Đề xuất xe hợp đồng phải đón, trả khách tại bến:

Cần tính toán kỹ, đảm bảo quyền lợi cho người dân

Chủ Nhật, 03/12/2023, 08:15

Câu chuyện “xe dù, bến cóc” không chỉ diễn ra ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vào mỗi dịp chuẩn bị lễ, tết, các cơ quan chức năng lại tăng cường xử lý. Nhưng sau mỗi đợt ra quân, khi vắng mặt lực lượng chức năng, tình trạng vi phạm lại diễn ra. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, một lần nữa Cục Đường bộ Việt Nam lại đưa ra đề xuất bắt buộc xe hợp đồng phải vào bến đón trả khách.

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách, trong đó, tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Có khoảng 1/4 trong số này, tương đương khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định.

ben xe 10.jpeg -0
Xe chạy tuyến cố định đón khách trong bến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 78 điểm bến cóc, lợi dụng văn phòng đón trả khách. Lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra nhưng không thể xử lý dứt điểm. Khẳng định xe hợp đồng vào bến sẽ giảm được tình trạng xe dù bến cóc, ông Tuyển cho rằng, trường hợp xe vào bến khiến công suất bến quá tải, thành phố có thể nghiên cứu cho phép các bến tạm.

Trước “căn bệnh nan y” chưa tìm được thuốc chữa dứt điểm, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hoạt động vận tải khách phải hoạt động đúng bản chất hợp đồng. Xe hợp đồng trá hình phải vào bến và được đón trả khách tại các điểm do Nhà nước quy định. Tại các đô thị thuộc tỉnh có thể cho phép đón tại nhà vì khó xảy ra ùn tắc.

Lý giải thêm, ông Đỗ Công Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, đối với xe hợp đồng và du lịch, Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 theo hướng: Tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng. Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh công bố. Bên cạnh đó, việc bổ sung sửa đổi Nghị định 10 lần này cũng sẽ lượng hóa cụ thể để thuận tiện cho việc xử lý vi phạm bằng quy định: Xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện. Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.

Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) nhìn nhận, hiện rất khó đánh giá được các bến xe trên địa bàn Hà Nội có đủ công suất cho xe ra vào bến hay không. Công suất bến phụ thuộc vào việc bố trí tần suất xe. Đối với các tuyến ngắn, công suất bến rất lớn với hàng nghìn lượt xe/ngày. Với các tuyến dài, lượng xe ít, công suất sẽ thấp hơn. Dù chưa đánh giá được đầy đủ các yếu tố nhưng vẫn cần mạnh dạn thực hiện. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, đối tượng khách đi xe hợp đồng rất đa dạng, ngoài khách lẻ đi xe hợp đồng trá hình, còn có số lượng lớn người có nhu cầu hợp đồng thật, thuê trọn chuyến để đi đám cưới, đám hỏi, đi du lịch. "Việc bắt buộc xe hợp đồng phải vào bến cần được xem xét kỹ", ông Quyền nói.

Được biết, thời gian qua Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý  nhiều  trường hợp xe hợp đồng hoạt động trái quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị lực lượng chức năng các địa phương khác thu giữ hết các giấy tờ liên quan (do đã vi phạm ở các địa phương khác) nên khi đơn vị xử lý cũng gặp khó khăn. Đối với danh sách hành khách theo hợp đồng vận chuyển, đơn vị đã xác minh và gửi thông báo đến công ty chủ quản nhà xe.

Tuy nhiên, có trường hợp CSGT phải đến trụ sở công ty quản lý trong khi nhiều đơn vị ở tỉnh xa, đi lại khá vất vả. Vị này cũng cho rằng, việc quản lý chặt vấn đề xe hợp đồng trá hình để ngăn tình trạng xe dù, bến cóc là rất quan trọng. Tuy nhiên cũng nên tính phương án làm sao thuận lợi cho người dân mà vẫn quản lý được hoạt động của các phương tiện. Nếu yêu cầu một số xe hợp đồng vào bến đón khách thì cũng không khác gì xe tuyến cố định. Người dân muốn ra bến lại phải dùng phương tiện khác để di chuyển, như thế sẽ không thuận lợi.

Nên chăng, cơ quan chức năng cần tính cách quản lý chặt việc cấp phép kinh doanh từ đầu, đồng thời quản lý chặt việc đón trả khách thông qua việc gửi thông báo danh sách khách trước khi xe xuất phát về cho Sở GTVT hai đầu (điểm đi và điểm đến).

Đặng Nhật
.
.
.