Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn góp phần giảm tai nạn giao thông

Thứ Bảy, 04/01/2020, 09:37
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (bắt đầu có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2020 và thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016).

Trong những ngày đầu tiên Nghị định có hiệu lực, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt  Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai các tổ công tác xử phạt theo nghị định mới. Nhiều trường hợp người say xỉn đối phó với các tổ kiểm tra. Các quán nhậu đã tung nhiều chiêu để lôi kéo khách đến quán và “khuyến mãi” phương án có xe đưa về nhà an toàn…

Theo một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực ngay để phù hợp với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cũng như phù hợp với yêu cầu công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.

Chính vì vậy, để việc triển khai thực hiện nghị định này đạt được hiệu quả, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành và đoàn thể, cơ quan truyền thông và các đơn vị nghiệp vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Trong đó Phòng CSGT tổ chức các buổi tập huấn, báo cáo chuyên đề, xây dựng các bài viết, phóng sự tuyên truyền các điểm mới của Nghị định để người dân hiểu.

Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy tại nút giao thông Hàng Cót-Phan Đình Phùng. Ảnh: TTXVN.

Để tăng tính hiệu quả trong công tác xử lý theo nghị định mới, Phòng CSGT đã quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ (CBCS), đặc biệt là lực lượng trực tiếp tuần tra kiểm soát xử lý trên đường phố để nắm vững và thực hiện đúng quy định. Khi xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các tổ công tác phải giải thích rõ cho người vi phạm biết rõ mức xử phạt theo Nghị định mới để người dân rút kinh nghiệm và không tái phạm.

Tối 2-1, tổ công tác thuộc Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn chốt chặn tại ngã tư Phạm Văn Đồng – Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Tại khu vực này có rất nhiều nhà hàng, quán nhậu, số người sử dụng bia rượu tự điều khiển phương tiện lưu thông trên đường rất lớn, dễ gây mất trật tự ATGT.

Nhiều người điều khiển xe máy nghi vấn sử dụng bia trước đó đã được mời vào chốt kiểm tra. Những trường hợp sau khi đo không phát hiện nồng độ cồn, tổ CSGT chào và nói lời cảm ơn, chúc họ tiếp tục lưu thông an toàn. Sau 1 tiếng đồng hồ, hàng chục trường hợp được yêu cầu vào chốt kiểm tra.

Sau khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, máy hiển thị nồng độ cồn 0,25mg/lít khí thở, anh L.Đ.S (quê Quảng Trị) phải ký vào biên bản và chịu mức phạt 2,5 triệu đồng và tước bằng lái 7 ngày. Những người vi phạm nồng độ cồn đều cho biết, họ biết có Nghị định mới nhưng bạn bè mời sinh nhật, tiệc tùng không thể từ chối, vào bàn thì phải cầm ly bia.

Trong lúc kiểm tra, một đôi nam nữ không nghe theo hiệu lệnh đã phóng xe bỏ chạy và tông vào một cô gái, tổ tuần tra CSGT đã truy đuổi và đưa đôi nam nữ này về chốt. Tại đây, sau khi đo nồng độ cồn của nam thanh niên này là 0,23mg/lít khí thở. Nam thanh niên phân trần vì biết uống bia rượu sẽ bị xử phạt nên thấy chốt đã hoảng hốt bỏ chạy.

Một cán bộ trong tổ kiểm tra cho biết, mức xử phạt sẽ áp dụng trong Nghị định 100. Nghị định mới này không phân biệt người điều khiển phương tiện lưu thông có nồng độ cồn ít hay nhiều, bị phát hiện có nồng độ cồn sẽ bị xử lý, vì vậy người dân cần phải hiểu và không vi phạm.

Nhiều người có biểu hiện say xỉn khi thấy các chốt kiểm tra thường bất chấp nguy hiểm quay đầu xe chạy ngược chiều để trốn tránh, những trường hợp này các tổ công tác sẽ xử lý nghiêm.

Việc xử phạt về nồng độ cồn theo nghị định mới một phần nào giảm thiểu các vụ TNGT do bia rượu gây ra, nhất là thời điểm cuối năm, tiệc tùng, liên hoan, tất niên liên tục diễn ra có nguyên nhân của bia rượu. Dù biết được tác hại của bia rượu khi tham gia giao thông nhưng nhiều người vẫn viện nhiều lý do bào chữa cho mình.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày thực hiện Nghị định mới có gần 200 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, đa phần là người điều khiển xe gắn máy. Từ nay đến trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, Phòng CSGT sẽ lập chuyên đề, bố trí chốt kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn tại các cửa ngõ thành phố, khu vực có nhiều quán ăn - nhà hàng, trước các bến xe - nhà ga, sân bay…

* Ngày 3-1, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết đã có 23 trường hợp lái ôtô, xe máy bị phát hiện vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện trong ngày đầu tiên ra quân kiểm tra, xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-1-2020.

Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu-Tổng hợp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cho biết, đợt ra quân đã được Phòng CSGT và Công an các quận, huyện triển khai đồng loạt tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn TP tối 2-1.

Tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng, cạnh Cổ viện Chàm, trong 3 giờ kiểm tra, Đội tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT) phát hiện 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (2 trường hợp điều khiển ô tô, 5 trường hợp điều khiển xe máy); lực lượng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông chấp hành tốt hiệu lệnh và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng Công an.

* Theo số liệu tổng hợp của Phòng CSGT tỉnh Nghệ An, trong 2 ngày đầu ra quân, CSGT đã xử lý 8 trường hợp vi phạm. Trong đó, 3 trường hợp là ôtô, 5 môtô. Các trường hợp vi phạm bị CSGT kiểm tra và lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 23 tháng vì trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Thân Lai - Minh Tâm

Anh Thư
.
.
.