Xử lý tận gốc xe quá khổ, quá tải lộng hành ở Tây Nguyên

Chủ Nhật, 30/04/2017, 10:04
Thượng tá Lê Phúc Điền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay để xử lý xe quá tải, quá khổ một cách triệt để là phải xử lý tận gốc...

Thiếu cơ chế phối hợp, xe quá tải lộng hành

Để làm rõ nguyên nhân khiến xe quá khổ, quá tải bùng phát hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua, PV Báo CAND đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai thì được ông Quế cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng xe chở gỗ quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến QL14C và 19B là có thật.

“Sở dĩ tình trạng xe quá khổ, quá tải xuất hiện là do vào cuối năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai cho phép 20 doanh nghiệp của tỉnh nhập khẩu hơn 300.000 m3 gỗ từ Campuchia về. Tuy nhiên, do UBND tỉnh không thông báo cho Sở GTVT biết việc này nên mới xảy ra tình trạng trên”, ông Quế phân trần.

Theo ông Quế “Ngoài nguyên nhân chủ quan thì một nguyên nhân khách quan khác là do đặc thù địa bàn tỉnh Gia Lai khá rộng, đứng thứ 2 cả nước. Trong khi đó lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh quá mỏng, chỉ có 11 người nên việc kiểm soát tình trạng xe quá khổ, quá tải một cách triệt để trên địa bàn là hết sức khó khăn. Ngoài ra, sau khi lực lượng CSGT rút ra khỏi lực lượng liên ngành thì việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn”, ông Quế cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Phúc Điền, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai cho hay, việc ngừng phối hợp giữa lực CSGT và Thanh tra giao thông tại các trạm cân cũng là nguyên nhân khiến xe quá khổ, quá tải bùng phát thời gian qua.

“Sau khi rút khỏi lực lượng liên ngành, lực lượng CSGT trong khi tuần tra, phát hiện xe có dấu hiệu quá tải nhưng lại không có cân để kiểm chứng hoặc không có bến bãi để hạ tải. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra giao thông xử lý phần gốc nhưng vẫn gặp phải một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe… cố tình vi phạm, thậm chí còn chống đối lại”, Thượng tá Điền cho biết thêm.

Còn theo Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải hoạt động nhộn nhịp trên tuyến QL26 trong thời gian qua là do thời điểm này trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch mía.

“Việc người dân tự thuê xe hoặc các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đưa xe vào tận ruộng mía chất hàng, sau đó mới vận chuyển đi. Do ý thức chấp hành Luật Giao thông của các tài xế, các doanh nghiệp còn hạn chế nên nhiều xe sẵn sàng chất quá tải”, Trung tá Vịnh nói.

Cùng quan điểm, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ khi UBND tỉnh có chỉ đạo về việc không bố trí lực lượng CSGT tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, hoạt động tại Trạm kiểm soát tải trọng lưu động bị hạn chế do thiếu lực lượng phối hợp. Tình hình xe chở hàng quá tải đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ngoài những nguyên nhân trên thì tại một số địa phương, việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông chưa thống nhất, còn chồng chéo, có nơi thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, “không loại trừ có cả biểu hiện tiêu cực”, ông Hiệp bổ sung.

Lực lượng CSGT các tỉnh Tây Nguyên tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ.

Cần nhiều biện pháp để xử lý vi phạm

Theo Thượng tá Lê Phúc Điền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay để xử lý xe quá tải, quá khổ một cách triệt để là phải xử lý tận gốc. “Ngoài việc lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý trên các tuyến đường thì lực lượng GTVT phải tăng cường kiểm tra việc ký cam kết không chở hàng quá tải trọng của các đơn vị, chủ doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng phương tiện, về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát như kho, cảng, bến, bãi… nhằm ngăn chặn kịp thời các xế ôtô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên đường”, Thượng tá Điền cho hay.

Thượng tá Cù Tuấn Nghĩa, Phó phòng CSGT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động trên tuyến QL20, đơn vị cũng vừa có kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, siết chặt việc giám sát các xe có dấu hiệu chở quá tải, đồng thời kiên quyết tước GPLX đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Phòng CSGT tỉnh Lâm Đồng cũng vừa làm việc với các xã có xe quá tải thường chạy vào để “lách” lực lượng thực thi nhiệm vụ bằng cách lập chốt chặn, không cho xe tải chạy tuyến đường dài đi vào đường này.

Trong khi đó, theo ông Trương Hữu Hiệp, để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải trọng đang có chiều hướng gia tăng trên tuyến QL20, trong lúc chờ UBND tỉnh thống nhất mô hình hoạt động tại trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên QL này cho phù hợp với tình hình thực tế, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về tải trọng.

“Đặc biệt, Sở cũng đã chỉ đạo siết chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đẩy mạnh tập huấn đối với đội ngũ lái xe tải, các doanh nghiệp, chủ xe… trong việc tuân thủ chở đúng tải trọng cho phép nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng xe quá tải trên tuyến quốc lộ này”, ông Hiệp thông tin thêm.

Còn theo ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, việc tuần tra, kiểm soát theo lịch cố định như hiện nay không còn mang lại hiệu quả vì mỗi khi tổ chức kiểm tra rất ít xe quá khổ, quá tải hoạt động. Lái xe thường lợi dụng ngoài giờ hành chính để hoạt động.

“Vì vậy, sắp tới, đơn vị sẽ áp dụng tuần tra, kiểm soát theo hướng kiểm tra đột xuất, lập thêm nhiều tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, bố trí lực lượng mật phục ghi hình để xử phạt”, ông Thủ cho hay. 

Theo số liệu thống kê, trong quý I-2017, chỉ tính riêng lực lượng CSGT 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm 510 trường hợp xe quá khổ, quá tải; tước GPLX 175 trường hợp từ 2 đến 4 tháng đối với những tài xế vi phạm về tải trọng; tổng số tiền xử phạt gần 3 tỷ đồng. 
Nhóm PV
.
.
.