Thức ăn đường phố mặc ai nấy bán

Thứ Bảy, 02/04/2011, 11:10
Cứ cuối giờ chiều, một đoạn phố ở khu vực 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) là dãy hàng ăn vỉa hè. Từ bánh đa cua, bún ốc, bún đậu mắm tôm… đủ loại bày bán ngay vỉa hè. Tất cả thực phẩm ở đây đều để trên một cái mẹt hoặc đựng trong làn, rau để trong túi nilon vứt luôn dưới đất, đều không che đậy, người ngồi ăn uống xì xụp dưới nền đường trông rất nhếch nhác...

Sau một thời gian chấn chỉnh công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay nhiều loại hình thức ăn đường phố vẫn còn bị thả nổi. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại khi mùa hè đang tới gần. Bộ Y tế vừa tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2006-2010, trong đó 5 năm qua nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có xu hướng thay đổi từ giảm ngộ độc do vi sinh sang tăng ngộ độc do hoá chất, độc tố tự nhiên.

Thức ăn đường phố mặc ai nấy bán

Cứ vào cuối giờ chiều, một đoạn phố ở khu vực 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một dãy hàng ăn vỉa hè. Từ bánh đa cua, bún ốc, bún đậu mắm tôm… đủ loại bày bán ngay dưới đất. Tất cả thực phẩm ở đây đều để trên một cái mẹt hoặc đựng trong làn, rau để trong túi nilon vứt luôn dưới đất, đều không che đậy, người ngồi ăn uống xì xụp dưới nền đường trông rất nhếch nhác ở một khu phố vốn văn minh. Đây là hình ảnh dễ bắt gặp nhất của loại hình thức ăn đường phố đang tồn tại ở Hà Nội.

Nhiều hàng ăn nhanh, hàng ăn di động chỉ bán chớp nhoáng giờ sáng, trưa đều chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vỉa hè đường Triệu Quốc Đạt vào giờ trưa biến thành vỉa hè ăn uống, tuy đã được phản ánh nhiều nhưng tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngày nào cũng diễn ra. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của phường sở tại còn rất mờ nhạt, vẫn để thức ăn đường phố vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm kéo dài.

Cơm bụi vỉa hè vẫn bán tràn lan.

Trở lại phường Hàng Bông, nơi được TP chọn làm thí điểm mô hình thức ăn đường  phố, chúng tôi vẫn thấy nhiều chủ hàng vi phạm. Mặc dù UBND phường Hàng Bông và Trạm Y tế cho biết, họ vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh nhưng vi phạm vẫn kéo dài. Theo giải thích thì khi không có lực lượng kiểm tra, một số hộ kinh doanh lại tái phạm.

Chị Nguyễn Phương Thuỳ, trông người nhà ốm ở Bệnh viện Việt - Đức cho biết: "Nhìn thấy bụi bẩn bay vào thức ăn không che đậy tôi không dám ăn. Hơn nữa nguồn thực phẩm kinh doanh ở vỉa hè liệu có đảm bảo hay không?". Theo tiêu chí của thức ăn đường phố thì mỗi hộ kinh doanh phải cung cấp được nguồn gốc thực phẩm. Nhưng với hàng quán vỉa hè, hàng ăn rong hiện nay, việc cung cấp nguồn gốc thực phẩm là điều… xa vời.

Cần sớm có hệ thống cảnh báo nhanh

Thức ăn đường phố vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM bởi nhu cầu sử dụng loại hình này rất lớn. Công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố cần được quan tâm đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì theo phân cấp trách nhiệm, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn mình quản lý. Bên cạnh nhiều địa phương đã làm tốt công tác quản lý, kiểm tra xử phạt thì vẫn còn một số nơi chưa làm tốt công tác này. Kinh doanh thực phẩm văn minh, đảm bảo các tiêu chí của thức ăn đường phố sẽ giúp cho người tiêu dùng tin tưởng, nhưng đáng tiếc là nhiều hộ kinh doanh còn coi thường tính mạng của người tiêu dùng.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong 5 năm (từ 2005-2010) nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có xu hướng thay đổi từ giảm ngộ độc do vi sinh sang tăng ngộ độc do hoá chất, độc tố tự nhiên. 

Chúng ta đang chuẩn bị phát động Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011, làm thế nào để nội dung thực hiện được tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn là điều quan trọng. Đồng thời cũng phải nâng cao nhận thức và cảnh báo cho người tiêu dùng trong việc chọn lựa thức ăn đường phố.

Trong năm 2011, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tập trung kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đông người. Đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp cam kết với địa phương về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cần phải có một hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ để tập hợp thông tin từ nhiều nguồn nhằm đưa thông tin về thực phẩm mất an toàn ra hệ thống cảnh báo.

Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng "Đề án hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, sẽ ưu tiên vấn đề nào đang thường xuyên gây nguy hại nhất với thực phẩm sẽ được phân tích nguy cơ và đưa vào hệ thống cảnh báo trước.

Ngoài ra, công tác kiểm tra đầu vào cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… cần được các địa phương tiến hành thường xuyên, đừng để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể hay bệnh tiêu chảy cấp mới vào cuộc

Trần Hằng
.
.
.