Chuyện nghề, chuyện nhà của những mái ấm gia đình Cảnh sát

Khi vợ là trinh sát, chồng cán bộ phong trào

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:15
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”... Từ tình đồng chí, đồng đội, họ cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung”. 

Với một cặp vợ chồng bình thường, việc giữ lửa cho tổ ấm của mình đã không dễ dàng; với những người lính hình sự, hay một cán bộ ma túy thì càng khó khăn hơn nhiều, bởi tính chất đặc thù của công việc. Cùng lúc vừa làm tròn trách nhiệm của một người lính, lại là những người chồng, người cha, mái ấm của những người lính được vun vén bởi tình yêu và sự hy sinh.

Chuông điện thoại bất ngờ đổ dồn, Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) giật mình tỉnh giấc, đôi mắt cay xè. Suốt một đêm túc trực bên giường bệnh của con gái, chị mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay...

Bên kia đầu máy là giọng nói quen thuộc của chỉ huy đội. Gần chục năm qua, ngoài nhiệm vụ là trợ lý các vụ án ma túy, nữ điều tra viên đầu tiên của huyện Đan Phượng còn tham gia công tác trinh sát, các vụ án có đối tượng nữ.

Nhìn hai con đang say giấc, Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Có bố, mẹ cùng công tác trong lực lượng Công an, các con chị vì thế thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Vào những ngày nghỉ lễ, Tết, khi các gia đình quây quần bên nhau thì vợ chồng chị đều lại đang làm nhiệm vụ, hai đứa trẻ lúc thì ở bà ngoại, có khi lại tá túc ở nhà ông, bà nội. Đêm nay cũng vậy, cũng chỉ có mình chị ở bên con.

Vào giờ này, Đại úy Tạ Đăng Công, chồng chị, cán bộ Đội Cảnh sát phụ trách xã và xây dựng phong trào cũng đang vào ca trực. Công việc của một cán bộ Công an phụ trách xã cũng bộn bề chẳng khác gì người nuôi con mọn. Ngoài công tác nắm tình hình, còn là tham mưu, giải quyết các vụ việc, những vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn...

Bởi thế mà những lúc bố, mẹ hai bên trái nắng trở trời hay khi hai đứa trẻ thay nhau đổ bệnh, chỉ có một mình chị ở bên con. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà hai con chị cũng tự lập hơn những đứa trẻ khác... Hôn nhẹ lên đôi gò má bầu bĩnh của hai con, chị để lại mảnh giấy nhắc việc ở trên bàn rồi tất tả có mặt ở trụ sở đơn vị.

Đối mặt với Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy và các đồng đội của chị là hai người đàn bà trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh Tây Bắc về Hà Nội, qua Lạng Sơn rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Đường dây này do Bùi Thị Thủy (35 tuổi, ở phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) và Hoàng Thị Như Chi (28 tuổi, ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) thực hiện.

Để nắm bắt hoạt động của đường dây phạm tội này, trước đó các đồng đội của chị ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã tốn không ít công sức theo dõi. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, đến 14h ngày 9-4-2014, tại khu vực phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Chi và Thủy đã bị bắt giữ cùng tang vật là 10 bánh heroin và 209 viên ma túy tổng hợp.

Nhiều giờ trước đó, các đồng đội của chị, dưới sự chỉ đạo của những chỉ huy dày dạn kinh nghiệm đã trực tiếp đấu tranh với Chi và Thủy. Nhưng lợi dụng căn bệnh hiểm nghèo và có lẽ cũng biết trước mức án sẽ phải chịu nên hai đối tượng rất lỳ lợm.

Nhiệm vụ lần này của chị là đấu tranh với Chi, thu thập chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng. Sự tin tưởng của lãnh đạo đơn vị, trách nhiệm của một điều tra viên không cho phép Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy được sai sót, dù chỉ là nhỏ nhất.

Khi đã vào việc, chị như một con người khác hẳn, vừa mềm mại lại vừa cương quyết. Trong vụ việc này, sự mềm mỏng, nữ tính của một nữ điều tra viên đã giúp chị và đồng đội nhanh chóng tiếp cận được Chi.

Đối tượng này sau đó đã có sự chuyển hóa về tâm lý. Trường hợp của Thủy, đối tượng chẳng còn gì để mất, khi mang trong người căn bệnh thế kỷ. Ban đầu, Thủy lỳ lợm không chịu khai báo. Nhưng khi nói chuyện, tiếp xúc với chị, được phân tích, đối tượng đã hiểu ra những sai lầm trong hành động của mình, hợp tác với cơ quan Công an.

Cùng với tập thể đơn vị, chị đã góp sức nhỏ bé vào thành công của nhiều vụ án. Đối tượng Thủy và Chi sau đó đã khai nhận vận chuyển thuê ma túy cho Đỗ Thị Huyền (32 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) với giá 15 triệu đồng/bánh heroin. Từ lời khai của hai đối tượng này, Công an huyện Đan Phượng đã mở rộng đường dây, bắt giữ đối tượng Huyền.

“Vợ chồng em đến với nhau cũng là do duyên số”, Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy cười khi tôi hỏi về cuộc sống riêng.

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy và Đại úy Tạ Đăng Công nên nghĩa vợ chồng vào năm 2009, đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của hai vợ chồng. Gia đình hai bên đều chẳng khá giả gì nên hai vợ chồng phải tự lập bằng đôi bàn tay trắng.

Ngày mới lấy nhau, Thủy công tác ở Đội Cảnh sát kinh tế, còn chồng chị làm việc ở Đội Cảnh sát ma túy. Sau này, hai đơn vị sáp nhập với nhau, chồng chị công tác một thời gian ở đơn vị thì được lãnh đạo đơn vị điều động về Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện. Thời gian đó, đơn vị phân công trực 3 kíp.

Ấy nên mới có câu chuyện “dở khóc, dở cười” khiến anh em trong đơn vị vẫn còn bấm bụng tếu táo, mỗi khi nhắc đến vợ chồng chị. Đây có lẽ cũng là đặc sản riêng, mà chỉ có những vợ chồng mang màu áo lính mới có.

Thời điểm đó, có khi chị phân công một ca trực còn chồng lại ở một ca khác nên vợ chồng mới cưới mà cứ như “ngưu lang, chức nữ” chẳng mấy khi được gặp nhau. Sau này, lãnh đạo đơn vị ưu tiên cán bộ nữ trong đơn vị không phải trực đêm nhưng công việc lại cuốn chị liên miên...

Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy kể lại rằng, quãng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng chị là lúc vừa đi làm, vừa học tại chức. Cũng khoảng thời gian đó, vợ chồng chị sinh liền hai cô “công chúa”.

Vợ chồng chị thuê căn nhà ngay sát Học viện Cảnh sát nhân dân. Đứa con được 20 ngày tuổi đã phải theo mẹ đi thuê trọ, vợ chồng cùng nhau lên lớp, rồi tranh thủ bế con cùng học bài... Cuộc sống tuy còn vất vả nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. 

Ngoài việc hỗ trợ các vụ án ma túy, chị còn tham gia công tác trinh sát rồi thụ lý một số vụ án kinh tế. Có lúc vừa bê bát cơm lên miệng đã phải vội đặt xuống...

Công việc vất vả lại phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy khi đối tượng ma túy bị nhiễm HIV hoặc liều lĩnh chống đối đến cùng nhằm thoát tội; rồi kế đó là những tai nạn nghề nghiệp trong quá trình thực hiện lệnh khám xét.

Vượt qua khó khăn, hai năm liên tiếp (2014-2015), chị đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Chia sẻ với tôi, chị bộc bạch, trong thành công của chị ngày hôm nay có sự đồng cảm và giúp đỡ sẻ chia của người chồng.

Vợ chồng cùng công tác, điều đó cũng giúp cả hai dễ dàng thông cảm với nhau hơn về công việc. Chúng tôi chia tay với vợ chồng chị khi thành phố đã lên đèn. Hôm nay, cả hai cùng được huy động tham gia vào một vụ án khai thác trái phép tài nguyên trên sông...

Cùng xây dựng mái ấm gia đình, cùng phấn đấu trong công việc, mới đây Đại úy Tạ Đăng Công cũng vừa nhận giải đặc biệt trong cuộc thi Công an phụ trách xã giỏi. Mái ấm hạnh phúc của người nữ điều tra viên ấy được xây nên bằng tình yêu thương.

Xuân Mai
.
.