Giải pháp dẹp nạn thương binh giả, xóa bỏ xe ba bánh

Thứ Sáu, 12/08/2016, 09:56
Đâu là biện pháp quyết liệt và hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa dẹp được nạn giả danh thương binh lái xe ba bánh.

 Cần một giải pháp tổng thể

Khẳng định xe ba bánh tự chế không an toàn, không thể để tự do ngang nhiên lưu thông trên đường, gần chục năm nay, với hàng chục đợt ra quân xử lý quyết liệt, nghiêm túc có, tuyên truyền có của các cơ quan chức năng, thế nhưng tại sao chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng xe ba bánh tung hoành trên đường phố Hà Nội lại vẫn đâu vào đó. 

Đâu là biện pháp quyết liệt và hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa dẹp được nạn giả danh thương binh lái xe ba bánh.

Dù nhiều lần ra quân, nhưng xe ba bánh tự dóng vẫn tung hoành trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Từ năm 2007, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ôtô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ” và “Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó”. 

Thực hiện Nghị quyết này, các ban, ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề do chưa tìm ra công việc phù hợp thay thế cho người thương binh, nên không có sự lựa chọn nào khác, nhiều người vẫn coi việc dùng xe ba bánh chở hàng là nguồn kiếm sống hàng ngày.

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Phúc Hà, Phó Trưởng Công an phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thẳng thắn cho biết, trên địa bàn phường có nhiều cơ sở kinh doanh sắt thép, đồ gỗ… thế nên nhu cầu vận chuyển hàng bằng xe ba bánh là khó tránh. 

Từng nhiều lần phối hợp cùng lực lượng CSGT xử lý nghiêm các trường hợp giả danh thương binh điều khiển xe chở hàng cồng kềnh, song đến nay vẫn còn nhiều xe hoạt động. Mà trên địa bàn, thực tế chỉ có 5 trường hợp là thương binh thật, có sử dụng phương tiện này để chở hàng thuê. Vẫn biết là thương binh thật, thì cũng chỉ được sử dụng xe ba bánh làm phương tiện di chuyển, song vì cuộc sống nên vẫn tạo điều kiện cho các bác hoạt động, với yêu cầu tuân thủ đúng luật lệ giao thông. Chứ giờ yêu cầu họ chuyển nghề thì cũng không biết làm gì, cuộc sống sẽ rất vất vả. 

Nói đến việc cấm xe ba bánh tự chế chở hàng hoạt động trên đường phố, thương binh Đỗ Việt Dũng, Công ty CP Dịch vụ thương binh Thành Đô thẳng thắn nêu quan điểm: Thực tế cho thấy, Hà Nội hiện có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng xe ba bánh để chở hàng hóa tương đối cao và cũng rất khó để có được loại xe thay thế cho xe ba bánh hiện nay. Công ty CP Dịch vụ thương binh Thành Đô hiện có một đội xe ba bánh thương binh chuyên vận chuyển hàng hóa với mong muốn giúp các thương binh có hoàn cảnh khó khăn thêm thu nhập để phụ giúp sinh hoạt gia đình. Tất cả các thành viên của đội xe đều phải là thương, bệnh binh. 

Trước khi chạy xe, các thương binh đều được học Luật Giao thông, cũng như quán triệt yêu cầu phải chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông. Theo thương binh Đỗ Việt Dũng, hiện nay trên đường phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều xe ba bánh giả danh thương binh, chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm Luật Giao thông. Đối với những trường hợp giả danh xe thương binh, ông Dũng cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Tính đến thời điểm này, dù không thể thống kê đã có bao nhiêu vụ TNGT trên địa bàn Hà Nội có nguyên nhân từ xe ba bánh, song việc xe ba bánh tự chế lưu thông không an toàn vẫn được các cơ quan chức năng nhắc tới. 

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thẳng thắn chia sẻ: Từ nhiều năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có không ít văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc xử lý xe ba bánh tự dóng. Riêng trên địa bàn Hà Nội, thì xe này hoạt động cũng khá nhiều, song cũng chỉ biết trông chờ vào lực lượng CSGT tập trung xử lý. Giờ để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” thì các địa phương phải vào cuộc. Vào cuộc ở đây là phải truy từ gốc, tức là phải kiểm tra và xử lý từ cơ sở sản xuất loại xe tự dóng này.

Cùng chung quan điểm, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho rằng, CSGT không thể cứ ngày nào cũng xử phạt, cũng thu xe. Vì thu xe này, họ lại mua xe khác để chạy. Vì vậy, các địa phương cũng nên vào cuộc “xóa” các điểm sản xuất xe ba bánh. Trên địa bàn mình có cơ sở nào sản xuất xe tự dóng, thì địa phương là nắm rõ nhất.

Ngoài các ý kiến trên, cũng có người cho rằng, nếu đã cấm thì phải cấm triệt để. Tức là kể cả thương bình thật cũng không thể dùng xe ba bánh tự chế để chở hàng. Vậy để xử lý triệt để, tận gốc xe ba bánh tự chế, có ý kiến cho rằng, nên làm cuộc điều tra thống kê cụ thể về số lượng xe và người hoạt động. Sau đó, nhận thương binh vào các doanh nghiệp chính sách tạo công ăn việc làm ổn định.  

Trước khi chuyển nghề đề nghị anh em giao xe để tiêu hủy, sau đó kiên quyết tịch thu xe ba bánh lưu thông trên đường. Những người không đủ sức khỏe đưa họ vào các doanh nghiệp chính sách có thu nhập ổn định, để làm công tác phù hợp với sức khỏe. 

Có một số doanh nghiệp thương binh xin nhận anh em chạy xe ba bánh vào làm việc và qua khảo sát của các Phòng Lao động (đã từng trưng cầu ý kiến) anh em hưởng ứng tỷ lệ 70% với điều kiện UBND thành phố ưu tiên cho doanh nghiệp chính sách sử dụng một số mặt bằng tạm thời 1-5 năm, để nhận anh em thương binh vào làm việc, như cho sử dụng tạm thời mặt bằng trông xe ôtô tại khu vực giáp ranh nội thành; cho sử dụng mặt bằng giải phân cách, vỉa hè đặt biển quảng cáo tạm thời mà không gây ảnh hưởng đến cái chung; cho mỗi gia đình thương binh trông nom 1 kiốt kinh doanh báo tạp chí, hoa tươi ở chân cầu đi bộ, công viên, trạm trung chuyển xe buýt … 

Khi phần lớn anh em thương binh vào làm việc các doanh nghiệp, thì dễ dàng xử lý xe ba bánh của “thương binh giả”. Với sự quyết liệt và nghiêm khắc của các cơ quan, chính quyền, chúng ta tin tưởng Hà Nội sẽ đi đầu trong việc xóa bỏ xe ba bánh trong thời gian tới.

Đặng Nhật-Nguyễn Hương
.
.
.