Vận tải hành khách lại... lao đao vì COVID-19

Thứ Ba, 04/08/2020, 08:27
Vốn đã phải chịu thiệt hại nặng nề sau giai đoạn đầu của dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải khách từ hàng không, đường sắt đến đường bộ vừa nhen nhóm hy vọng hồi phục thì bỗng dưng dịch lại bùng phát và diễn biến phức tạp.

Khách hàng sụt giảm, đường bay tạm dừng, đường sắt ngừng chạy tàu, đường bộ dừng khai thác tuyến… nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với “trận chiến” đối phó với COVID-19 lần thứ hai.

Người dân giảm dần việc di chuyển giữa các tỉnh, thành

Ngày 3-8, trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý bến xe Hà Nội  Nguyễn Anh Toàn cho biết, tính từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, dù chưa được một tuần, song vận tải đường bộ cũng đã bắt đầu “thấm mệt”. 

Tại bến xe phía Nam, có 3 doanh nghiệp chạy tuyến Hà Nội-Đà Nẵng với 10 chuyến/ngày đã tạm dừng hoạt động. Dù mỗi ngày tại bến xe này vẫn có khoảng 800 lượt xe xuất bến đi các tỉnh thành, song lượng khách bắt đầu thưa dần. 

“Người dân cũng lo ngại dịch nên đang hạn chế di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nếu cả chiều đi và chiều về đều vắng khách, không biết thời gian tới các doanh nghiệp vận tải còn trụ được không”, ông Nguyễn Anh Toàn chia sẻ. 

Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại Bến xe Nước Ngầm, nơi đa phần các chuyến xe đều chạy tuyến từ miền Trung đổ vào. Ông Nguyễn Quang Lập, Giám đốc Bến Nước Ngầm tỏ ra ngao ngán: “Doanh nghiệp vận tải vừa hồi phục được chút thì nay lại đứng trước nguy cơ phá sản. Riêng bến Nước Ngầm, tần suất xe chạy trong những ngày gần đây cũng bắt đầu giảm vì không có khách đi”.

Không riêng gì vận tải đường bộ, do hành khách đi tàu giảm, mới đây, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải ra thông báo, trong tháng 8-2020, doanh nghiệp này tiếp tục tạm dừng thêm gần 10 mác tàu trên các tuyến, trong đó có mác tàu chạy hằng ngày tuyến Hà Nội - Vinh, tuyến Hà Nội - Đồng Hới, Đồng Hới - Hà Nội. Hành khách có vé đi tàu trong các ngày tàu tạm dừng chạy các mác tàu này sẽ được trả vé không thu phí hoặc đổi sang các đoàn tàu khác. 

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, kể từ ngày 8-8 trên tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái chỉ chạy đôi tàu YB3/YB4 vào dịp cuối tuần, thay vì chạy hằng ngày hiện nay.

Về phía hàng không, trên các kênh bán vé trực tuyến những ngày này, hành khách đã không thể đặt vé cho các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng. Vé bán trên chặng bay này chỉ bắt đầu hiển thị từ ngày 12-8, sau khi lệnh dừng toàn bộ chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến Đà Nẵng hết hiệu lực. 

Trên các chặng bay nội địa khác, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch nổi tiếng như: Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn… dù vẫn được khai thác bình thường và đang là mùa cao điểm nhưng vé còn rất nhiều, dù giá rất rẻ, chưa đến 2 triệu đồng cho một vé khứ hồi. Thậm chí nếu chấp nhận đi vào các khung giờ muộn trong ngày, giá vé còn thấp hơn nữa. 

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hàng không lại bắt đầu với “trận chiến” thứ 2, sau diễn biến của dịch COVID-19. Điều đó cũng đồng nghĩa với cao điểm hè đã kết thúc sớm bất ngờ so với dự kiến. 

“Trước đây, chúng tôi dự báo cao điểm hè sẽ bắt đầu từ tháng 7, dự kiến kéo dài đến khoảng ngày 5-9 sau khi học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số tỉnh thành, cùng với việc giảm mạnh số chuyến bay khai thác trong ngày, lượng khách đi máy bay cũng giảm đột ngột”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Dù lượng khách có dấu hiệu vắng dần, song công tác phòng chống dịch tại bến xe vẫn được thắt chặt.

Khả năng phục hồi nhanh chóng của thị trường như đợt đầu là rất khó

Nói về tác động của đợt bùng phát dịch lần này đến ngành Hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đi/đến Đà Nẵng với tổng số xấp xỉ 100 chuyến/chiều/ngày đã phải dừng hoàn toàn từ ngày 28-7. 

Số liệu thống kê trong những ngày qua cho thấy, so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm hơn 30%. Trong ngày 30-7, các hãng hàng không chỉ khai khác 656 chuyến bay, chở hơn 93,5 nghìn hành khách. Tỷ lệ khách trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 70%. 

Đánh giá thêm, ông Thắng cho hay, khả năng phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của thị trường hàng không như đợt đầu là rất khó. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam. 

Theo số liệu đặt chỗ của các hãng hàng không, chỉ trong 5 ngày, từ ngày 27 - 31-7, số lượng khách đến Đà Nẵng lên tới 80 nghìn khách. Như vậy, sau lệnh dừng bay đến đây, ít nhất có 80 nghìn vé phải hoàn, huỷ, chưa tính lượng vé máy bay đã được hành khách đặt mua và bay trong tháng 8. Các hãng Vietjet, Bamboo Airways, Vietnam Airlines đều đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng.

Cùng quan điểm với ngành Hàng không, vận tải đường bộ, đường sắt cũng cho hay, nếu cứ đà khách giảm, thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp là rất khó. Vì vậy, đa phần các đơn vị kinh doanh vận tải đều mong được tiếp cận các chính sách từ Chính phủ. 

Song bên cạnh việc nỗ lực cứu vãn tình hình, các bến xe khách tại Hà Nội vẫn luôn tăng cường biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, trong thời gian vừa qua, bến xe Mỹ Đình đã có những biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị nước sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt cho nhân viên và hành khách. 

Để công tác tuyên truyền và quán triệt được sâu rộng, bến xe đã sử dụng loa phát thanh để nhắc nhở nhân viên của bến, các nhà xe, người dân đeo khẩu trang khi ra vào bến. 

"Hằng ngày lượng khách xe ra vào bến Mỹ Đình khá lớn, khoảng 800 xe nên mỗi khi có xe ra vào đều sẽ có nhân viên kiểm tra xem các nhà xe có trang bị nước rửa tay trên xe hay không” - ông Sơn thông tin. 

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết, các nhà xe và hành khách đều chủ động trang bị khẩu trang cho chính mình. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 của ban quản lý bến được đốc thúc liên tục. Lượng hành khách ra vào bến những ngày này không quá đông, nên việc kiểm tra thân nhiệt cho từng hành khách đều được kiểm soát tốt. 

Tương tự tại Bến xe Giáp Bát, một trong những bến xe có lưu lượng khách lớn nhất Hà Nội. Ngay từ lối vào bến xe có các nhân viên của bến nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. 

Nước rửa tay được bến xe bố trí đặt ở những nơi dễ nhìn và đông hành khách qua lại. Bến xe cũng yêu cầu nhân viên của bến chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo đảm việc phòng, chống dịch COVID-19.

Đặng Nhật
.
.
.