Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trị đường hằn lún

Thứ Bảy, 13/06/2015, 10:36
Trong khi đó, sau 2 ngày tiến hành nhiều biện pháp kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không phải xảy ra trên toàn tuyến, mà chỉ xuất hiện tại một số đoạn tuyến cá biệt.

Để truy tìm nguyên nhân của hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên đường, một tổ công tác đặc nhiệm vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thành lập. Trong hai ngày 10/11, đích thân Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát dọc tuyến QL1 đoạn Nghệ An-Thừa Thiên Huế để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trên một số đoạn tuyến đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng. Qua công tác kiểm tra, đánh giá, Tổ công tác đã tìm ra nhiều nguyên nhân khác nhau 

Nóng nhất về tình trạng hằn lún mặt đường hiện nay nằm trên QL 1A, một số đoạn như Ninh Bình- Hà Tĩnh, đoạn tránh TP. Hà Tĩnh, đoạn qua tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Bình Thuận… Đặc biệt là đoạn Ninh Bình- Hà Tĩnh, hằn lún kéo dài hàng chục cây số, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Quốc lộ 1A đoạn này được nâng cấp, mở rộng bao gồm 9 dự án vốn trái phiếu Chính phủ và 1 dự án vốn BOT, với tổng chiều dài 275,6km (không bao gồm đoạn tuyến tránh TP Vinh và đoạn Nam Bến Thủy- tuyến tránh Hà Tĩnh). Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình bàn giao đưa vào khai thác từ tháng 9/2013, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa đưa vào khai thác từ tháng 6/2014, đoạn từ Thanh Hóa-Hà Tĩnh bàn giao và đưa vào sử dụng từ ngày 31/1/2015.

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 5 vừa qua, một số đoạn tuyến đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa, gây ảnh hưởng đến ATGT. Cụ thể, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài bị hằn lún phải xử lý cao nhất tới gần 9km/29,2km.

Tương tự, đoạn qua tỉnh Nghệ An mặt đường những ngày qua cũng đã bị chảy nhựa, hằn lún cục bộ. Khu vực xuất hiện tình trạng chảy nhựa mặt đường kéo dài khoảng 100m qua địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, mặt đường hằn vết bánh xe. Nhà thầu thi công đã phải dùng xe bồn tưới mặt đường, song tình trạng không được cải thiện. Được biết, đoạn đường QL 1A qua Nghệ An do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư. Đoạn đường này vẫn đang trong thời gian bảo hành.

Nghiêm trọng nhất hiện là đoạn tránh Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), các phương tiện lưu thông qua đây đều bức xúc vì đường như rãnh, xe phải giảm tốc độ. Dự án này dài hơn 80km do Sở GTVT Hà Tĩnh và Ban QLDA ATGT (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đoạn nâng cấp QL1 qua Bình Thuận những ngày qua, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng liên tiếp có văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe.

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên đường.

Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt vật liệu đầu vào, quy trình thi công

Theo ông Triệu Khắc Dũng, Cục Phó Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông, giai đoạn 2012-2013, Bộ GTVT đã thành lập “Tổ đặc nhiệm” xử lý chất lượng mặt đường bê tông nhựa, do một Thứ trưởng làm Tổ trưởng. Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề khoa học cũng đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GTVT. Năm 2014, một số nguyên nhân dẫn đến hằn lún vệt bánh xe, đã được truy ra như thời tiết, chất lượng nhựa đường, chất lượng thi công, xe quá tải trọng…

Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông bày tỏ, hằn lún mặt đường là vấn đề khó khăn của các nước trong vùng khí hậu nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam. “Nghiên cứu hằn lún vệt bánh xe cần có thời gian để tổng kết, đưa ra các giải pháp khắc phục”, ông Triệu Khắc Dũng cho hay.

Trong khi đó, sau 2 ngày tiến hành nhiều biện pháp kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không phải xảy ra trên toàn tuyến, mà chỉ xuất hiện tại một số đoạn tuyến cá biệt. Trong hai ngày, tổ công tác sơ bộ đánh giá có 3 nguyên nhân cốt lõi, gồm công tác kiểm soát vật liệu đầu vào chưa được chú trọng, hệ thống thí nghiệm vật liệu chưa đạt yêu cầu, bê tông nhựa lúc thí nghiệm chất lượng đảm bảo, nhưng khi thi công chất lượng không tương xứng; quá trình thi công nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn kỹ thuật của Bộ và chủ đầu tư.

Theo vị Thứ trưởng này, tới đây Bộ GTVT sẽ có văn bản hướng dẫn quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu trong việc kiểm soát vật liệu đầu vào, kiểm soát trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu cho phép đưa vào sử dụng loại bê tông nhựa độ kim lún thấp 40-50, thay vì bê tông nhựa thông thường 60-70.

Vị này cũng nhấn mạnh: “Theo tôi quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào, quy trình thi công”. Thứ trưởng Đông cũng cho hay, hiện các Tổ công tác của Bộ vẫn đang tiếp tục “truy” tìm nguyên nhân dẫn đến hằn lún vệt bánh xe trên các tuyến đường. Sau ngày 20/6 sẽ có tổng hợp báo cáo cụ thể về vấn đề này.

Đặng Nhật
.
.
.