Xử lý “bệnh nhờn thuốc” học sinh vi phạm giao thông

Chủ Nhật, 25/10/2015, 23:26
Học sinh đi xe máy, học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), đèo ba, đèo bốn lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn đang là những hình ảnh vi phạm an toàn giao thông phổ biến trên các tuyến phố Hà Nội.

Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) lập hẳn chuyên đề xử phạt vi phạm, các nhà trường đưa quy định về chấp hành an toàn giao thông vào nội quy. Thế nhưng, hầu hết các biện pháp đó không thu được hiệu quả. 

Coi thường tính mạng

Hơn 11h, từng tốp áo trắng ùa ra cổng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có tới 90% học sinh lên xe đạp điện ra về, tuy nhiên không có một học sinh nào đội mũ bảo hiểm theo đúng Luật Giao thông. Rời cổng trường là những tốp học sinh đi kèm nhau, thậm chí không khó để nhìn thấy một số trường hợp “kẹp 3” trên chiếc xe nhỏ tẹo, mỏng manh. Sau khi tụ tập đông trước cổng trường, học sinh đi xe đạp điện bắt đầu rồ ga phóng với tốc độ cao trên đường Lý Thường Kiệt khiến cho nhiều phương tiện khi lưu thông đến đây bất ngờ, có người loạng choạng tay lái. Vừa đi vừa cười nói hay nghe điện thoại, nhiều học sinh chủ quan với sự an toàn khi lưu thông trên đường bằng xe đạp điện.

Cổng Trường THPT Phan Đình Phùng, hình ảnh học sinh đi xe đạp điện không đội MBH cũng cũng không khá hơn. Theo quan sát của chúng tôi, sau khi ra khỏi cổng trường, nhiều học sinh nhanh tay tháo ngay chiếc MBH đội trên đầu xuống treo ở xe đạp điện.

Tỏa ra các tuyến phố đông đúc, những học sinh áo trắng phóng xe đạp điện ngang bằng, thậm chí còn vượt tốc độ so với xe máy. Xe đạp điện tốc độ cao, việc không đội mũ bảo hiểm là nguy cơ vô cùng lớn cho chính tính mạng, sức khỏe của các học sinh.

 Làm nhiệm vụ phân luồng, xử lý vi phạm tại chốt giao thông Bà Triệu-Trần Hưng Đạo, Thiếu úy Nguyễn Quốc Cường, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: Tình trạng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH vẫn diễn ra. Khi xử lý vi phạm, cán bộ lập biên bản vi phạm sẽ áp dụng hình thức giữ xe đạp điện hoặc giữ giấy tờ xe máy điện. Sau đó, mời phụ huynh học sinh đến các đội để giải quyết vi phạm. Đối với học sinh, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng sẽ lập danh sách vi phạm để gửi về Sở GD&ĐT Hà Nội, từ đó có hình thức nhắc nhở, kỷ luật theo quy định. Thường thì khi bị giữ lại xử lý vi phạm giao thông, nhiều học sinh chống chế bằng cách nói sai tên trường, hoặc giả vờ không gọi được bố mẹ để tránh bị xử phạt. Tuy nhiên, cán bộ xử lý vi phạm phải yêu cầu học sinh cho xem tên trên vở để có biện pháp răn đe hữu hiệu.

Biện pháp chưa đủ mạnh

Ngay từ đầu năm học mới, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã triển khai các chuyên đề xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông với các đội tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến phố. Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ đầu tháng 9 đến nay đã xử lý 256 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu là đi xe đạp điện không đội MBH, đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Những trường hợp vi phạm này sẽ được chuyển đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rồi chuyển về các trường học, xử lý từng học sinh.

Để giáo dục học sinh chấp hành các quy định của Luật Giao thông cũng như xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông, nhiều trường học đã đưa quy định an toàn giao thông vào nội quy của trường. Có trường học khi học sinh vào trường bằng xe đạp điện hoặc ngồi sau xe máy của bố mẹ mà không đội MBH sẽ bị xử lý nghiêm. Điển hình như Trường THCS Lương Thế Vinh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hay như ở Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức ký cam kết với tất cả các học sinh trong việc tuân thủ chấp hành các quy định của Luật Giao thông. Đồng thời nhà trường đưa ra nhiều mức xử lý kỷ luật khác nhau. Tại các tiết dạy môn Giáo dục công dân hay các buổi sinh hoạt tập thể, giáo viên kết hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông, ký cam kết với học sinh và gia đình. Trường cũng mời cơ quan Công an, tổ chức các chuyên đề giúp học sinh nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, qua theo dõi, nhà trường phát hiện vẫn có tình trạng học sinh đi xe máy đến trường nhưng gửi tại các nhà dân xung quanh. Khi nhận được thông báo của Phòng CSGT, nhà trường sẽ xác minh. Học sinh vi phạm sẽ được mời lên Ban Giám hiệu cùng đại diện gia đình và nhận hình thức xử lý như đã ký trong cam kết…

Rõ ràng, dù nhà trường, lực lượng CSGT đã nghiêm khắc trong việc ngăn chặn vi phạm giao thông ở học sinh, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm mà bố mẹ và nhà trường không biết. Để giải quyết vấn đề không chỉ dừng ở hành động xử phạt, mà quan trọng hơn, đó là sự tác động lên ý thức của học sinh để các em hiểu và thực hiện việc chấp hành quy định về giao thông cũng quan trọng như việc học, như không khí các em hít thở hàng ngày. Thêm nữa, sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, giữa nhà trường với CSGT... là rất quan trọng để vừa nhắc nhở, vừa răn đe. Văn hóa giao thông của một xã hội văn minh cần phải được xây dựng bắt đầu từ trường học với hình phạt nghiêm khắc hơn nữa.

Điểm d, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Hương Hà
.
.
.