lực lượng Công an luôn đóng góp một vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Giải báo chí Quốc gia năm nay, báo chí của lực lượng Công an vinh dự nhận được 1 giải B và 1 giải C. Đây là niềm vui, sự tự hào cho tất cả đội ngũ những người làm báo trong lực lượng.


Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện cùng 2 tác giả đoạt giải để nghe họ chia sẻ về quá trình làm nghề của mình.

Biến cây bút  thành vũ khí sắc bén

Thiếu tá, nhà báo Phan Đăng Trường, Trưởng ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ, Báo CAND đoạt Giải B Giải báo chí Quốc gia năm 2016 với chuyên đề 3 kỳ: “Tự do Internet và chiêu trò lộng giả thành chân”.

Nhà báo Phan Đăng Trường là người có duyên với giải thưởng. Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí từ cấp độ cao nhất là Giải báo chí Quốc gia đến các giải do các ban, bộ, ngành tổ chức. Một số giải thưởng báo chí mà nhà báo Phan Đăng Trường nhận được trong 3 năm gần đây: Giải báo chí Quốc gia: Giải A năm 2013; Giải B năm 2015; Giải B năm 2016. Bên cạnh đó là Giải nhất Giải báo chí về đề tài an ninh trật tự do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức giai đoạn 2013-2015; Giải B Giải báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam năm 2016; Giải ba Giải báo chí Mặt trận Tổ quốc giai đoạn 2015-2016; Giải khuyến khích Giải búa liềm vàng năm 2016.

Thiếu tá Phan Đăng Trường.

Nhà báo Phan Đăng Trường luôn thể hiện sự nổi trội, sắc sảo của mình ở thể loại chính luận, chuyên luận với những bài viết sâu sắc, đanh thép trong công tác phòng chống diễn biến hòa bình, phản bác lại các âm mưu, luận điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta. Những bài báo của nhà báo Phan Đăng Trường có tính chiến đấu cao.

Chia sẻ với phóng viên về tác phẩm đoạt giải năm nay, nhà báo Phan Đăng Trường cho biết: “Tôi nghĩ tự do Internet là vấn đề báo chí đã nói nhiều, viết nhiều, rất nhiều. “Chui” vào cái mà người ta đã nói nhiều, viết nhiều như thế thì còn gì để khai thác, cũng như bước chân đã mòn lối cỏ thì làm sao để tìm được lối đi mới? Chịu đầu hàng tức là chỉ viết lại những gì người ta đã viết, như thế không có gì sai, nhưng cũng không còn gì để đọc. Song, khi cái cũ đang đặt ra vấn đề thời sự thì báo chí có nhiệm vụ giải mã cái cũ ở góc độ mới. Đó là cơ sở để tôi viết chùm bài 3 kỳ “Tự do Internet và chiêu trò lộng giả thành chân”, đăng Báo Công an nhân dân”.

Để làm được điều đó, nhà báo Phan Đăng Trường đã cất công tìm hiểu luật quốc tế và pháp luật các nước, từ trong khu vực đến những nước phát triển, những nước nhiều người vẫn cho là “thiên đường tự do” như Mỹ để xem họ quy định và quản lý báo chí và vấn đề tự do ngôn luận ra sao? 

“Kẻ xấu luôn tìm cách ra rả tuyên truyền điều sai, lẽ trái khiến người nghe, người đọc lâu dần tưởng thật, hướng lái dư luận, chèo chống theo tư duy, quan điểm, ý đồ của chúng. Mạng Internet ngày nay là biển cả thông tin. Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, độc hại. Quyền tự do thông tin nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, biến thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ” – nhà báo Phan Đăng Trường chia sẻ.

Người chuyên kể những câu chuyện "hậu chiến"

Đạo diễn, Thượng úy Hà Hương, cán bộ Trung tâm Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh CAND, Giải C Giải báo chí Quốc gia 2016 với bộ phim tài liệu: “Những người phụ nữ nhỏ bé”.

Thượng úy Hà Hương.

Là người phụ nữ chân yếu, tay mềm nhưng Thượng úy Hà Hương giống như bao nhà báo nữ khác, chị luôn khẳng định sự đam mê với nghề bằng những chuyến băng rừng lội suối, đôi khi là những hoàn cảnh éo le, nguy hiểm đến tính mạng để có thể cho ra đời những tác phẩm chứa đựng thông tin chân thật nhất. 

Những ngày còn sống độc thân là vậy, nhưng cách đây vài tháng, Hà Hương có niềm vui lớn khi xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Được sự cảm thông của người bạn đời và phía bên gia đình nhà chồng, đều đặn theo kế hoạch, chị vẫn tự sắp xếp cho mình những chuyến đi dài ngày, vừa là để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, vừa là để thỏa khát vọng, đam mê làm nghề.

Nhiều người nhận xét rằng, đạo diễn Hà Hương là người có duyên với đề tài hậu chiến. Không dám nhận may mắn đó nhưng sự thật thì chị đã có không ít tác phẩm về đề tài này, như: “Chuyện nghĩa tình đồng đội” – tác phẩm kể câu chuyện về một người lính già, thương binh ngày ngày tự bỏ tiền túi đi tìm đồng đội ở khắp nơi. 

Ngoài ra, đạo diễn Hà Hương cũng có một bộ phim mang tên: “Người đàn ông mang tên liệt sĩ” – tác phẩm kể câu chuyện về một cựu chiến binh đã từng có giấy báo tử, giờ đây hằng ngày ông vẫn chống nạng đi khắp nơi tìm mộ đồng đội rồi mang về qui tập lại ở một nghĩa trang. Sau đó, ông tìm cách thông báo cho người nhà biết tin rồi đến đưa về. Ông đã tìm được hơn 300 ngôi mộ liệt sĩ như vậy…

Bộ phim tài liệu đoạt giải “Những người phụ nữ nhỏ bé” của đạo diễn Hà Hương dài 24 phút, kể câu chuyện những người phụ nữ chuyên đi rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh để tìm kiếm phế liệu ở thôn Góa phụ, làng Mồ Côi (xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Đạo diễn Hà Hương đã cùng đoàn làm phim ăn, ngủ, nghỉ cùng bà con ròng rã hơn một tháng trời để hoàn thành tác phẩm này.

Đạo diễn Hà Hương kể: “Hậu quả bom mìn gây ra cho người dân vùng đất này là hết sức nặng nề. Trong quá trình làm phim, theo số liệu bà con cung cấp, làng Mồ Côi đã từng có khoảng 30 người chết và hơn 40 người bị thương tật (cụt chân, cụt tay và nhiều di chứng) do bom mìn phát nổ. Có những gia đình trong quá trình đi rà phá kim loại, bom nổ khiến cả bố và 2 đứa con chết cùng lúc. Bên cạnh đó là hàng chục vụ tang thương khác. Biết là vậy nhưng những người dân nơi đây vẫn không thể bỏ được nghề này với lý do, họ sẵn sàng hi sinh để làm sạch mảnh đất cho con cháu họ sau này”.

“Nói về kỉ niệm thì rất nhiều, nhưng trong một lần đoàn làm phim chúng tôi đang quay thực địa, khi nhân vật thực hiện động tác cuốc đất thể hiện cảnh canh tác thì người phụ nữ đó cuốc đúng một vật bằng sắt. Sau đó nhìn kĩ thì hóa ra vật bằng sắt ấy là một quả bom. Cả đoàn làm phim chúng tôi được một phen hú vía” – đạo diễn Hà Hương nhớ lại.

Cảnh Vũ
.
.