Từ Olympic 2016: Việt Nam bao giờ đủ tầm đứng đầu thể thao Đông Nam Á?

Chủ Nhật, 07/08/2016, 11:06
Những niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam cho mục tiêu giành huy chương Olympic 2016 như Vương Thị Huyền (cử tạ nữ 48kg), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (súng ngắn nam) ra thi đấu ngày 6-8. Tiếp đến là Thạch Kim Tuấn (cử tạ nam) tranh tài ngày 7-8. Tuy nhiên, ai trong số họ giành được huy chương và kết quả ấy đã đủ để chứng tỏ chúng ta đứng đầu thể thao khu vực Đông Nam Á?

Ai hơn ai?

Thể thao Việt Nam đạt 23 tuyển thủ giành suất Olympic 2016 (22 người đi bằng vé chính thức, 1 người đi bằng vé mời (Hoàng Quý Phước – bơi lội)). Đây là con số vượt trội nhất từ trước đến nay của thể thao chúng ta trong một lần dự Olympic, kể từ khi Việt Nam hội nhập trở lại với thể thao Olympic quốc tế. 

Tại Olympic 2016, không chỉ Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương, nhiều nền thể thao của khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia... cũng hạ quyết tâm có huy chương. Thái Lan dự Olympic 2016 với 46 tuyển thủ, Singapore là 25, Malaysia có 32, Indonesia có 28, Philippines gồm 13. 

Bốn năm trước, khi chúng ta trắng tay tại Olympic 2012 ở London (Anh), đoàn Olympic Thái Lan lại giành được 2 HCB, 2 HCĐ, còn Malaysia cũng có 1 HCB, 1 HCĐ và Singapore đạt 2 HCĐ. Con số thống kê từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đến giờ, thể thao Thái Lan vẫn vượt trội thành tích so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á.

Tính tổng kết quả qua các kỳ dự Olympic, Thái Lan đã có được 7 HCV, 6 HCB, 12 HCĐ. Olympic 2004 tại Hy Lạp là kỳ thành công nhất, các tuyển thủ Thái Lan giành đến 3 HCV. Thể thao Malaysia ở phía sau và qua những kỳ thi đấu Olympic, họ đã mang về tổng cộng 3 HCB, 3 HCĐ. Thể thao Singapore thì đã giành tổng cộng 2 HCB, 2 HCĐ. 

Chúng ta cũng nằm trong nhóm quốc gia mạnh ở Đông Nam Á và thành tích 2 HCB trong các kỳ Olympic (1 chiếc năm 2000 của Trần Hiếu Ngân – taekwondo; 1 chiếc năm 2008 của Hoàng Anh Tuấn – cử tạ 56kg nam). Nếu đặt lên phép so sánh giữa số suất Olympic chính thức và kết quả huy chương Olympic, thể thao Việt Nam còn ở sự... khai phá về tranh tài tại Olympic.

Định hướng mục tiêu cho Olympic 2016 trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 (bắt đầu thực hiện từ năm 2010) là có HCV. Ai trong số Xuân Vinh, Quốc Cường, Ánh Viên, Vương Thị Huyền, Thạch Kim Tuấn giành được HCV tại Rio de Janeiro (Brazil) còn là dấu hỏi. Những người làm chuyên môn sớm nhận rõ, đạt được HCV là chưa thể. Dù thế, giành được huy chương Olympic 2016 với Vương Thị Huyền hoặc Thạch Kim Tuấn trong cử tạ hay Xuân Vinh, Quốc Cường ở bắn súng là có triển vọng.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã xác định, mục tiêu là nỗ lực phấn đấu đạt kết quả tốt nhất. Chúng ta không đặt rõ chỉ tiêu phải giành được huy chương màu gì và trong môn nào. 

Với các quốc gia trong khu vực, thể thao Thái Lan tại Olympic 2016 đặt mục tiêu chắc chắn giành ít nhất 1 HCV và nhắm thẳng vào cử tạ nữ 48kg, boxing nam và taekwondo nữ. Singapore đặt trọn niềm tin giành được huy chương ở bơi lội với VĐV số 1 Joshep Schooling. Malaysia tin tưởng Lee Chong Wei (cầu lông) chắc chắn giành được HCV tại Rio de Janeiro. 

Những sao sáng của họ có thực lực đều được nhà quản lý thể hiện rõ quyết tâm. Chúng ta có nhân tố đủ năng lực nhưng lại không thể hiện được sự mạnh mẽ ấy mà dè chừng chỉ nhẹ nhàng phấn đấu.

VĐV Việt Nam trước giờ tranh tài Olympic 2016.

Mau ra khỏi “vùng trũng”

Olympic 2016 chắc chắn là một kỳ thể thao Đông Nam Á khởi sắc. Sự khởi sắc khi cả 11 quốc gia trong khu vực đều có đoàn VĐV tới Rio de Janeiro tranh tài. Những nền thể thao của Đông Nam Á như Brunei hay Timor Lester chưa bao giờ được đánh giá cao tại đấu trường Olympic. 

Tuy nhiên, Brunei có 3 tuyển thủ thi đấu tại Rio de Janeiro, thể thao Timor Lester non trẻ nhưng cũng có 3 người thi đấu. Các đoàn Campuchia và Lào mỗi quốc gia có 6 tuyển thủ dự Olympic kỳ này. 

Có thể, họ được trao một số suất ưu tiên để tham dự ngày hội Olympic 2016. Dù thế, điều này cũng đáng trân trọng vì thể thao Đông Nam Á vốn bị coi là “vùng trũng” chuyên môn ở thể thao châu lục và thế giới nên cũng cần phải phát triển mạnh mẽ bỏ qua sự tự ti. 

Toàn Đông Nam Á có 179 VĐV tham gia tranh tài tại Olympic 2016. Đó là con số không nhiều nhưng đã tăng trưởng đáng kể hơn so với những kỳ Olympic mà các quốc gia tại khu vực từng tham dự.  

Hai ngày đầu quyết định tất cả

Đoàn Việt Nam có huy chương chung cuộc tại Olympic 2016 hay không sẽ quyết định ngay trong ngày 6 và 7-8. Các mũi nhọn của Việt Nam là Vương Thị Huyền (cử tạ nữ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng) đều thi đấu vào khung giờ khuya ngày 6-8 và chuyển cả sang rạng sáng ngày 7-8 theo giờ Việt Nam. 

Nguyên do, giữa Brazil với Việt Nam chênh lệch 10 tiếng. Vì vậy, các khung giờ ở Brazil khi cộng thêm chênh lệch với giờ Việt Nam luôn vào đêm khuya hoặc rạng sáng ngày hôm sau. Nội dung mà Vương Thị Huyền thi đấu có 12 tuyển thủ và không nhiều đô cử từng đạt trên 190kg về tổng cử ổn định như Huyền. Xuân Vinh thi đấu ổn định nội dung 10m súng ngắn hơi trong năm 2016 và mục tiêu của xạ thủ này phấn đấu chạm tới HCĐ. 

Nếu không thành công, Vinh và Cường còn cơ hội cuối sau đây 4 ngày tại nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Trong ngày 7-8 (theo giờ Brazil) khoảng rạng sáng ngày 8-8 (theo giờ Việt Nam), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) thi đấu hạng 56kg nam. Nội dung này đoàn Việt Nam nhắm mục tiêu ít nhất giành HCĐ.

DP

Tiêu chí xanh làm mát lòng người

Ngọn đuốc của Olympic 2016 đã được thắp sáng trong lễ khai mạc (diễn ra sáng 6-8 theo giờ Việt Nam), chính thức vận hành những ngày tranh tài hấp dẫn sắp tới ở Rio de Janeiro. Một chi tiết mà chủ nhà Brazil đã làm khác với những kỳ Olympic khác đó là ngay trong lễ khai mạc, họ đã trao hơn 1.000 hạt giống mầm tới tay thành viên từng đoàn dự Olympic 2016 và trồng thẳng vào những ô đất nhỏ bố trí sẵn. Trồng cây làm xanh lòng người là điều lần đầu tiên một kỳ Olympic thực hiện và được nhiều HLV, VĐV hưởng ứng nhiệt tình.

DP

Diệu Phương
.
.
.