Xe khách “núp bóng” xe hợp đồng Limousine

Thứ Sáu, 03/03/2017, 09:14
Xe Limousine chở khách xuất hiện tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… từ lâu, mặc dù hình thức đăng ký là xe chở khách theo hợp đồng, nhưng thực chất những chiếc xe này vẫn “tranh thủ” chở khách theo tuyến cố định liên tỉnh.

Sai phạm đã rõ, nhưng loại hình xe khách “trá hình” núp bóng xe hợp đồng ngày càng hoạt động tinh vi, khiến việc xử lý của lực lượng chức năng gặp khó trong xử phạt, quản lý.

Xe khách trá hình ngang nhiên hoạt động

4h sáng 2-3, lực lượng thanh tra giao thông Hà Nội đã chia thành 3 tổ, có mặt tại các điểm “nóng” được coi là “thủ phủ” của “xe dù, bến cóc”, là khu vực quanh bến Mỹ Đình và khu vực gần bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, với quyết tâm lập lại trật tự an ninh, an toàn trong vận tải khách. 

4h30 phút, xe mang biển kiểm soát 17B-01243 đang lòng vòng trả khách trên đường Phạm Hùng-Trần Quốc Vương thì đoàn thanh tra ập đến. Bắt quả tang xe hợp đồng trả khách không đúng nơi quy định, lực lượng chức năng đã yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ. 

Với lỗi trả khách nơi cấm dừng, đỗ; lái xe không có GPLX, thanh tra giao thông vận tải đã phạt hành chính 5,7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện. Di chuyển lên khu vực đường Cầu Giấy, tổ công tác tiếp tục phát hiện chiếc xe hợp đồng biển kiểm soát 36B-025.98  đang đón trả khách tại ngõ 78 phố Duy Tân. Khi kiểm tra, lái xe Phạm Văn Cường cũng không xuất trình được GPLX. 

Lực lượng Thanh tra giao thông TP Hà Nội xử lý một trường hợp vi phạm chiều 2-3.

Cùng thời gian này, một tổ công tác khác trên đường Giải Phóng cũng đã dừng xe mang biển kiểm soát 30E-418.80, với lỗi trả khách nơi có biển cấm đỗ, xe không có phù hiệu theo quy định. Hay như tại phố Trần Nhân Tông, cùng lúc tổ công tác xử lý tới 3 trường hợp xe hợp đồng trả khách không đúng nơi quy định. 

Trao đổi với phóng viên, Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tính đến 15h chiều ngày 2-3, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử lý gần 30 trường hợp xe dừng đỗ đón trả khách sai quy định, thậm chí cả xe chạy sai hành trình vận tải. 

Trong đó, phần nhiều là loại xe hợp đồng cao cấp (thực chất là xe khách “trá hình”-PV). Với vi phạm này, các xe bị phạt thấp nhất là 700.000đ và cao nhất có thể lên tới 7.000.000đ cùng tạm giữ phương tiện.

Vì sao xe khách “trá hình” lại ngang nhiên tồn tại? Ông Bùi Danh Liên cho rằng, theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải báo cáo trước về hợp đồng vận chuyển. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã “lách luật” đưa xe vào hoạt động. 

Ông Liên đưa một phép tính từ thực tế: “Nếu một doanh nghiệp dùng xe trá hình hoạt động 200 chuyến trong một ngày, mỗi chuyến trung bình có 10-15 khách, giá vé khoảng 150 nghìn đồng/khách; như vậy mỗi năm doanh nghiệp đó sẽ trốn thuế khoảng chục tỷ đồng (10% tiền thu vé khách) và khoảng 7,3 tỷ đồng chi phí bến bãi. Nếu nhân với hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp dạng này, mỗi năm nhà nước sẽ thất thoát cả nghìn tỷ đồng tiền thuế.

Cần phải có đề án quản lý

Đại diện Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản, nên xuất hiện nhiều xe hợp đồng trá hình, đón trả khách như xe khách chạy tuyến cố định. 

Gần đây, loại hình xe khách trá hình xe hợp đồng Limousine phát triển quá nhanh khiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu đề án quản lý hoạt động xe hợp đồng Limousine. 
Những chiếc xe VIP đỗ trên phố Trần Nhân Tông.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã hình thành và phát triển mạnh mẽ loại hình xe hợp đồng Limousine (loại 8 chỗ trở lên) ở nhiều địa phương. Loại phương tiện này đều đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, có thực hiện các quy định có liên quan đến xe hợp đồng như: thông báo hợp đồng vận chuyển, thỏa thuận hợp đồng cũng như danh sách hành khách... 

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, các phương tiện này hàng ngày đều chạy theo một tuyến nhất định kết nối các khu đô thị và các vùng phụ cận, đặc biệt là giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận và ngược lại, hoạt động vào một số khung giờ cố định trong ngày. Các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện này do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển đúng hay không, đơn vị có sử dụng hợp đồng khống hay không, nhà xe có thực hiện thu tiền của từng hành khách hay thu tiền theo hợp đồng... cũng đang gặp nhiều khó khăn. 

Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT cho phép phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý hoạt động đối với xe hợp đồng Limousine. Đề án sẽ đánh giá toàn diện và có biện pháp quản lý hoạt động đối với loại hình xe hợp đồng Limousine, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và giữa các loại hình vận tải.                  

Từ năm 2016 cho đến nay, nhiều lần đại diện Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, hiện Hà Nội có một số đơn vị đầu tư xe Limousine và chạy lách luật, bắt khách như xe khách tuyến cố định. 

Chỉ tính riêng năm 2016, Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính hơn 400 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó có khoảng 7% số xe khách vận chuyển khách không có hợp đồng vận chuyển. Còn tính từ đầu năm 2017 đến nay, số liệu từ Phòng CSGT Hà Nội cho biết, lực lượng này xử phạt 10 trường hợp xe Limousine đón trả khách sai quy định.

Đặng Nhật
.
.
.