Người tháo gỡ những “nút thắt” trong các vụ án nóng

Thứ Sáu, 18/08/2017, 16:02
Nhiều năm liên tiếp gần đây, trên địa bàn Vĩnh Long xảy ra trọng án đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ, việc điều tra tưởng rơi vào bế tắc. Là Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Đại tá Phạm Văn Ngân đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo công tác khám nghiệm, cùng các điều tra viên phân tích và làm rõ vụ án trong thời gian nhanh nhất.


Cách đây hai năm, người dân phát hiện thi thể nam giới nổi trên sông Đại Nghĩa, thuộc xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình. Nhận định ban đầu, nạn nhân có thể bị giết trước khi thả trôi sông. Ngoài vết bỏng phát hiện trên thi thể, dấu vết thu lượm trong quá trình khám nghiệm rất ít. Qua rà soát, nạn nhân là Nguyễn Văn Dành (58 tuổi, ngụ tại địa phương), mất tích tối hai ngày trước. Đại tá Phạm Văn Ngân chủ trì cuộc họp, đánh giá toàn bộ vụ việc và đưa ra tình huống nhận định, đây là vụ án giết người.

Nguyên nhân có thể do dùng diện bẫy chuột ngoài đồng hoặc chống trộm trong vườn nhà và cũng có thể là do ghen tuông. Ngay trong ngày, các tổ công tác tập trung giám định vi thể, độc chất để có kết luận nguyên nhân tử vong. Trinh sát truy tìm các vật dụng nạn nhân mang theo, đặc biệt là chiếc xe đạp nạn nhân sử dụng. Đồng thời, rà soát các hộ gia đình, có khả năng sử dụng nguồn điện bẫy chuột, chống trộm cũng như mối quan hệ của nạn nhân.

Đại tá Phạm Văn Ngân – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long.

Sau hai ngày điều tra, kết quả không mấy khả quan. Trinh sát đã lặn, tìm dưới sông nơi phát hiện thi thể cũng không thấy chiếc xe đạp. Đến ngày thứ ba, chiếc xe đạp được người dân trình báo, tìm thấy dưới mương nước ở ấp Đại Thọ. Trinh sát phát hiện gia đình ông Đặng Văn Sáu (ngụ tại địa phương), thường sử dụng điện bẫy chuột ngoài đồng. Đại tá Phạm Văn Ngân làm việc với ông Sáu và con trai là Đặng Hoàng Tiến.

Sau nhiều giờ đồng hồ, Tiến thừa nhận, tối 23-8-2015 đã mắc đầu dây điện vào hệ thống dẫn ra đồng bẫy chuột. Đến 4 giờ sáng, Tiến thăm ruộng thì phát hiện nạn nhân nằm chết nên báo cho cha ruột. Cả hai sợ tội nên bàn nhau lấy bao nylon trùm đầu nạn nhân thả trôi sông.

“Vụ án nào cũng vậy, nếu chưa làm rõ, bắt giữ được thủ phạm thì cơ quan điều tra chịu rất nhiều áp lực. Các điều tra viên phải làm việc trong cường độ cao, phải quyết tâm hơn. Vai trò của người lãnh đạo, chỉ huy rất quan trọng. Việc có mặt trực tiếp tại hiện trường, đảm bảo công việc được giải quyết nhanh hơn, mang lại hiệu quả, quá trình khám nghiện được thực hiện khách quan và toàn diện để có nhận định, đánh gía chính xác”, Đại tá Ngân chia sẻ.

Các vụ trọng án xảy ra tại vùng quê luôn khiến dư luận hoang mang. Cho nên, khi khám nghiện hiện trường, các dấu vết phải được thu lượm cẩn trọng, dù là chi tiết nhỏ nhất. “Nếu không thực hiện tốt công tác khám nghiệm ban đầu, sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra về sau, bỏ lọt tội phạm, dẫn đến oan sai... Nhiều vụ trọng án rơi vào bế tắc nếu dấu vết tại hiện trường bị xáo trộn”, Đại tá Ngân nói.

Vụ giết người, cướp tài sản tại xã Hoà Tịnh, huyện Mang Thít là một minh chứng. Cô gái 32 tuổi, bị bại liệt được phát hiện chết trong tư thế treo cổ, phía sau nhà bếp. Hôm xảy ra sự việc, gia đình đều đi Châu Đốc (An Giang), chỉ còn nạn nhân ở nhà. 

Khoác vội chiếc áo, Đại tá Phạm Văn Ngân cùng lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự xuống ngay hiện trường. Gia đình cho biết, nạn nhân bại liệt từ nhỏ nên không thể tự đứng dậy, việc treo cổ tự tử rất khó xảy ra. Dấu vết nạn nhân tự treo cổ cũng không rõ.

Đại tá Pham Văn Ngân, trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích phá án.

Khi khám nghiệm, sợi dây chuyền và nhẫn vàng 3,5 chỉ của nạn nhân không được tìm thấy. Trong điện thoại nạn nhân, có tin nhắn tình cảm với 5 số điện thoại khác nhau. Đại tá Ngân triệu tập cuộc họp khẩn cấp, tập trung lực lượng và đưa ra nhận định: Đây là vụ giết người, cướp tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân bị sát hại trong khoảng thời gian từ 11h đến 14h. Đối tượng gây án, nhiều khả năng lợi dụng mối quan hệ tình cảm để sát hại, cướp tài sản.

Ngay sau đó, Cơ quan điều tra tập trung rà soát các mối quan hệ, xác minh những người nghi vấn. Tuy nhiên, số thuê bao nhắn tin đều là sim khuyến mãi và không có thông tin gốc. Cơ quan điều tra đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tố giác tội phạm. Người hàng xóm gần nhà cho biết, trưa hôm đó có nghe tiếng thanh niên gọi điện thoại với nội dụng: “Mày vô đây rước tao”. Sau đó, người này lên xe máy về hướng Hoà Tịnh. Hai ngày sau, trinh sát tìm được người chở nam thanh niên là xe ôm tại thị trấn Long Hồ.

Người xe ôm cung cấp, ngày 20-11 và 2-12 có chở một thanh niên khoảng 24 tuổi đến nhà nạn nhân. Người này giới thiệu ở Cổ Cò (Tiền Giang) và là kỹ sư xây dựng, nhưng không rõ tên họ. Thanh niên này cho người xe ôm số điện thoại liên lạc. Đối chiếu, số điện thoại trùng khớp với số lưu trong tin nhắn. Mấu chốt quan trọng, cũng là nút thắt của vụ án là không ai biết thanh niên này ở đâu.

Sau bốn ngày tập trung điều tra, vụ án gần như rơi vào bế tắc. Chiều hôm sau, cơ quan điều tra phát hiện người đang sử dụng số điện thoại do người chạy xe ôm cung cấp đang ở huyện Châu Thành (Tiền Giang). Đại tá Phạm Văn Ngân chỉ đạo Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cùng tổ công tác trực tiếp đến Tiền Giang. “Nhiệm vụ quan trọng là phải rà soát, xác định đối tượng sử dụng số điện thoại này, có liên quan đến vụ án hay không”, Đại tá Ngân nói. Các trinh sát vẽ sơ đồ dân cư, khu vực liên quan để sàng lọc các đối tượng nghi vấn.

Trưa cùng ngày, Nguyễn Trọng Quí (19 tuổi, ngụ tại địa phương) – người đang sử dụng số điện thoại do người xe ôm cung cấp được mời lên làm việc. Tuy nhiên, Quí khai báo, không quen biết với nạn nhân. Kiên trì làm việc, Quí mới thừa nhận buổi trưa hôm đó đã đến nhà nạn nhân chơi và hỏi mượn vàng. Khi Quí gọi xe ôm ra về, nạn nhân vẫn còn sống. 

Với những chứng cứ đã thu thập, tối cùng ngày, Quí mới thừa nhận đã cho nạn nhân uống thuốc ngủ, dùng gối đè ngạt thở dẫn đến tử vong. Sau khi lấy vàng, thủ phạm treo cổ nạn nhân, tạo hiện trường giả. Lời khai này, phù hợp với kết quả khám nghiệm.

Đại tá Phạm Văn Ngân bộc bạch, hầu như trong các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn, ông đều phân công cán bộ phong trào đi cùng. Việc người dân tiếp xúc với cán bộ điều tra nhiều khi có sự e dè, nhưng với cán bộ phong trào thì cởi mở hơn. Trong các vụ trọng án xảy ra, như: vụ con giết cha tại huyện Long Hồ rồi mang thi thể lên TP Hồ Chí Minh phi tang vào năm 2014; vụ phóng hoả giết chết 3 người ở Vũng Liêm vào năm 2015; vụ giết, hiếp bé gái 10 tuổi rồi dìm thi thể xuống mương tại Trà Ôn; vụ sát hại mẹ của người yêu vì bị ngăn cấm tình cảm tại Bình Tân vào tháng 7 vừa qua...

Người dân cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp cơ quan điều tra nhận định chính xác diễn biến, tập trung điều tra đúng huống, giúp vụ án sớm được khám phá trong thời gian ngắn.

Văn Vĩnh
.
.