Chuyện làm nghề của những nhà báo Công an không thẻ!

Thứ Hai, 20/06/2011, 18:00
Nếu nói về tính chuyên nghiệp và “đa di năng” trong hoạt động báo chí, phải nói đến họ - những chiến sỹ Công an đang công tác tại các Đội tuyên truyền, Phòng Công tác Chính trị Công an các tỉnh, thành phố. Các tác phẩm của họ được thể hiện dưới các hình thức: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử...



Hằng ngày, các tin bài, phóng sự của họ vẫn được phát đi không chỉ ở địa phương mà còn trên phạm vi cả nước. Ngay trong đợt trao giải Báo chí Quốc gia lần này, tôi biết có ít nhất 2 trong số những phóng viên chưa một lần được cấp thẻ nhà báo trong số họ đạt giải cao.

Say nghề báo

Rất vô tình, trong chuyến công tác lên huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, tôi đi cùng với nhóm phóng viên Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc và đương nhiên cùng đoàn với chúng tôi còn có ê kíp của đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Chính trị, Công an tỉnh. Đường sá gập ghềnh, đèo dốc, một bên là vực, một bên là núi cao khiến không ít lần nhìn xuống thung sâu tôi có cảm giác ớn lạnh. Tôi thầm lạy trời mong cậu lái xe trẻ măng tên Phát vững tay lái, đưa chúng tôi đi đến nơi, về đến chốn.

Trong một lần dừng lại cho xe nghỉ giải lao đợi làm mát máy ở địa phận huyện Quan Hóa, tôi được mọi người kể cho nghe cú lộn nhào xe trong chuyến thực hiện tác phẩm “Phải sống” – tác phẩm truyền hình được trao giải C, giải Báo chí Quốc gia năm 2010 của nhóm tác giả của Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc và chị Thái Thanh – cán bộ Phòng Công tác Chính trị, Công an tỉnh Thanh Hóa. Khi nghe kể rằng, chiếc xe hôm đó đã lộn nhào, giơ cả 4 bánh lên trời, tôi không tin vào tai mình và hỏi lại: “Điều kỳ diệu gì khiến mọi người ở đây vẫn bình an và còn chuẩn bị đi nhận giải thưởng báo chí vào ngày 21/6 vậy”. “Phép tiên”, chị Thái Thanh nói.

Theo mô tả của phóng viên Trần Nam Chung, Truyền hình Vì An ninh Tổ quốc thì vị trí lật xe cũng giống như nơi chúng tôi đứng đây. Nghĩa là một bên là vực, một bên là vách taluy. May mắn ở chỗ là chiếc xe lộn nhào và đổ sập về phía taluy, chứ nếu nó đổ về phía ngược lại thì... “Sau khi xe đổ, bọn chị lóp ngóp chui ra và chỉ biết cảm ơn trời đất”, chị Thái Thanh nói. Cũng giống như những phóng viên chuyên nghiệp, các anh chị ở làm ở Đội tuyên truyền cũng gặp những khó khăn, bất trắc trong quá trình tác nghiệp, họ cũng cần được liệt vào danh sách những người làm nghề nguy hiểm.

Là một trong số gần chục phóng viên, quay phim của Đội tuyên truyền với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, cũng giống như các đồng nghiệp cùng đơn vị, chị Thái Thanh vẫn chưa được cấp thẻ nhà báo. Năm 1996, chị tốt nghiệp Phân viện Báo chí tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và đầu quân cho Phòng Công tác Chính trị của Công an tỉnh Thanh Hóa. 

Công việc của chị và các đồng nghiệp là thực hiện tin, bài, phóng sự cho chuyên trang “An ninh Quốc phòng” của Báo Thanh Hóa; thực hiện chuyên mục “An ninh Thanh Hóa” trên Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa; cập nhật tin, bài cho website của Công an tỉnh, ngoài ra chị còn là cộng tác viên tích của Báo CAND...

Những thông tin cập nhật về chiến công của các đơn vị trong Công an tỉnh; các phong trào vận động quần chúng bảo vệ ANTQ, thi đua trong lực lượng đều được chị thường xuyên cập nhật. Nhờ có những cộng tác viên tích cực, là người của địa phương như chị mà những thông tin mới nhất được chuyển đến và đăng tải trên các ấn phẩm của Báo CAND. Hiện nay, chị đeo hàm Đại úy, Đội phó Đội tuyên truyền và có trong tay một “gia tài” giải thưởng báo chí kha khá, từ giải cấp tỉnh đến cả Trung ương.

Hầu hết phóng viên của Báo CAND mỗi khi về Công an các tỉnh, thành công tác đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của các anh chị em, những phóng viên không thẻ ở Phòng Công tác chính trị. Ngay tác giả bài viết này, từ khi là phóng viên tập sự, khi về công tác ở Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà báo không thẻ gạo cội như các anh Hồ Mạo, Văn Long, anh Hải...

Chính họ - những người công tác lâu năm trong lực lượng CAND, làm công tác tuyên truyền trong lực lượng nên hiểu và có cách nhìn nhận, định hướng đúng đắn cho những người mới chập chững vào nghề như tôi. Tôi tin chắc rằng, rất nhiều phóng viên thuộc các thế hệ của Báo CAND cũng đều có những gắn bó với những nhà báo không thẻ ở Phòng Công tác Chính trị của Công an các tỉnh, thành. Mỗi lần đi cơ sở, chính những nhà báo không thẻ này là người dẫn đường, người “phím” cho các đề tài...

Khát vọng được là nhà báo thực thụ

Tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Ngôn ngữ học năm 2000, tôi có may mắn về công tác ở Báo CAND. Chính những ngày làm việc ở tờ báo của ngành Công an, tôi gặp lại hai người bạn cùng lớp là Hồng Phú và Văn Hùng. Các bạn tôi lúc này đều là cán bộ, Đội tuyên truyền, Phòng Công tác Chính trị, Công an Hà Tĩnh.

Gặp lại nhau, bạn bè lại “buôn chuyện” hồi cùng lớp và cả những sẻ chia về công việc hiện tại. Tôi thầm thán phục các bạn mình, bởi khi học ở trường chúng tôi không học chuyên ngành báo chí, làm báo chuyên nghiệp đã là tay ngang rồi, thế mà chúng nó lại còn cả quay phim, làm truyền hình nữa.

Không chỉ phản ánh các hoạt động, thành tích của Công an Hà Tĩnh, Hồng Phú còn bám sát các vấn đề thời sự tại địa phương. Ví như vụ tràn đập thủy điện Hố Hô, ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cũng như nhiều phóng viên các báo, Phú có mặt ngay tại hiện trường để ghi lại những thước phim sinh động về sự cố này.

Để bản tin phát ra không chỉ có tính thời sự mà còn đưa ra giải pháp, cách nhìn nhận của lãnh đạo địa phương, Phú đã liên hệ để được phỏng vấn đồng chí Chủ tịch UBND huyện. Thế nhưng, khi gặp đồng chí Chánh Văn phòng đặt vấn đề thì bị hỏi là “anh ở báo mô”. Phú trình bày, mình ở Công an tỉnh, ở Đội Tuyên truyền đi làm chương trình để phát sóng trên chuyên mục của Công an ở Đài truyền hình tỉnh. Thế nhưng, người này vẫn không nghe mà đòi phải có ý kiến của lãnh đạo Công an huyện.

Đồng chí Hồng Phú trong một lần tác nghiệp.

Khi Phú sang Công an huyện thì các đồng chí lãnh đạo lại đang ra hiện trường để chỉ đạo kiểm tra và khắc phục sự cố. Trong khi đó, phóng viên các báo, truyền hình đã lấy được ý kiến của lãnh đạo UBND huyện Hương Khê. Để kịp thời hoàn thiện tác phẩm và đưa tin, Phú buộc phải xin lại các đồng nghiệp những thước phim có sự trao đổi này.

Ngay cả khi tham gia thực hiện loạt bài “Từ vùng bão lụt miền Trung: Đi tìm giải pháp sống an toàn” cùng nhóm phóng viên của Báo CAND, Phú được giao phỏng vấn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Thế nhưng khi đi liên hệ, Phú không có thẻ nhà báo nên việc này không được bộ phận giúp việc của đồng chí Chủ tịch bố trí lịch phỏng vấn. “Khi tác nghiệp ở ngành ngoài, không có thẻ nhà báo khó khăn vô cùng. Những lúc ấy, mình nhìn các bạn đồng nghiệp có thẻ nhà báo mà thèm”, Hồng Phú chia sẻ.

Tâm sự của Hồng Phú cho thấy rõ khó khăn khi tác nghiệp báo chí mà không có thẻ nhà báo và mong muốn được Hội Nhà báo cấp thẻ để các anh có thể có nhiều hơn những bài viết có tính thời sự và tinh thần xây dựng. Mới đây, Đại úy Nguyễn Hồng Phú được bổ nhiệm là Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp – Thi đua khen thưởng thuộc Phòng Công tác Chính trị nhưng Phú vẫn rất hăng say công việc viết báo.

Đồng chí Thanh Duyên.
Chị Thanh Duyên, Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Chính trị, Công an tỉnh Cao Bằng cho tôi biết, cách đây ít ngày chị và một anh cùng đội nhận được văn bản của Hội Nhà báo trả lời rằng, “không thuộc diện cấp thẻ”. Năm 1992, chị tốt nghiệp Khoa Biên tập, Trường Trung cấp Phát thanh Truyền hình (nay là Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình).

Năm 1996, nghe tin Công an tỉnh tuyển phát viên để thực hiện chuyên mục Truyền hình An ninh trên sóng Đài Truyền hình tỉnh Cao Bằng, chị nộp đơn thi tuyển. Cùng trúng tuyển với chị còn có 3 đồng nghiệp nữa và dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Công tác Chính trị, họ đã thực hiện đều đặn các chuyên mục trên sóng truyền hình và Báo Cao Bằng.

Năm 2000, khi đến công tác tại Công an tỉnh Cao Bằng, tôi đã mục sở thị việc tác nghiệp của chị Thanh Duyên. Dáng người gầy, mảnh nhưng một tay chị “vừa quay, vừa viết”. Vừa vác máy quay, quay phim và ghi chép để về dàn dựng, viết, chị khiến chúng tôi rất thán phục. Mà với anh em Đội Tuyên truyền trước đây, ai cũng phải làm thế cả.

Sau 3 năm làm công tác báo chí, chị sinh hoạt tại Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Cao Bằng và được cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo. Với những vấn đề cần đưa tin, phản ánh trong lực lượng CAND thì thuận lợi nhưng khi với ra bên ngoài, các chị gặp không ít khó khăn. Trong những trường hợp này, các chị thường không được tiếp cận thẳng vấn đề, hoặc bên liên quan lại dè chừng.

Để làm được việc, các chị phải nhờ đến Công an huyện, hoặc các đơn vị nghiệp vụ để tiếp cận vấn đề. Để việc tác nghiệp thuận lợi hơn, chị và một số anh em trong đơn vị làm hồ sơ như hướng dẫn đề nghị Hội Nhà báo cấp Thẻ nhà báo nhưng tiếc rằng đã bị từ chối.

Trong khi trò chuyện với tôi, chị luôn nhắc đến Báo CAND với lòng cảm ơn sâu sắc. Cách đây mấy năm, con trai chị là Hoàng Minh Đức bị phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Chị đưa con xuống Bệnh viện Nhi TW, rồi được giới thiệu vào TP HCM. Khi cháu đủ hai tuổi, chị đưa con xuống Viện Tim Bạch Mai và được giới thiệu đến Viện Tim Hà Nội.

Việc đi lại, chi phí phẫu thuật cho con rất lớn, lên đến cả trăm triệu đồng nên chị rất lo lắng. Rất may, chị được mách gửi đơn đến Quỹ “Vì đồng đội” của Báo CAND. Tại tòa soạn, chị gặp các đồng chí trong Ban biên tập, anh Kim Chi – lúc này đang phụ trách mảng từ thiện xã hội của Báo. Anh Kim Chi đã trao đổi qua điện thoại với ông Lâm Tấn Lợi, Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi và được ông đồng ý tài trợ 50% chi phí phẫu thuật. Nhận được tin này, chị mừng quá và cuộc phẫu thuật đã thành công, con trai chị đã lành bệnh. Năm học lớp 1 vừa qua, cháu được học sinh tiên tiến.

Không thuộc biên chế của một cơ quan báo chí nhưng lại hoạt động báo chí chuyên nghiệp là đặc thù của các phóng viên không thẻ nhà báo đang công tác tại Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác Chính trị, Công an các tỉnh, thành. Với niềm hăng say nghề và khát vọng được cống hiến cho nền báo chí cách mạng, mong muốn được cấp thẻ nhà báo của họ là hoàn toàn chính đáng

Cao Hồng
.
.