Vi phạm nồng độ cồn ở miền Tây giảm sâu theo chiều hướng tích cực

Thứ Tư, 08/01/2020, 18:47
15 ngày trong đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Công an TP Cần Thơ phát hiện 241 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Còn 8 ngày đầu khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, số trường hợp vi phạm chưa đến 30.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hiệp - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ cho biết: thực hiện Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100, sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ, đơn vị chủ động tổ chức quán triệt đến cán bộ chiến sĩ và lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các quận, huyện nắm vững việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ tổ chức tuần tra xử lý vi phạm trong nội ô Ninh Kiều.

Trong quá trình tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy. Ngoài các tổ tuần tra lưu động, đơn vị bố trí vị trí kiểm soát phù hợp và có camera ghi lại toàn bộ quá trình kiểm soát để phục vụ việc xử lý người vi phạm. Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ có cách xử lý phù hợp, yêu cầu lực lượng hỗ trợ đưa về trụ sở gần nhất để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Người dân vui vẻ chấp hành thực hiện yêu cầu đo nồng độ cồn.

Những ngày qua, theo chân các tổ Tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông kiểm soát xử lý nồng độ cồn trong nội ô TP Cần Thơ và quận Cái Răng, người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ và chủ động hợp tác việc kiểm tra và đo nồng độ cồn.

“Đây là một chính sách tốt, thể hiện sự tiến bộ của xã hội, góp phần hạn chế tác hại rượu, bia và thay đổi ý thức, hành vi, nhận thức, thói quen sử dụng rượu, bia của người dân”, anh Nguyễn Văn Nhân - ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nói. Tối 6-1, anh Nhân cùng bạn chạy xe máy lưu thông trên đường Hùng Vương thì được cán bộ tuần tra lưu động ra tín hiệu yêu cầu tấp phương tiện vào lề kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm về nồng độ cồn.

“Bình thường là mình có uống vài chai nhưng khi nghe có thông tin mức xử phạt mới rất cao nên cũng không dám uống. Vui vẻ với bạn bè vài chai nhưng rất ngán tiền phạt và cũng sợ xảy ra sự cố giao thông nữa”, anh Nhân nói.

Sau khi kiểm tra, cán bộ làm nhiệm vụ cảm ơn người tham gia giao thông đã hợp tác thực hiện việc đo nồng độ cồn.

Quá trình tuần tra, cán bộ làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình công tác, chấp hành nghiêm điều lệnh và hướng dẫn cụ thể các quy định đối với người lái xe khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ông Đ.V.S (ngụ quận Bình Thủy) đang lưu thông trên đường Trần Văn Khéo thì được tổ Tuần tra lưu động yêu cầu tấp vào đường kiểm tra.

Ông S. thừa nhận vừa đi tiếp khách về đã “uống vài chai” và không mang theo giấy đăng ký xe máy cũng như giấy phép lái xe. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn người đàn ông này là 0.383 mg/lít khí thở.

Thượng uý Trần Hồng Phước - Tổ trưởng Tổ tuần tra đã thông báo cho người vi phạm với 3 lỗi không có giấy đăng ký, giấy phép lái xe và vi phạm nồng độ cồn vượt mức 0,25 mg/L – 0,4 mg/lít khí thở. Người điều khiển phương tiện bị phạt trung bình là 4,5 triệu, tước bằng lái 17 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày”.

Sau khi được cán bộ tuần tra giải thích mức xử phạt theo nội Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ông S. chấp hành ký vào biên bản và gọi taxi đến đón về.

Tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trong nội ô Ninh Kiều.

Hai thanh niên đi xe máy trên đường Lê Lợi được cán bộ tuần tra ra tín hiệu dừng lại kiểm tra. Nam thanh niên cầm lái tấp xe vào lề, sau đó được cán bộ yêu cầu kiểm tra giấy tờ và thực hiện việc đo nồng độ cồn. Thanh niên này xuất trình giấy tờ, rồi “hỏi vặn” lại cán bộ làm nhiệm vụ rằng: “Nếu kiểm tra, tôi không có uống bia, rượu thì sao?”. 

Cán bộ tuần tra đã giải thích lực lượng đang làm nhiệm vụ và đề nghị người tham gia giao thông hợp tác. Sau khi thực hiện xong việc đo nồng độ cồn, cán bộ tuần tra thông báo kết quả 0.00 mg/lít khí thở và cảm ơn người điều khiển phương tiện đã hợp tác. 

Trong đêm, tổ công tác tuần tra lưu động trên các tuyến đường nội ô Ninh Kiều như: Lê Lợi, Trần Văn Khéo, Nguyễn Trãi, khu vực vòng xoay, đường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường Quang Trung. Một trường hợp tài xế đi ôtô trên đường Nguyễn Trãi khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã cho kết quả 0,528 mg/lít khí thở. Tài xế cũng không mang theo giấy phép lái xe.

Cán bộ tuần tra lập biên bản trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Theo Nghị định số 100/2019, vi phạm này ở mức 3 là trên 0.4 mg/lít khí thở và tài xế sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng (trung bình là 35 triệu đồng), giữ giấy phép lái xe 22-24 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

“Không phải trường hợp nào khi kiểm tra cũng phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Người dân đều vui vẻ chấp hành theo yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ, chỉ một số ít đã có sử dụng rượu bia thì ban đầu họ chần chừ nhưng sau đó cũng phối hợp thực hiện”, cán bộ Tổ tuần tra cho hay.

Khuya 5 và 6-1, Tổ tuần tra Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ phát hiện tài xế điều khiển 2 ôtô biển số Cần Thơ và Bình Dương bị phạm nồng độ cồn ở mức 1 và 2. Tài xế T.S.T. (ngụ quận Ninh Kiều) có kết quả 0,292 mg/lít khí khở bị lập biên bản và có mức xử phạt trung bình là 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Trong 15 ngày ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Phòng Cảnh sát giao thông đã tổ chức gần 2.000 cuộc tuần tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm gần 2.700 trường hợp, ra quyết định xử phạt hành chính 2.470 trường hợp với số tiền hơn 2 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe 229 trường hợp, tạm giữ 547 phương tiện. Trong đó, có 241 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Xe máy là 235 xe máy và ôtô là 6 trường hợp.

“Các phương tiện vi phạm chủ yếu làm người đi xe máy, các trường hợp đi ôtô rất ít vi phạm”, Thượng uý Trần Hồng Phước nói. Trong 8 ngày ra quân, Công an TP Cần Thơ phát hiện khoảng 30 trường hợp vi phạm, trong đó có 4 ôtô còn lại là xe máy. Nhiều người đi xe máy, có kết quả nồng độ cồn trên mức 0,4 có khung hình phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, từ khi áp dụng xử phạt bằng nghị định mới, tình hình người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn giảm theo hướng tích cực. So với Nghị định 46/2016, Nghị định 100/2019 có mức xử phạt tăng cao hơn. Vì vậy, người dân ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Vi phạm nồng độ còn giảm sâu

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: đơn vị tập trung công tác truyền sâu rộng đến người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông, vì Nghị định mới mức phạt rất cao. “Qua công tác tuần tra và xử lý, số vụ vi phạm về nồng độ cồn giảm rất nhiều, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết”, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng nói.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau cho biết: sau 6 ngày lực lượng tuần tra kiểm soát chưa phát hiện tài xế ôtô vi phạm nồng độ cồn. Riêng người điều khiển xe máy, có hơn 14 trường hợp bị lập biên bản, đề nghị xử phạt mức cao nhất trung bình 7 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. 

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, qua công tác tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, thành Tây Nam bộ cho thấy, trường hợp vi phạm về nồng độ cồn giảm theo chiều hướng tích cực và được người dân đồng tình ủng hộ.
Văn Vĩnh - Trần Lĩnh
.
.
.