Xe quá khổ, quá tải lộng hành ở Tây Nguyên

Thứ Bảy, 29/04/2017, 09:52
Tại Tây Nguyên, xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lộng hành, gây mất an toàn giao thông (ATGT), các tuyến đường nhanh chóng xuống cấp…

Sau hơn 5 năm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải, đến nay tình trạng vi phạm về tải trọng phương tiện xe ôtô trên cả nước đã dần được kiểm soát, giảm đến hơn 92% so với trước đó.

Tuy nhiên, tại Tây Nguyên, xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lộng hành, gây mất an toàn giao thông (ATGT), các tuyến đường nhanh chóng xuống cấp…

Những ngày tháng 4-2017, qua phản ánh của người dân tại huyện Đức Cơ và Chư Prông (tỉnh Gia Lai) về tình trạng xe quá khổ, quá tải ngang nhiên chở gỗ lộng hành trên các tuyến QL14C và 19B cả ngày lẫn đêm, phóng viên Báo CAND đã có chuyến tìm hiểu thực tế nơi đây để ghi nhận.

Có mặt trên tuyến QL14C, đoạn qua địa bàn huyện Đức Cơ, chúng tôi đã ghi nhận hàng chục xe chở gỗ nối đuôi nhau hướng từ biên giới đổ về. Qua quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết số xe này đều chở vượt tải trọng cho phép.

Một số người dân sinh sống ven đường cho biết, khoảng từ đầu năm 2017 đến nay, đoàn xe này liên tục hoạt động cả ngày lẫn đêm với cường độ dày đặc.

“Mỗi khi đoàn xe di chuyển, hầu như các loại phương tiện lưu thông trên đường đều phải né tránh. Xe chở gỗ thì cồng kềnh, nhiều xe chở thừa ra cả phía sau hàng mét, vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Văn Hải, một người dân sống ven QL bức xúc nói.

Cũng tại địa bàn tỉnh Gia Lai, trên tuyến QL19 (đoạn qua huyện Đắk Pơ và thị xã An Khê); QL25 (đoạn qua huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa), xe chở mía quá tải cũng nườm nượp hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm.

Chiều 19-4, để ghi nhận thực tế, PV bám theo 2 xe chở mía chất cao ngất ngưởng mang BKS 81C-100.01 và 48C-016.30 lưu thông từ thị xã An Khê về Nhà máy Đường Kon Tum. Khi đi đến địa bàn huyện Mang Yang, phát hiện phía trước có tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, hai xe mía này liền tấp vào ven đường để nghe ngóng tình hình.

“Do xe chở quá tải nên chúng tôi phải né trạm kiểm tra. Đợi khi nào họ (lực lượng CSGT - PV) thay ca hoặc nghỉ ăn cơm thì tìm cách vượt trạm”, một tài xế cho hay.

Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, những ngày này trên tuyến QL26 đoạn qua địa bàn huyện MĐrắk và Ea Kar, xe chở mía quá tải cũng đang liên tiếp hoạt động khá nhộn nhịp.

Một xe chở gỗ có dấu hiệu vi phạm quá tải vô tư lưu thông trên QL14C.

Ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hầu hết người dân trồng mía khu vực này được Công ty Mía đường Ninh Hòa bao tiêu sản phẩm, đến vụ thu hoạch, công ty mang xe xuống chở mía về, hoặc người dân phải tự thuê xe.

“Chính vì vậy mà tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào vụ thu hoạch. Các xe chở mía quá khổ, quá tải này lưu thông tấp nập ngày đêm khiến cho tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng và gây mất ATGT cho người dân địa phương. Tôi mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm để xe không chở quá khổ, quá tải và gây ảnh hưởng tới người dân xung quanh”, ông Khiêm kiến nghị.

Tại tỉnh Lâm Đồng, trên tuyến QL 20 nối liền giữa TP Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai, tình trạng xe quá khổ, quá tải cũng đang đua nhau ngang nhiên hoạt động khá rầm rộ.

Trưa 21-4, có mặt tại điểm đèo Bảo Lộc, đoạn qua địa bàn thị xã Bảo Lộc, theo ghi nhận của PV, dù là thời điểm giữa trưa nhưng cũng là giờ cao điểm của những chiếc xe chở quá tải, quá khổ hoạt động nhộn nhịp nhất.

Tại ngay chân đèo, những đoàn xe tải, xe ben, xe container đầu kéo… rú ga nối đuôi nhau lên xuống tấp nập. Xe lên đèo cũng như xe xuống đèo, tất cả đều ì ạch, nặng nhọc, nhả khói đen kịt, khét lẹt mùi cao su trong cái nắng nóng gay gắt.

Theo tìm hiểu, sở dĩ xe quá tải, quá khổ đua nhau hoạt động nhộn nhịp vào giữa trưa bởi đây là thời điểm các lực lượng chức năng tranh thủ nghỉ trưa hoặc thay ca.

Tuy nhiên, khi được chúng tôi hỏi làm sao biết được khi nào lực lượng chức năng nghỉ mà cho xe vượt trạm thì tài xế Tuấn cười cho hay: “Chú ngây thơ quá, tất cả xe quá tải, quá khổ qua khu vực này đều phải có “chân rết” cảnh giới báo tin hết. Không làm như vậy làm sao mà vượt trạm kiểm soát được”.

Cũng theo tài xế Tuấn, hầu hết những chiếc xe chở vật liệu xây dựng, cao lanh, hoa quả… từ Bảo Lộc về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều chở quá tải ít nhất từ 50-100%, thậm chí còn nhiều hơn. “Đằng nào cũng mất công chạy, bỏ tiền ra thuê tài xế, xăng dầu, chi phí cầu đường, này nọ… chả chủ nào lại dại mà chạy đúng tải trọng cả!...”, tài xế Tuấn quả quyết.

Cứ thế, mỗi ngày trên tuyến QL20 có hàng trăm xe của các đơn vị vận tải chở đất, cát, rau, bauxite… thay nhau chạy cả ngày lẫn đêm, đặc biệt vào thời điểm giữa trưa và chiều tối.

Hệ quả là tuyến đường này vừa hoàn thành việc cải tạo, mở rộng đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, nhiều đoạn đường đã trong tình trạng bị biến dạng, lồi lõm, in rõ dấu vết bánh xe tải khiến các phương tiện lưu thông qua lại gặp khó khăn, mất ATGT, nhất là xe máy lưu thông qua đây vào buổi tối.

Nhóm PV
.
.
.