“Tuyên truyền cho người dân” để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy
- BOT Cai Lậy mở dải phân cách mềm để tránh ùn ứ giao thông
- BOT Cai Lậy chuẩn bị tiền 100 đồng để trả lại tài xế
- Bộ GTVT sẽ "tuyên truyền" để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy?
Trao đổi với PV tại phiên họp báo diễn ra ngay sau phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cho biết thêm: Do hiện nay cứ ách tắc trên 500m thì phải xả trạm, nên cơ quan chức năng không để trạm nào ách tắc kéo dài, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
“Tất nhiên, trạm Cai Lậy cũng có một số quá khích, không ủng hộ, ví dụ đánh xe đến ngay trạm thu phí rồi bỏ xe đấy đi chơi... Các trường hợp sẽ xử lý theo pháp luật” – ông Nhật cho biết.
Chiều 1-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ra thông cáo cho biết, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại Trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
“Trong quá trình triển khai dự án đã nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, trình tự thủ tục tuân thủ quy định pháp luật", thông cáo nêu.
Về vị trí trạm, Bộ GTVT khẳng định đã nghiên cứu các phương án đầu tư tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đồng thời nghiên cứu phương án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60km/h do đi qua đô thị.
Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn. Trong khi đó, nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/h. Như vậy, chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên quốc lộ 1.
Bộ GTVT đã nghiên cứu 2 phương án đặt trạm thu phí. Theo đó, nếu đặt trạm trên quốc lộ 1 sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường quốc lộ 1 được cải tạo; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh.
Với phương án trạm thu giá đặt trên tuyến tránh, có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu các phương tiện đi vào thị trấn Cai Lậy), nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên quốc lộ 1, do các phương tiện sẽ tránh trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh.
Trường hợp mặt đường quốc lộ 1 không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên đoạn qua thị trấn Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.
Đối với dự án này, trạm thu giá nằm trong phạm vi dự án, tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo khoảng cách >70 km (cách trạm An Sương - An Lạc > 80 km; trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp >79 km).
Mức giá tại trạm Cai Lậy đã được xây dựng trên cơ sở khung mức giá quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính, tương đồng với các dự án BOT khác trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.