Làm Báo Công an ở buôn làng Tây Nguyên

Thứ Tư, 02/11/2016, 09:55
Tôi không học nghề báo nhưng khi vào Công an, cuộc đời rong ruổi đưa tôi đến với miền đất Tây Nguyên như quê hương thứ 2 của mình và rồi bắt đầu làm nghề viết báo như một sự xếp đặt tự nhiên. Có người bạn hay đùa với tôi rằng, người ta làm một nghề đã mệt, còn ông vừa nhà báo, vừa Công an. Nhưng tôi chỉ nghĩ mình làm duy nhất một nghề viết tin, bài cho Báo CAND...

Địa bàn Tây Nguyên có những năm tháng tôi làm báo giữa thời bình nhưng không bình yên, có những lúc tình hình an ninh trật tự nóng như nước sôi, lửa bỏng. Nhất là làm Báo CAND phải đảm bảo tính định hướng cao, thông tin chính xác, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Tây Nguyên nên khi viết cái gì cũng phải thận trọng, nghiêm ngặt làm sao cho đúng tôn chỉ mục đích của tờ Báo CAND mà vừa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tôi nhớ, có lần mới dọn cơm tối ra chưa kịp ăn thì có lệnh đi nhanh với các tổ trinh sát An ninh xuống làng. Vậy là húp vội chén canh rồi vai đeo máy ảnh, máy quay (camera) lên đường. Cả đêm ấy thức với đồng chí, anh em bám sát làng Lao (ở Nhơn Hòa, Chư Pưh, Gia Lai bây giờ), cùng chịu trận ném đá, gậy gộc như mưa của những phần tử quá khích... Đến gần trưa hôm sau, những kẻ cầm đầu của bọn phản động FULRO bị tóm gọn thì anh em mới được ngồi dưới gốc cây làng mà gặm ổ bánh mì khô khốc...

Đời làm báo ở buôn làng, hàng ngàn cuộc “phiêu diêu” với buôn làng Tây Nguyên, tôi đã nhận ra rằng đồng bào Tây Nguyên phần lớn thật thà, chung thủy trước sau và rất chịu thương, chịu khó... Tuy nhiên, do hủ tục lạc hậu và những kẻ phản động FULRO gieo rắc tội ác nên một số người trở thành nạn nhân.

PV Báo CAND (bìa phải) lên rừng tìm những người bị “kết tội ma lai”.

Có lần lên núi Chư Gông tìm những người bị quy kết cái gọi là “ma lai” theo lời của một số dân làng có nhận thức lạc hậu xua đuổi. Nhớ lần gặp bà H’Đoai và người con gái bị xua đuổi vào rừng mà nước mắt cứ rưng rưng. Bà không còn nhớ cái ngày cả gia đình, anh em kéo nhau vào rừng tạm lánh nạn vì bị dân làng Ngol đòi giết, nhưng áng chừng cũng khoảng hơn hai mươi cái mùa rẫy qua rồi. Khi ấy bà có xích mích nhỏ với người trong làng vì chuyện vặt về con heo, con gà nên xảy ra cuộc cãi vã.

Đêm ngủ, người hàng xóm nằm mơ thấy bà H’Đoai đến đòi giết nên hôm sau đi báo với làng: “H’Đoai là con ma lai giết người”. Mẹ con H’Đoai bị mọi người đánh đập, xua đuổi nên phải trốn vào rừng lánh nạn. Chồng H’Đoai tên là Siu Hluên, còn có tên gọi khác là Kluên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, H’Đoai làm cán bộ phụ nữ xã, còn chồng làm xã đội trưởng, sau đó là Bí thư E12 (nay là xã Ia Ko, Chư Sê, Gia Lai). Hluên là liệt sĩ, hy sinh năm 1969 trong một trận đánh ác liệt, để lại cho H’Đoai một đứa con gái là H’Djrek. Hơn nửa đời con gái ở rừng, tuổi thanh xuân của H’Djrek đã héo mòn theo cái hoang vu của rừng rú, không biết ai mà bắt chồng, chỉ có vui với chim chóc, thú rừng lấy làm niềm tâm sự riêng tư của một kiếp người hoang lạc.

Khi vào rừng tìm hiểu, chúng tôi đem chuyện về hỏi lãnh đạo xã và sau đó mẹ con bà H’Đoai đã được trở về với buôn làng trong niềm vui không sao tả hết. Chuyện đã gần chục năm qua nhưng bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn thấy lòng mình rưng rưng...

Làm Báo CAND ở buôn làng Tây Nguyên có khi đi về làng không chỉ để viết bài, đưa tin mà cái lớn hơn nữa là làm công tác vận động quần chúng. Có những chuyện người dân không tin, không nghe nhưng nhà báo nói thì dân lại “lọt tai” và tin tưởng làm theo. Hàng chục năm sống và làm việc ở Tây Nguyên có muôn ngàn góc khuất thầm lặng ở buôn làng mà trên mặt báo chưa thể viết hết...

Cái vốn quý cần giữ gìn của người làm Báo CAND là dù khó khăn mấy cũng phải gắng sức giữ lòng tin yêu của nhân dân. Bởi chúng tôi luôn quan niệm, lòng tin và niềm tin của nhân dân không dễ mà có được.

Đặng Ngọc Như
.
.
.