Trải nghiệm của cầu thủ mắc Covid-19: “Tôi chưa trải qua điều gì tệ hơn”

Thứ Tư, 25/03/2020, 09:32
Trải nghiệm của Favalli trong những ngày chống trọi với con virus gây ra nỗi hoảng sợ trên toàn thế giới sẽ là một ký ức anh không bao giờ quên.


Alessandro Favalli là một trong những cầu thủ Italia đầu tiên dương tính với COVID-19.  Đất nước của anh đang trải qua những ngày u ám nhất với hơn 6.000 người đã qua đời trong đại dịch. Trải nghiệm của Favalli trong những ngày chống trọi với con virus gây ra nỗi hoảng sợ trên toàn thế giới sẽ là một ký ức anh không bao giờ quên.

Những ngày đầu khó khăn

Nếu họ Favalli làm một fan nào đó của bóng đá Italia thấy ngờ ngợ, thì bạn đã chính xác. Alessandro Favalli là con trai của Giuseppe Favalli, cựu hậu vệ từng khoác áo Lazio, Inter và AC Milan cũng như ĐT Italia. Ông từng vô địch Serie A và Cúp C2 trong màu áo Lazio, có thêm một chức vô địch quốc gia nữa trong màu áo Inter và đỉnh cao là chiếc Cúp Champions League cùng AC Milan năm 2007.

Alessandro cũng chơi ở vị trí hậu vệ cánh trái giống như cha mình, nhưng anh không có một sự nghiệp quá nổi bật. Cầu thủ sinh năm 1992 hiện đang chơi cho Reggiana ở Serie C. Nhưng rồi một ngày cái tên Alessandro trở nên nổi tiếng theo một cách chẳng ai mong muốn. Ngày 6/3, anh được xác định dương tính với COVID-19 và trở thành cầu thủ thứ 2 của bóng đá Italia là nạn nhân của đại dịch toàn cầu.

Alessandro kể lại: “Tôi thức dậy vào ngày 2/3, hôm đó là thứ hai và thấy mình không ổn!”. Anh bị sốt, đau đầu dữ dội, đôi mắt như bốc lửa. Đêm trước đó, Alessandro đã có những triệu chứng đầu tiên khi toàn thân ớn lạnh.

"Tôi nghi ngờ vì đã dính cúm vào tháng 1. Tôi gọi cho gia đình mình và tất cả các thành viên đều có cùng một triệu chứng. Chúng tôi đã có một bữa tối cùng nhau vài ngày trước đó. Nhờ các phương tiện truyền thông, tôi biết dịch bệnh đã có những diễn biến nghiêm trọng vào thời điểm đó và cũng có người đã nhiễm bệnh trong khu vực của tôi, tôi hiểu ngay tất cả những gì đang và sẽ xảy ra" - Alessandro nhớ lại.

Những cơn sốt luôn xuất hiện, thường không vượt qua mức 37,8 độ C. Đến ngày thứ sáu, Alessandro đã ổn hơn. “Tôi bị những cơn đau đầu hành hạ nhưng chúng không kéo dài quá lâu. Tôi chưa trải qua điều gì tồi tệ như vậy nhưng quả thật tôi không sợ hãi vì những gì diễn ra với mình. Tôi lo sợ cho người thân nhiều hơn. Tôi biết rằng COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau tùy theo độ tuổi và thể trạng” – cầu thủ của Reggiana chia sẻ.

May mắn cho Alessandro, những gì anh phải trải qua không nghiêm trọng như những gì anh thấy trên báo chí mỗi sáng, với cột cáo phó chi chít những cái tên, tưởng như không còn chỗ để điền thêm người mới hay hình ảnh những chiếc xe chuyên dụng chở người tử vong đi hỏa thiêu.

Italia trong những ngày phong tỏa.

Những ngày tự cách ly

Một ngày bình thường của Alessandro rất êm đềm. Buổi sáng, lái xe khoảng 40 phút từ làng Solarolo Rainerio đến trung tâm Reggio Emilia của CLB Reggiana để tập luyện. Sau đó trở về nhà, gặp gỡ bạn bè và dùng bữa tối bên gia đình. Tất cả những điều quen thuộc đó đều phải chấm dứt trong thời gian cách ly.

Alessandro ở cùng vợ, Miram, người may mắn không có dấu hiệu bị lây nhiễm. Anh quyết định tự cách ly trong một căn phòng. Hằng ngày, Miram sẽ nấu ăn và để một đĩa trước cửa phòng. Alessandro ra lấy, rồi sau khi ăn xong, anh sẽ lại để đĩa ra ngoài cửa. “Miram nấu rất ngon, nhưng tôi không cảm nhận được bất cứ vị gì trong thời gian bị bệnh. Tôi nghĩ COVID-19 giống cúm bình thường ở điểm này” – cầu thủ sinh năm 1992  kể lại.

Nhưng chuyện ăn uống không phải là gánh nặng. Đối với bệnh nhân bị cách ly, tinh thần là điều quan trọng nhất. Alessandro có một cuộc sống rất năng động, bản thân anh cũng là một người quảng giao. 

Ngoài thời gian luyện tập và thi đấu cho Reggiana, anh còn theo học khóa giáo dục thể chất và khoa học thể thao ở trường đại học. Với một người luôn thấy eo hẹp thời gian trong việc sắp xếp một ngày đầy kế hoạch, việc suốt ngày quanh quẩn trong căn phòng vài mét vuông chẳng khác nào cực hình.

Nhưng Alessandro không cô đơn. Mỗi ngày anh nhận hàng ngàn tin nhắn và hàng chục cuộc gọi từ huấn luyện viên, đồng đội, bạn bè và người hâm mộ. “Mọi người đều rất quan tâm và lo lắng cho tôi, điều đó đã giúp tinh thần của tôi khá hơn rất nhiều. Nếu có một mặt tốt nào đó của đại dịch COVID-19, đó chính là việc nó giúp cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của những người xung quanh” – Alessandro chia sẻ.

Alessandro, với tư cách là một cầu thủ bóng đá, cũng cho rằng Liên đoàn bóng đá Italia đã quá chậm trễ trong việc hoãn các giải đấu. Từ giữa tháng 2, một số trận đấu đã bị hủy. Đến ngày 3-3, phán quyết các trận đấu phải diễn ra trong sân không khán giả mới được đưa ra. 1 tuần sau đó, ngày 10-3, các giải đấu chính thức bị hoãn.

Alessandro tin rằng việc chơi trong các SVĐ không khán giả cũng không đủ an toàn. “Các cầu thủ hoàn toàn có thể lây nhiễm cho nhau và mang virus về gia đình của mình. Các giải đấu có thể hoãn, chúng tôi có thể kết thúc mùa giải muộn hơn vài tháng nhưng sự cẩn trọng phải được đặt lên cao nhất” – cầu thủ của Reggiana khẳng định.

Người Italia đang chống lại COVID-19 bằng tinh thần lạc quan. Trong lệnh phong tỏa, họ vẫn ra ban công để chơi đàn và hát để động viên lẫn nhau. Họ cùng nhau ngợi ca những người đang gồng mình lên để chống lại thứ virus chết người như các bác sĩ, y tá, cảnh sát, quân đội hay lực lượng tình nguyện viên. Giống như điều mà Alessandro đã nói, hoàn cảnh hiện tại chính là thời điểm mà tình người được thể hiện một cách rõ nhất.

Italia có thể có hơn 200.000 ca nhiễm COVID-19 giữa tháng 4

Italy sẽ có 210.000 ca dương tính với COVID-19 vào trung tuần tháng 4, nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết. Nhóm nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tỷ lệ lây nhiễm tại đất nước hình chiếc ủng có thể còn tăng cao hơn sau thời điểm đó nếu nước này không tăng cường các biện pháp kiểm dịch hoặc tiếp tục bỏ bê bệnh nhân và những người nghi nhiễm virus.

Italia đã có nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn COVID-19 như áp lệnh cấm đi lại trong nước từ tối 22/3. Quân đội nước này cũng triển khai binh sĩ hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa tại vùng Lombardy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19.

Tỷ lệ tử vong ở Italia khoảng 9,5%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu do đây là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất châu Âu. Sự quá tải ở các bệnh viện vì số ca nhiễm tăng quá nhanh cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong cao.

Tới ngày 24/3, tổng số ca dương tính với COVID-19 tại Italy là 63.927 ca và 6.077 ca tử vong.

Đơn Ca
.
.
.