Có một nỗi ám ảnh kinh hoàng ở Hà Nội
- Hơn 6 tỷ đồng tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông
- Ùn tắc giao thông không còn quy luật
- Nếu biết nhường nhịn sẽ giảm ùn tắc kẹt xe
- Hà Nội sử dụng mọi nguồn lực để chống ùn tắc giao thông
- Chỉ cần ùn tắc là người dân sẵn sàng chen lấn, cho xe chạy lên vỉa hè
Thủ tướng Chính phủ đã phải họp khẩn với Hà Nội tìm giải pháp chống tắc đường. Và mới đây, Hà Nội đã phải “treo thưởng” cao nhất lên đến 200.000 USD cho sáng kiến chống kẹt xe. Trên nhiều tuyến đường, chuyện ùn tắc không còn theo quy luật bình thường chỉ xảy ra vào những khung "giờ cao điểm" mà xảy ra từ sáng đến tối…
Ở chuyên đề này, Báo CAND tiếp tục đi tìm giải pháp tối ưu cho giao thông Hà Nội.
Bài 1: Ngõ nhỏ, phố lớn đều tắc
Nếu không muốn con muộn giờ học, chỉ có cách đưa con đến trường sớm; nếu không muốn đi làm muộn, cũng chỉ có cách đi sớm hẳn; thế nhưng, chiều về, không thể tan làm sớm để đón con; cũng không thể về trước để tránh tắc đường. Kiểu gì cũng gặp cảnh “chôn chân trên đường”. Nhiều người tỏ ra ngao ngán khi lưu thông trên đường phố Thủ đô vào dịp cuối năm này.
Giờ nào cũng là “giờ cao điểm”
Chọn 3 ngày cuối tuần để đi vòng trên một số tuyến đường vốn được coi là điểm đen ùn tắc, vào những khung giờ khác nhau, chúng tôi nhận thấy trên hầu hết các tuyến đường, ùn ứ thì xảy ra thường xuyên, còn thông thoáng là điều... hiếm.
9h30 sáng, tại đường Cầu Giấy, các phương tiện vẫn nhích từng chút một. Xe buýt cũng nối đuôi nhau thành hàng. Không nhích cũng khó, bởi con đường vốn chỉ rộng chừng 12m, nay đã bị ngăn tới gần nửa để phục vụ thi công đường sắt trên cao tuyến số 2. Vì thế, để thoát khỏi cả đoạn đường chỉ khoảng 2km, thay vì đi chừng 15 phút, nay người dân thường xuyên phải lưu thông chừng 30, thậm chí có lúc tới gần tiếng đồng hồ.
Gần 11h, chúng tôi tiếp tục di chuyển từ Cầu Giấy qua đường Láng, về Giảng Võ, rồi về Khâm Thiên, tình trạng ùn tắc không xảy ra, nhưng tốc độ lưu thông cũng “rùa bò”. 17h chiều, chúng tôi lại có mặt tại khu vực ngã ba Pháp Vân nối đường Tam Trinh, vì là ngày cuối tuần, lượng phương tiện đi từ trung tâm thành phố ra ngoại thành tăng nhanh chóng.
Đường Giải Phóng rộng là thế, song phương tiện cũng ken cứng đường, nhất là đến vòng xuyến ngã ba Pháp Vân ra hướng đường cao tốc, và hướng Tam Trinh đi thẳng ra Pháp Vân, rẽ vào Giải Phóng.
Những ngày này, nhiều tuyến phố ở Hà Nội luôn trong tình trạng ùn tắc. |
Chị Minh Yến nhà ở Hà Đông nhưng cơ quan trên đường Tam Trinh, chia sẻ: “Chiều nào đi làm về cũng như cực hình. Hôm nay nhà có việc, dù chủ động xin nghỉ làm sớm nửa tiếng để về cho đỡ tắc, thì không ngờ, trên đường có vụ va quệt, thế là đứng chôn chân trên đường Tam Trinh đoạn gần vòng xuyến Pháp Vân từ 16h đến 17h30 chưa thoát nổi”.
Cùng chung cảnh ngộ, ở đường trên cao hướng Nguyễn Trãi - Pháp Vân, tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra. Hầu như các tài xế chỉ còn biết ngồi lì trong xe nghe nhạc và ngóng tin từ kênh VOV giao thông.
Không riêng gì trục đường phía Nam, có thể điểm mặt hàng loạt tuyến đường dễ ùn tắc trên trục đường phía Tây như Tố Hữu, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi; Tuyến đường Cầu Diễn – Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy (Hà Nội); cửa ngõ phía Tây Bắc có đường Phạm Hùng…
Xử lý xong điểm này lại phát sinh điểm khác
Theo thống kê, năm 2010 toàn thành phố Hà Nội có 124 điểm ùn tắc, giảm còn 41 điểm vào năm 2016. Thế nhưng, trong năm 2016, lực lượng chức năng xử lý được 20 điểm ùn tắc thì đến cuối năm lại phát sinh thêm 17 điểm khác.
Cùng với việc phát sinh điểm ùn tắc mới, thì số lượng phương tiện cá nhân cũng gia tăng chóng mặt. Tính đến nay, Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy (tăng trung bình 7,66% so với giai đoạn 2010-2015); 546.000 ôtô các loại (tăng trung bình 12,9% giai đoạn 2010-2015), trên 1 triệu xe đạp; trên 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố.
Như vậy, bình quân hàng tháng có 18.000-22.000 xe máy, 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Trong khi đó, hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng quá chậm phát triển, không thể đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện giao thông.
Thạc sĩ Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải) chia sẻ: Theo tính toán của các chuyên gia nếu 60% số phương tiện của thành phố (giả định 50% đăng ký tại Hà Nội và khoảng 10% phương tiện vãng lai) lưu thông trong đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng mặt đường vượt 236%. Con số này trong vành đai 3 được tính là 354% (3,54 lần năng lực hạ tầng).
Tương tự như vậy, nếu kịch bản phát triển phương tiện theo xu thế tự nhiên thì 3 năm nữa, đến năm 2020 toàn thành phố sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng với con số diện tích chiếm dụng của phương tiện vượt 3 lần, trong vành đai 3 vượt 4,75 lần và đây là kịch bản ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi toàn thành phố.
Cùng đó, các tính toán cho thấy đến năm 2025- 2030 trong vành đai 3 với kịch bản trên diện tích chiếm dụng mặt đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt so với năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị lần lượt là 7,58 lần và 10,56 lần. Tức là các phương tiện tham gia giao thông không thể di chuyển được nữa. Điều này cho thấy việc tăng cường quản lý phương tiện cá nhân đang hết sức cần thiết và không thể chậm trễ.
Căn cứ vào số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu TDSI tại 21 nút giao thông chính tại các cửa ngõ ra vào thành phố thực hiện tháng 7 năm 2016 cho thấy: Tỷ lệ ôtô con chiếm 14,38% về lượng nhưng lại chiếm 42,18% diện tích mặt đường. Tỷ lệ chiếm dụng mặt đường của ôtô, xe máy tại khu vực các nút giao thông xấp xỉ nhau (ôtô chiếm 42,18%, xe máy chiếm 43,62%), số còn lại là xe buýt và các loại xe khác. Do vậy, có thể thấy chiếm dụng mặt đường chủ yếu là do phương tiện cá nhân (ôtô con, xe máy) chiếm đến 85,8% diện tích mặt đường đô thị. |