Thủ lĩnh Cảnh sát Đặc nhiệm và những lần nén đau truy quét tội phạm

Chủ Nhật, 06/12/2015, 10:40
Sắp tới ngày tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX nhưng Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động vẫn cùng đồng đội vào một đợt huấn luyện, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dáng người chắc nịch, khuôn mặt rám nắng, trên người vẫn mang vết thương của những lần tham gia vào các chuyên án lớn, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm, Thiếu tá Chu Văn Quang đã trải lòng cho chúng tôi về những vất vả, khó khăn của Cảnh sát Đặc nhiệm, về những chiến thuật khi tham gia các trận đánh của anh và đồng đội.

Đến năm 2015, tính cả thời gian đi lính nghĩa vụ, cuộc đời binh nghiệp gắn liền với Cảnh sát Đặc nhiệm của  Thiếu tá Chu Văn Quang đã hơn 20 năm có lẻ. Từ chàng tân binh quê Hà Nội gốc mới ngày nào còn bỡ ngỡ trên thao trường, Thiếu tá Chu Văn Quang đã thành thục việc bắn súng, leo dây, lái xe, thuộc lòng các bài võ thuật. Ngọn lửa nhiệt huyết đam mê với những buổi luyện tập cùng cán bộ, chiến sỹ trong Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm vẫn luôn được thổi bùng khi anh truyền đạt cho lớp trẻ.

Thiếu tá Chu Văn Quang (người đứng giữa ảnh) cùng đồng đội luyện tập trên thao trường.

Thiếu tá Chu Văn Quang kể lại một trong những trận đánh mà anh trực tiếp tham gia đầy cam go, khốc liệt. Đó là thời điểm tháng 6-2002, Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1 được giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế tham gia triệt phá đường dây buôn lậu với quy mô lớn tại tuyến biên giới Hang Dơi, Lạng Sơn.

Các anh tham gia trận đánh trong thời tiết khắc nghiệt, ban ngày thì trời nóng như đổ lửa, anh và đồng đội phải đi bộ hơn 10 cây số trong cái nóng 39 - 40 độ C để “trinh sát trận địa”, nắm tình hình, nắm quy luật hoạt động của các đối tượng phạm tội. Mỗi ngày, các anh phải đi bộ đến điểm trinh sát khoảng 3 đến 4 lần để có thể xây dựng phương án tối ưu nhất khi đánh án. 

Khi thời cơ chín muồi, vào đêm 16-6-2002, lúc Ban chuyên án phát lệnh phá án, trời lại đổ mưa như trút nước, tại khu vực anh và đồng đội dừng chân còn xảy ra lũ quét khiến việc cơ động di chuyển vào khu vực đánh án gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó Thiếu tá Chu Văn Quang là cán bộ Trung đội được giao nhiệm vụ cùng tổ công tác đặc biệt tham gia bắt giữ các đối tượng cầm đầu. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đối tượng đã manh động dùng vũ khí chống trả quyết liệt khiến cho nhiều cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác bị thương. Trong cuộc chiến này, anh Quang đã bị nhiều vết thương ở người, vùng đầu và mặt. Mặc dù bị thương nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, anh và đồng đội đã mưu trí, dũng cảm bắt giữ thành công các đối tượng cầm đầu cùng nhiều tang vật có liên quan, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý theo qui định của pháp luật.

Nói về gia đình nhỏ của mình, anh Quang cho biết, đóng quân một nơi, gia đình sinh sống ở tỉnh khác, bình thường 1 tháng, anh tranh thủ về nhà 2 lần ăn cơm với vợ con, đáo qua chuyện học hành của 2 con nhỏ. Có lúc thực hiện nhiệm vụ đột xuất, một vài tháng, anh Quang mới về nhà. Vợ anh tuy công tác ngành ngoài nhưng ông ngoại là Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy nên chị cũng rất hiểu, thông cảm với công việc của chồng, vun vén chuyện nhà cửa, dạy các con học để anh yên tâm công tác. Mỗi lần các con được ăn cơm với bố là rất vui… 

Nói đến đây anh Quang giọng chùng lại. Chúng tôi hiểu rằng, để có những chiến công, những chiến sỹ Cảnh sát Đặc nhiệm như anh Quang đã gác lại riêng tư, hy sinh rất nhiều để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Với những lần bị thương khi thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Chu Văn Quang là thương binh hạng A; anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác do các cấp tặng thưởng…

Anh Hiếu
.
.