Xe quá khổ, quá tải cần xử lý tận gốc

Thứ Tư, 06/07/2016, 10:28
Theo thống kê từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 21-12-2015 - 20-6-2016), lực lượng chức năng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định và thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã kiểm tra 355.349 xe, trong đó 24.853 xe vi phạm về tải trọng, tước 8.147 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 190,6 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho hay, tính đến nay phương tiện vi phạm chở hàng quá tải đã giảm khoảng 91% so với thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm soát tải trọng đồng loạt trên phạm vi toàn quốc. 

Bên cạnh đó, qua kiểm tra công tác kiểm tra tải trọng xe và kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 173 xe. Tổng số biên bản vi phạm hành chính là 299 biên bản, trong đó, lập với lái xe là 156 biên bản, lập với chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải là 143 biên bản. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải; trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa lực lượng công chức thanh tra các Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lực lượng Thanh tra giao thông, Công an các địa phương còn hạn chế, còn một số việc cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh...

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng phương tiện.

Trước thực tế trên, phát biểu tại Hội nghị về ATGT, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho rằng, nếu muốn ngăn xe quá tải, xe tải chạy vào thành phố thì cần yêu cầu các chủ mỏ, doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chạy quá tải. Như Đà Nẵng đã lắp camera toàn tỉnh, tiến tới xử phạt nguội. Sẽ lọc ra các xe, chủ xe thường xuyên vi phạm để thông tin trên các phương tiện đại chúng. 

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng nhấn mạnh, chúng ta nên kiểm soát trọng tải ngay tại bến bãi, bến cảng. Nơi nào mà để xảy ra phương tiện chở quá tải vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm. 

Trong khi đó, đại diện cho Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cũng thẳng thắn cho rằng chúng ta chưa xử lý triệt để được vấn nạn chở quá tải. Để giải quyết vấn đề này cần giải quyết dứt điểm từ việc nhập khẩu xe tải (xe quá khổ) từ Trung Quốc về. Tiếp nữa là cần xử lý dứt điểm việc cơi nới thùng bệ, đồng thời xử lý cả vấn đề đăng kiểm. 

Lực lượng vận tải làm ăn chân chính rất mong mỏi cơ quan chức năng tới đây tìm ra cách giải quyết tình trạng này một cách cụ thể, chứ năm nào cũng nói chung chung thì khó giải quyết. Cũng nên công khai xem các địa phương đã xử lý tình trạng bảo kê cho xe quá tải. Hay cũng cần quan tâm xem tới đây có nên duy trì các trạm cân lưu động không? Có hiệu quả không? Hay nên đặt trạm cân ngay tại trạm thu phí.

Nhằm siết chặt tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa yêu cầu các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ tiếp tục nắm bắt tình hình, phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân; nắm chắc tình hình và thông tin để có kế hoạch kiểm tra đột xuất các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng lưu thông vào ban đêm, các phương tiện hết niên hạn sử dụng chở hàng quá tải chủ yếu lưu thông trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện; phối hợp với lực lượng Kiểm soát Quân sự các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện nghi vấn mang biển kiểm soát Quân đội giả để chở hàng quá tải và trốn phí sử dụng đường bộ...

Phạm Huyền
.
.
.