Xử nghiêm người đứng đầu gây mất an toàn giao thông đường sắt

Thứ Tư, 30/05/2018, 09:34
Chiều muộn ngày 28-5, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức cuộc họp để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày qua.

Liên quan đến 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra liên tiếp trong những ngày qua, trong thông cáo báo chí vừa phát ra chiều 28-5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vụ TNGT đường sắt nói trên; xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các đơn vị để xảy ra mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt do nguyên nhân chủ quan.

Trong thông cáo Bộ GTVT cho biết, về nguyên nhân khách quan, Bộ GTVT cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập, giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều, đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. 

Bên cạnh đó, hiện nay quá nhiều phương tiện có niên hạn sử dụng từ những năm 1960 - 1970 vẫn đang khai thác trên đường sắt; nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp. 

Cùng đó là ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, tồn tại nhiều lối đi tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời. 

Nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan... 

Về nguyên nhân chủ quan, theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn đường sắt; vẫn còn một số đơn vị đường sắt chưa chủ động tích cực trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt về đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt. 

Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường.

Hai tàu hàng đâm nhau ở Quảng Nam.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức phân tích để tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra vụ tai nạn nói trên; đồng thời kiểm tra, rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có liên quan nhằm đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những vụ tai nạn tương tự trên các tuyến đường sắt và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành. 

Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT đường sắt trong thời gian tới. Chiều muộn ngày 28-5, Bộ GTVT tiếp tục  tổ chức cuộc họp để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Sáng 28-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cùng lãnh đạo ngành Đường sắt kiểm tra hiện trường xảy ra vụ tai nạn hai tàu hàng 2469 và tàu ASY2 tông nhau chiều 26-5 và công tác cứu hộ, khắc phục sự cố...
Tại hiện trường, Bộ trưởng truy vấn: “Trước nay không có những tai nạn trong ga như thế. Tôi có cảm giác vụ tai nạn như ở chỗ không có ca trực. Ga báo cáo thao tác đầy đủ, nhưng tại sao không phát hiện tàu hàng nằm chờ vẫn nổ máy. Ai cho anh nổ máy khi buộc ngưng chuyển động? Phải xác định rõ trách nhiệm của ca trực, các đơn vị chức năng trong ngành, không đổ lỗi. Ga phải chủ động kiểm tra nội bộ, phối hợp cơ quan điều tra để làm rõ".
Theo Bộ trưởng, vụ tai nạn xảy ra giữa hai tàu hàng nên may mắn không gây thiệt hại về người. Nếu xảy ra ở tàu khách thì chắc chắn hậu quả nghiêm trọng, nặng nề. Theo Bộ trưởng, mới đây lãnh đạo Bộ GTVT đã họp yêu cầu rà soát toàn bộ từ hạ tầng đến quy chế, công tác phối hợp để tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo ATGT…
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đã liên tiếp xảy ra những vụ TNGT đường sắt. Trong đó, vụ 2 tàu hàng tông nhau ở Núi Thành là nghiêm trọng, dù không có thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước, uy tín của ngành.
Đây là trách nhiệm của ngành Đường sắt. “Những vụ tai nạn ở các vị trí đường gom dân sinh còn có thể do hạ tầng, hệ thống tín hiệu chưa đồng bộ, hay do lỗi người điều khiển ôtô, băng qua đường…
Còn ở ga Núi Thành là trong nội bộ ga, có đầy đủ các kíp trực. Rõ ràng đây là lỗi do con người, do điều hành, quản lý của ngành, cần làm rõ, truy trách nhiệm và xử lý nghiêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Huyền Hương
.
.
.