Vẫn khó khăn trong xử lý xe ba bánh

Thứ Sáu, 14/07/2017, 08:42
Một trong những khó khăn trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn là xử lý xe 3 bánh tự dóng. 

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017, diễn ra ngày 12-7 của Phòng CSGT Hà Nội.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm CSGT Hà Nội đã xử lý 287.027 trường hợp, tiền xử lý vi phạm là 89 tỷ đồng. Tạm giữ 9.010 phương tiện và 86.589 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 16.484 trường hợp. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ. 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 703 vụ, làm 283 người chết, 580 người bị thương. 6 tháng đầu năm Hà Nội cũng gia tăng 6 điểm đen về ATGT, trong đó, có 3 điểm đen cũ và 3 điểm mới phát sinh.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn là xử lý xe 3 bánh tự dóng. 

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng đội CSGT số 3 thông tin: Địa bàn quận Đống Đa có thể coi là nơi có số xe 3 bánh tự dóng tập trung nhiều nhất trên địa bàn thành phố. 6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý hơn 100 trường hợp xe tự lắp ráp, tạm giữ 73 phương tiện. 

CSGT xử lý xe ba bánh giả danh thương binh chở hàng cồng kềnh trên đường phố Hà Nội.

Như vậy mỗi tháng tính trung bình cũng xử lý vài chục trường hợp. Nếu mang con số này so với hàng nghìn xe đang hoạt động trên địa bàn thì không nhiều, song để xử lý được một trường hợp không phải là dễ. Vì lực lượng CSGT mỏng, mỗi chốt chỉ có khoảng 2-3 cán bộ chiến sĩ trực, vào giờ cao điểm vừa phải điều tiết giao thông, vừa phải xử lý xe ba bánh tự dóng, hoặc xe thương binh chở hàng cồng kềnh. 

“Có lần, lập biên bản xử lý xe ba bánh tự dóng, người vi phạm họ bỏ lại xe, lực lượng chức năng vừa đưa được về đội thì lập tức bị các đồng chí thương binh, giả thương binh kéo đến tạo áp lực. Thậm chí có trường hợp cụt 2 chân, cởi trần, nhờ người khác bế vào bàn ngồi giữa bàn làm việc của đội CSGT số 3 hút thuốc. Ngồi được một lúc chúng tôi chưa kịp giải quyết thì quay ra giãy giụa, gây khó cho CSGT”, Trung tá Lê Tú cho biết.

Trước thực trạng này, Đội trưởng Đội CSGT số 3 kiến nghị cần có cuộc điều tra cơ bản lượng xe thương binh thật, xe tự dóng trên địa bàn Hà Nội, đồng thời vận động thương binh tại địa phương không vi phạm khi tham gia giao thông. 

Trong khi đó, đại diện Đội CSGT trật tự cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm cũng chia sẻ, việc xử phạt người dân vi phạm trật tự vỉa hè lòng đường ở Hà Nội cũng khó không kém. Địa bàn quận Hoàn Kiếm là địa bàn trung tâm chính trị, văn hoá của Thủ đô. 

Với đặc thù diện tích nhỏ, dân cư đông, nhưng hạ tầng cơ sở còn hạn chế, ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa cao, thường tái vi phạm khi vắng mặt lực lượng chức năng. Với các hộ kinh doanh nhỏ, khi khách đông thường bày hết ra vỉa hè, thậm chí cả hàng quán cũng được bày ra. 

Có trường hợp, xin không được, lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ bàn ghế, phạt hành chính thì họ lờ đi không đến nộp phạt. Thậm chí nhiều lần lực lượng chức năng đi xử phạt còn phát hiện nhiều phương tiện dừng đỗ sai quy định, trong đó có cả xe của cán bộ công nhân viên chức tại các cơ quan trên địa bàn...

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, dù thời gian qua vấn đề tai nạn và ùn tắc trên địa bàn Thủ đô đã được kìm chế, tuy nhiên, con số vẫn ở mức cao, vì thế không thể chủ quan. 

Phó Cục trưởng đề nghị Phòng CSGT Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT, nhất là các tuyến địa bàn trọng điểm vi phạm về trọng tải như tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Pháp Vân, Hoà Bình về Hà Nội. Xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải trên đường, xe quá niên hạn sử dụng. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng bày tỏ lo ngại về trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm. Theo quy luật, cứ tầm cuối tháng 8 đầu tháng 9, lưu lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn Thủ đô sẽ gia tăng đột biến, tạo áp lực lớn cho giao thông Hà Nội. Nếu không có kế hoạch kiểm soát tốt, ùn tắc, tai nạn rất dễ gia tăng. 

Do đó, Phòng CSGT Hà Nội cũng đưa ra hàng loạt giải pháp như đổi mới đa dạng hoá công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng hình thức lắp đặt pano điện tử tấm lớn tại địa điểm công cộng ra vào Thủ đô, các bến xe, nhà ga, bến tàu; nơi tập trung đông người; tập trung tuyên truyền vào chủ đề “xây dựng văn hoá giao thông trong thanh thiếu niên”; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát lưu động, xử lý nghiêm người điều khiển xe tải đi vào đường cấm, đi sai giờ, chở vật liệu rơi vãi...

Phạm Huyền
.
.
.