Hành trình tới Olympic 2016 (Bài cuối) :

Hành trình tới Olympic 2016: Cú ra tay thay đổi cả số phận

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:26
Những cái tên như Vũ Thị Hằng (vật), Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm), Phạm Thị Huệ (đua thuyền rowing) với giới vận động viên là người không mới. Thế nhưng, với người hâm mộ, họ lại là những cái tên quá mới mẻ. Càng đáng nói hơn, các nữ tuyển thủ trên đã đạt suất chính thức Olympic 2016 thay đổi cả cuộc đời thể thao của mình...



Con gái Việt Lập, Tân Yên

Nếu đàn chị Nguyễn Thị Lụa vẫn đứng ở hạng 48kg nữ, chắc Vũ Thị Hằng không có ngày giành vé Olympic 2016 như hôm nay. Việc Lụa đôn cân lên đánh hạng 51kg cũng là chiến thuật mà đội vật nữ quốc gia muốn tập trung thêm một mũi nhọn khác có chuyên môn tốt là Vũ Thị Hằng.

Giây phút đôi tay rắn chắc luồn qua lưng đối thủ để bẻ quặt ghi điểm và chiến thắng trước Sim Hyang So (CHDCND Triều Tiên) tại bán kết 48kg ở cuộc đấu vòng loại Olympic môn vật khu vực châu Á (diễn ra tại Kazakhstan giữa tháng 3) là lúc Vũ Thị Hằng sung sướng nhất. Bởi lẽ, sau chiến thắng ấy, Hằng vào chung kết hạng cân đồng nghĩa, cô giành được một suất chính thức dự Olympic 2016.

Tin tức từ Kazakhstan lúc đó tới tấp truyền về Việt Nam. Ai cũng mừng khôn tả, nhất là người thân và các thầy của Hằng tại Bắc Giang. Đấy là những người sớm mang lại niềm đam mê môn vật cho cô gái trẻ này từ thuở ban đầu. Hằng giờ thuộc đội vật Hà Nội. 

Thế nhưng, hàng xóm ở Việt Lập, Tân Yên (Bắc Giang) ai ai đều háo hức chia vui vì con bé Hằng nhà ông Vũ Văn Tuyến (bố cô) làm điều không tưởng là được dự Olympic. Ngót nghét Hằng đã có tám năm ăn, tập tại Hà Nội.

Các HLV của vật Bắc Giang từng chia sẻ, Vũ Thị Hằng lên tập ở đơn vị mới là cơ hội tốt để phát triển năng lực. Quả thật, Hằng làm được với suất Olympic 2016. Cái chất rắn rỏi của con gái vùng núi cao ở Hằng kể như mạnh khỏe hơn những bạn cùng trang lứa tại các địa phương khác. Năm 2007, ngay khi tiếp cận được nữ đô vật này, các HLV Đới Đăng Hỷ và Trần Văn Sơn của vật Hà Nội tức tốc mời cô về đầu quân.

Phát triển một tài năng, nếu địa phương đủ đầy điều kiện phù hợp, Hằng đến với nơi mới cũng hợp lẽ. Vật nữ vẫn là “đặc sản” riêng của đội tuyển vật Việt Nam trước các đối thủ ở khu vực và châu lục. Cú ra tay chính xác đã là bước ngoặt cho Hằng. Cô đã không còn là một tuyển thủ bình thường mà đứng trong hàng ngũ những người dự Olympic. Về điểm này, từ trước đến nay, Hằng mới là tuyển thủ thứ hai sau Nguyễn Thị Lụa (cũng của Hà Nội) giành được suất trực tiếp dự Olympic qua thi đấu vòng loại.

VĐV Vũ Thị Hằng.

Những bà mẹ quả cảm

Bản thân Nguyễn Thị Như Hoa không nghĩ mình sẽ giành được suất Olympic 2016. Cô tâm sự, tấm vé đi Brazil thi đấu chính thức Olympic 2016 là một may mắn. Ai cũng thấy, kiếm thủ người Hà Nội đã có sự thăng hoa không tưởng mang về thành tích lịch sử. 

Ngày trở về từ Trung Quốc (nơi thi đấu vòng loại Olympic môn đấu kiếm), đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), Hoa chỉ kịp chia sẻ: “Em quá bất ngờ, hạnh phúc và giờ chưa biết nói gì hơn”. 

Sau sự vội vàng ấy, cô nhanh chóng trở về với gia đình nơi có con nhỏ đang chờ cô sau những ngày xa nhà miệt mài. Chuyện không ai muốn nhắc tới là vợ chồng Như Hoa không được suôn sẻ về tình duyên. Vì thế, lúc này, tay kiếm của Hà Nội đang sống cùng mẹ mình.

Trong làng kiếm, Như Hoa không phải nhân tố mới. 13 năm trước, cô đã đứng trong đội hình tuyển Việt Nam thi đấu SEA Games 22-2003 trên sân nhà. 13 năm sau, kiếm thủ của nội dung kiếm ba cạnh (một trong những nội dung mà tuyển thủ nữ Việt Nam chưa một lần đạt kết quả cao ở châu Á) đã đưa mình nằm trong một phần của lịch sử phát triển môn thể thao trên tại Việt Nam.

Phạm Thị Huệ mới ở tuổi 26. Gương mặt của cô trông đã sạm nắng vì dạn dày của nghề nghiệp là tuyển thủ đua thuyền rowing. Đôi tay rắn chắc mạnh mẽ của tay chèo người gốc Quảng Bình này đã đưa chiếc thuyền đơn nữ hạng nặng do cô điều khiển về hạng 4 chung kết, giành suất chính thức dự Olympic 2016. Giây phút thăng hoa ấy, bạn bè cho biết cô đã rơi lệ. 

Trong lần đầu giành suất Olympic 2016 tự hào như vậy, Huệ bảo gia đình và con nhỏ là động lực giúp cô chiến thắng trong gian khó. Con gái (tên Ánh Dương) của Huệ mới 4 tuổi. Hai mẹ con gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay vì Huệ thường xa nhà tập huấn tại miền Bắc. 

Sau SEA Games 2011, Huệ đã nói lời chia tay đường đua bởi khi đã là một người mẹ, cô muốn có cuộc sống tĩnh lặng hơn. Thế nhưng, cái nghiệp của vận động viên đua thuyền chưa thể khiến Huệ dứt tình. Cô lại trở lại tập luyện, thi đấu. 

Như Hoa, Phạm Thị Huệ cùng một điểm chung đó là phải gồng mình vì sự nghiệp để xa gia đình. Vì thế, những suất Olympic 2016 là phần thưởng xứng đáng dành cho sự hy sinh ấy của họ.

Bổ sung thêm vận động viên nhận chế độ cao

Tổng cục TDTT đã bổ sung thêm vận động viên vào danh sách các vận động viên xuất sắc nhận chế độ ưu đãi của ngành (hưởng 400 nghìn đồng/người/ngày về tiền ăn và 400 nghìn đồng/người/ngày về tiền công).

Trong sự bổ sung trên, Nguyễn Thị Như Hoa là một trong những người mới nhận chế độ. Điều này hoàn toàn phù hợp. Thể thao Việt Nam tiếp tục có những sự đầu tư (trong khả năng có thể) dành cho các vận động viên tốt nhất. Đặc biệt, nếu vận động viên là những người đã giành suất Olympic 2016, sự đầu tư luôn ưu tiên.

Trong đầu năm 2016, danh sách các vận động viên mà ngành thể thao quy hoạch để nhận chế độ trên gồm 48 người. Bây giờ, con số đã trên 50 cá nhân (tùy theo sự đề xuất của từng môn rồi Tổng cục TDTT ra quyết định đưa vào danh sách).

DP

Diệu Phương
.
.
.