Loay hoay chuyện sống chung với “kinh tế vỉa hè”

Để người bộ hành có lối đi (bài cuối)

Thứ Bảy, 09/04/2016, 10:08
Để có thể dung hòa giữa ngành kinh tế vỉa hè với việc giải quyết dứt điểm thực trạng người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xem ra vẫn còn là câu chuyện nan giải.

 

Trước đây, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè vào việc trông giữ xe cho khách, khi cấp giấy phép kinh doanh một số sở và quận nội thành đã yêu cầu chủ kinh doanh phải có mặt bằng để trông giữ xe cho khách.

Việc này không chỉ làm xuất hiện tình trạng địa phương đứng ra cho thuê vỉa hè để thu phí, mà còn vô tình khuyến khích nơi trả tiền thuê vỉa hè có điều kiện lấn chiếm thêm. Tuy vậy, cách làm này cũng chỉ áp dụng được với những cơ sở kinh doanh có quy mô lớn như nhà hàng, cửa hàng cửa hiệu, quán bar, cà phê...

Một nhà hàng để xe máy tràn xuống cả lòng đường lúc đông khách.

Những cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ tự phát khác cũng đua theo, kiểu vỉa hè nhà bên cạnh lấn chiếm được mình cũng chiếm dụng được. Ở những đoạn vỉa được chính quyền địa phương kẻ vạch phân định phần được buôn bán, phần dành cho người đi bộ, chỉ cần phía ngoài khách để một chiếc xe, phía trong người bán bày hàng hóa dụng cụ là người đi bộ cũng chỉ còn cách tránh ngay xuống lòng đường.

Thực tế, ở những căn hộ mặt tiền đường, nơi hộ dân tự mở cửa hàng cửa hiệu buôn bán, mở quán hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chỗ… hiếm khi có người bán hàng rong, người chiếm chỗ kinh doanh cố định trên vỉa hè nào dám ngang nhiên đến bày bán hàng hóa, thực phẩm phía trước. Như vậy, việc lấn chiếm lòng lề đường xảy ra chỉ còn do chủ các cửa hàng kinh doanh mặt tiền tự ý lấn chiếm.

Để chấm dứt tình trạng người dân kinh doanh tại chỗ lấn chiếm vỉa hè làm nơi bày bán hàng hóa hoặc trông giữ xe cho khách, ông Bùi Minh, một cán bộ hưu trí ở quận Gò Vấp chia sẻ kinh nghiệm: chỉ buộc chủ kinh doanh cam kết không thôi là chưa đủ. Ở những nơi đã có hệ thống camera quan sát ven đường, phát hiện cửa hàng, hộ kinh doanh nào ở mặt tiền đường lấn chiếm vỉa hè, lực lượng giữ gìn trật tự đô thị chỉ cần gọi điện trực tiếp xuống cơ sở đó nhắc nhở ngay. Còn những nơi cố tình vi phạm, chỉ cần tạm giữ xe máy của khách, đưa về xử phạt vài lần, cửa hàng kinh doanh sợ mất khách phải dẹp tiệm sẽ tự động chấp hành.

Từ lâu ngành thuế thành phố cũng đã xác định trên địa bàn còn khoảng 50 ngàn điểm kinh doanh cá thể, tự phát chưa thể đưa vào diện kiểm soát thuế. Hàng chục ngàn người bán hàng rong, hoặc chiếm vỉa hè để kinh doanh cố định, vì  mưu sinh, phải bất chấp việc ngăn cấm để bám vỉa hè trong thời gian dài, họ cũng đã kịp tích lũy kinh nghiệm: hễ khi có lực lượng kiểm tra xuất hiện, những người bán buôn lấn chiếm vỉa hè hò hét, báo hiệu cho nhau chạy nháo nhác như ong vỡ tổ càng làm bộ mặt văn minh của đô thị thêm xấu.

Cán bộ có trách nhiệm thực thi việc giữ gìn trật tự lòng lề đường nhiều lúc, nhiều nơi không kiềm chế đã lao vào co kéo, hất đổ bàn ghế, giành giật dụng cụ bán buôn của người nghèo khó rồi quẳng lên xe còn gây bức xúc cả cho những người đi đường, tạo nên một hình ảnh phản cảm khác.

Với người dân, hễ cứ có nhu cầu là lập tức dừng xe ngay dưới lòng đường để mua bán mặc kệ nguy hiểm rình rập tứ phía. Chia sẻ kinh nghiệm, một người dân từng bị giật mất bóp tiền và giấy tờ khi dừng xe dưới lòng đường để mua cà phê cho rằng, muốn mua gì cứ móc sẵn tiền từ trước và chạy hẳn xe lên vỉa hè cho chắc ăn.

Bà Liên, chủ xe thuốc lá trên đường Trường Chinh than vãn, đứng sát lòng đường để người mua tiện dừng lại, nhưng cứ phải mắt trước mắt sau lo tránh bị xe máy, ôtô chạy ào ào ngoài đường lạc tay lái, “phi” thẳng vào người.   

Từ ngày 29-3 vừa qua quận 1, TP Hồ Chí Minh đã chính thức cho phép thí điểm việc sử dụng phân nửa đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Chiêm dài vài trăm mét và khu vực trong Công viên Cảng Bạch Đằng để làm nơi buôn bán tập trung. Đối tượng được đưa vào buôn bán ở đây là những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, khi buôn bán ở khu vực được quận quy hoạch, các hộ kinh doanh được hỗ trợ từ nước, xử lý rác đến kỹ năng buôn bán...

Phải có quy hoạch mới có thể chấn chỉnh và kiểm soát việc bán hàng rong, tránh gây cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh. Các quầy hàng phải có cấu trúc đồng bộ, niêm yết giá, có nơi để xe 2 bánh, thùng rác, bán hàng xong phải tự dọn dẹp vệ sinh khu vực.

Ngoài ra sẽ có cơ chế quản lý, giám sát về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quầy nào vi phạm sẽ không được cho tham gia buôn bán. Như vậy mới có thể thu hút được cả khách du lịch vì món ăn ngon, vệ sinh, giá cả bình dân. Việc thí điểm trên sẽ được quận 1 thực hiện trong vòng 1 tháng, sau đó sẽ xem xét nhân rộng ra những địa bàn khác nhưng cũng chỉ ưu tiên cho hộ dân sinh sống tại chỗ.

Như vậy, đối tượng đông đảo người nhập cư buôn bán hàng rong đang thuê trọ ở các quận ven vẫn sẽ bị gạt ra ngoài sự hỗ trợ này. Do đó, thành phố vẫn cần phải tính thêm những cách làm khác. Một người dân muốn xin vào khu vực buôn bán tập trung trên vỉa hè của quận 1 sau khi tìm hiểu đã đắn đo rằng, thời gian cho phép bán buôn chỉ bó hẹp từ 6-8 giờ sáng và 11-13 giờ trưa chỉ thích hợp với người bán đồ ăn sáng, ăn trưa; khó thích hợp với người bán cà phê, nước ngọt…

Theo TS Dư Phước Tân, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, sự tồn tại của khu vực kinh tế vỉa hè là khó tránh khỏi. Lý do đơn giản đây là nơi cứu tinh của những người nghèo, người dân nhập cư và lao động tại chỗ. Thu nhập đã thấp, phần đông những người không có chỗ cố định, chỉ buôn bán lưu động trên vỉa hè lại thường xuyên chịu áp lực bị đẩy đuổi, giải tán đều có nguyện vọng chuyển đổi nghề, tìm việc làm mới.

Nhưng trước xu thế lao động nhập cư vào thành phố vẫn gia tăng, chính quyền thành phố cũng khó có thể ôm hết việc hỗ trợ với người bán hàng rong nhập cư này. Còn để thu hút hết những người buôn bán trên vỉa hè vào các khu vực ăn uống tập trung riêng biệt, đòi hỏi thành phố phải bố trí được những khu vực có diện tích lớn trong nội thành.

Do vậy, để có thể dung hòa giữa ngành kinh tế vỉa hè với việc giải quyết dứt điểm thực trạng người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xem ra vẫn còn là câu chuyện nan giải.

Ở khía cạnh pháp luật, việc chính quyền cho phép người dân kinh doanh trên vỉa hè cũng lại càng vướng hơn. LS Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư thành phố chỉ cho rằng: Luật Giao thông đường bộ quy định “Lòng lề đường, vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân”, việc chính quyền có đứng ra cho phép buôn bán hàng rong cũng không ngoại lệ, nói cách khác là trái luật. (PV)

Đức Thắng
.
.
.