Vận tải đường bộ gặp khó khăn do dịch Covid-19
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình thông tin, trước đây trung bình bến xe đón khoảng 10 nghìn hành khách/ngày nhưng thời điểm này lượng khách đã giảm một nửa. Một số nhà xe cũng giảm 15 - 20% lượng xe so với trước.
Nhìn tổng quan hơn, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: “Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách đổ dồn về bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm... rất thấp, lượng hành khách chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ các năm trước đây.
Đây là tình trạng chung của các bến xe trên địa bàn Hà Nội, một số nhà xe còn phản ánh rằng, hiệu số ghế chỉ đạt 10/% khi xuất bến”. Đặc biệt, mấy ngày qua, phía Công ty CP Bến xe Hà Nội đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh về những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải vì dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trong đó cũng có chủ xe chạy tuyến Hà Nội-Điện Biên bày tỏ, các chuyến chạy tuyến cố định của nhà xe đang lỗ từ 7 - 10 triệu đồng/chuyến.
Trước đây, khách phải gọi điện đặt chỗ trước hoặc có vé sẵn mua từ bến, thì nay một chuyến xe 41 giường đi từ Điện Biên xuống Hà Nội chỉ có khoảng 5 - 6 khách. Nếu dịch kéo dài và tình hình không được cải thiện, doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản.
Về phía các hãng taxi, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 cho biết, hiện dịch vụ đưa đón khách tại sân bay của G7 sụt giảm đến 60%, lượng khách chung giảm khoảng 40%. Doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm theo với tỷ lệ tương ứng với trên 2.000 xe, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng sẽ khá lớn.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, do người dân hạn chế tối đa việc đi lại nên các hãng taxi ở Hà Nội sụt giảm khoảng 30 - 40% doanh thu, đơn cử một doanh nghiệp lớn trước đây có khoảng 10.000 cuộc gọi đặt xe/ngày thì đến nay con số này giảm xuống còn khoảng 3.500 cuộc.
Ông Hùng cho biết, trong điều kiện sụt giảm doanh thu nhưng các chi phí khác như: Lãi vay ngân hàng, các loại thuế, phí, lương cho người lao động, vật tư, sửa chữa... vẫn giữ nguyên gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, cơ quan liên quan kiến nghị giải pháp giải cứu ngành vận tải trước tác động dịch viêm đường hô hấp do virus Corona.
Theo đó, Hiệp hội đề xuất một số giải pháp để ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt. Trong đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải, hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn.
Hiệp hội cũng đề xuất giảm phí BOT từ 3% - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.
Bên cạnh đó là ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II-2020, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5. Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.
Được biết, mới đây Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank đã phát đi thông báo về việc hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc...
Biện pháp hỗ trợ là thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn và giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu; cho vay mới với lãi suất ưu đãi... Thời gian thực hiện từ ngày 11-2-2020 đến hết ngày 30-4-2020.