Những “người hùng” lao vào khói lửa cứu người

Chủ Nhật, 25/03/2018, 09:14
Một ngày sau vụ cháy gây hậu quả nhói lòng trôi qua, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 vẫn túc trực tại hiện trường để đề phòng trường hợp cháy lại. 

Các đơn vị khác thuộc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh có tham gia chữa cháy vụ sáng 23-3 chỉ được nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ lại tiếp tục công tác huấn luyện và túc trực, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

Khi trò chuyện với PV Báo CAND, nhiều cán bộ, chiến sĩ PCCC cho biết các anh vẫn còn ám ảnh bởi những tiếng kêu cứu của những người bị mắc kẹt trong đám cháy. 

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC thành phố kể: Ngay khi nhận được tin báo cháy, đơn vị đã huy động ngay 8 Phòng Cảnh sát PCCC triển khai quyết liệt công tác chữa cháy và cứu người. 

Khi tiếp cận hiện trường, nhìn những ánh đèn pin lia ra từ ban công, tiếng hò hét kêu cứu của cư dân sống trong tòa nhà đang ngút khói đã thôi thúc các chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Các tổ công tác sử dụng trang thiết bị chống khói độc từ các ngả len qua đám khói để vào bên trong. 

Một số tổ công tác khác di chuyển lên bằng xe thang để đưa người dân trên các tầng xuống đất. Hàng trăm người dân được ẳm, cõng, di chuyển ra khu vực có thể thoát ra khỏi đám cháy.

Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 là đơn vị đến hiện trường đầu tiên sau 7-8 phút nhận được thông tin và triển khai chữa cháy cứu người. Khu vực chung cư Carina Plaza lúc này rất hỗn loạn, tiếng nổ dưới hầm xe kèm theo những tiếng kêu cứu thất thanh từ các căn hộ trên tầng cao. 

Đại úy Châu Thanh Quang, Đội trưởng kể, một tổ công tác trực tiếp triển khai chữa cháy tại vị trí cháy, số anh em còn lại được yêu cầu hỗ trợ đưa người dân xuống đất, chuyển người dân đến vị trí an toàn. Khói trong hành lang dày đặc, các chiến sĩ mò mẫm, gõ từng cánh cửa để chắc chắn không còn người ở bên trong. 

Nhiều người dân bị ngạt khói bên trong căn hộ của họ, các chiến sĩ phải cõng bộ từng người xuống đất. 

Cán bộ chiến sĩ PCCC kiệt sức sau khi cứu nhiều người trong đám cháy.

“Vừa chỉ huy các đội, tôi vừa trực tiếp xông vào bên trong tòa nhà và đưa được hơn 20 người ra ngoài. Phát hiện một phụ nữ mang thai đang trong tình trạng thở dốc, hoảng loạn vì không biết chạy đường nào, tôi nhanh chóng đưa chị cùng một gia đình có nhiều trẻ em men theo lối thoát hiểm lên tầng 14 và chuyển những người này xuống. Sức nóng trong căn nhà và hơi độc là quá lớn, nếu không thoát được ra ngoài thì tính mạng của họ như treo trước tử thần. 

Đối với người chiến sĩ PCCC, hễ nhận được thông tin là di chuyển với thời gian nhanh nhất đến hiện trường. Đối mặt với lửa, điều khiến anh em chúng tôi lo lắng nhất là sợ không cứu được người mắc kẹt bên trong. Một vụ cháy đau lòng mà chúng tôi không thể quên được!”, kể lại chuyện mà hai mắt Đại úy Quang đỏ hoe.

Đại úy Quang kể tiếp, nhiều anh em phải di chuyển liên tục đưa người ra ngoài khi khói dày đặc bao phủ nên mệt nhoài, thở dốc. Xác định thời gian càng kéo dài thì còn nhiều người trở thành nạn nhân trong đám cháy, cán bộ, chiến sĩ của tiếp tục lao vào chung cư đang cháy cứu người. 

Anh Nguyễn Thanh Mạnh, một cư dân ở block B trong đêm chứng kiến cảnh các chiến sĩ PCCC cứu người phải thốt lên: “Cả ngàn người trong tòa nhà, nếu các chiến sĩ PCCC không kịp thời giải cứu thì hậu quả thật kinh khủng!”.

Nhiều cư dân tại hiện trường giờ vẫn không thể quên hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát PCCC xông vào khói lửa cứu người. Sau khi khống chế được ngọn lửa, nhiều cán bộ chiến sĩ mệt nhoài và đói. Chứng kiến những tổn thất quá nặng nề, các anh tay cầm ổ bánh mì mà nuốt không trôi.

Một hình ảnh không thể quên được, theo nhiều người dân đó chính là hình ảnh chiến sĩ PCCC bị thương ở tay trong khi chữa đám cháy bùng phát lần 2 ở block B chung cư. 

Nói về mình, chiến sỹ Trần Tuấn Thanh, công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đang chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy khiêm tốn cho biết mình chỉ gặp sự cố. 

Thời điểm xảy ra cháy máy bơm nước từ tầng hầm ra ngoài, máy bơm bị trục trặc, anh cùng một đồng đội là Trần Phương Thanh (33 tuổi) vào kiểm tra. Khi vào gần đến nơi thì máy bơm phát nổ bốc cháy và hai anh bị bỏng.

Trưa 24-3, PV Báo CAND cùng nhiều đồng nghiệp tìm đến Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là nơi mà vào trưa 23-3, đã tiếp nhận nhiều nạn nhân bị bỏng, trong đó có 2 cán bộ, chiến sĩ Trần Phương Thanh và Trần Tuấn Thanh. 

Sau khi được sơ cấp cứu, anh Trần Phương Thanh đã xin về đơn vị dưỡng thương, còn lại anh Trần Tuấn Thanh tiếp tục được giữ lại chăm sóc tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy. Với anh, chỉ mong sớm lành bệnh để về đơn vị công tác, chiến đấu.

Nói về tình trạng sức khỏe của anh Thanh, bác sĩ Phạm Phước Tiến, Khoa Bỏng – Tạo hình phẫu thuật Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, anh nhập viện trong tình trạng bỏng 2 chân, bỏng tay trái, và vùng vai với tổng diện tích bỏng khoảng 8% diện tích cơ thể, xác định bỏng độ 2. 

Ngay khi nhập viện, anh đã được sơ cứu, truyền dịch, điều trị thuốc chuyên khoa. Qua hơn 1 ngày chăm sóc, anh Thanh đã có thể tiếp xúc tốt, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Nhưng vẫn cần thêm một thời gian, nhanh nhất là 1 tuần nữa mới được xuất viện.       

Ngoài những người hùng là cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và cứu hộ chuyên nghiệp, thì trong đám cháy, còn có rất nhiều người xả thân cứu người. Chúng tôi thật sự xốn xang khi đọc những dòng chia sẻ đầy cảm động của Trần Anh Huy: “Ba mất khi cứu người mắc kẹt trong vụ cháy, nghe mọi người kể về ba, em rất hãnh diện và tự hào mình là con ba”.

Người mà Huy nhắc đến với sự ngưỡng mộ là anh Trần Văn An (43 tuổi, bảo vệ chung cư). Anh An đã tử vong khi cùng các nhân viên bảo vệ khác cứu khoảng 40 người thoát khỏi đám cháy. 

Một nhân viên bảo vệ tại chung cư Carina kể lại, khi phát hiện ngọn lửa, anh An tri hô và hướng dẫn nhiều người lối thoát hiểm. Lúc này tại lối thoát hiểm có nhiều trẻ em, anh An bồng một số em chạy thật nhanh xuống để các em không ngạt khói rồi quay lên các lầu. 

Anh Nguyễn Viết Ty (43 tuổi, ngụ quận 6), trực chung ca với anh An kể thêm: “Khói bốc lên cao, anh An hô hoán rồi chợt chạy ra cửa thoát hiểm (khu vực nối với hầm giữ xe) để ngăn mọi người tiếc của chạy xuống lấy xe nguy hiểm đến tính mạng”. 

Vừa canh cửa, anh An vừa hướng dẫn mọi người lối thoát hiểm và không quên nhờ những người khác đánh động những người sống trong các căn hộ khác để họ thoát ra ngoài. 

“Khi mọi người được đưa ra ngoài, chúng tôi gọi điện cho anh An nhưng không thấy anh bắt máy! Những người tử vong được đưa ra ngoài hiện trường, đau xót khi trong đó có anh An, cứu hộ nói anh bị ngạt khói ngã khụy ở hành lang gần lối thoát hiểm!”, ông Nguyễn Phúc Hậu, Tổ trưởng tổ bảo vệ đau xót.

Hỗ trợ gần 1,7 tỷ đồng đối với các nạn nhân

Ngày 24-3, ông Nguyễn Nha Kha, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 8 cho biết, trong khi chờ công tác khám nghiệm hiện trường hoàn tất những gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đã được bố trí ở tạm trong các căn hộ khu chung cư City Gate (đối diện với hiện trường vụ cháy). 

Về công tác hỗ trợ gia đình các nạn nhân có người tử vong và bị thương trong vụ cháy, 2 ngày qua các “Mạnh Thường Quân” trên địa bàn quận 8 đã dành 140 triệu đồng giúp đỡ cho các gia đình và hỗ trợ hàng chục ngàn phần ăn, nước uống miễn phí cho những người gặp nạn. 

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 8 thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đã đến thăm và hỗ trợ cho người bị thương 5 triệu đồng/người, Hội Phụ nữ thành phố hỗ trợ cho người bị thương 1 triệu đồng/người. 

Tính đến thời điểm hiện tại được sự giúp đỡ từ Trung ương, thành phố, từ quận 8, quận 12 và quận Tân Phú đã có tổng số tiền 1,654 tỷ đồng dành chăm lo cho các nạn nhân.

Anh Thư

Nhóm PV
.
.