Trông xe dưới gầm cầu ảnh hưởng đến an toàn công trình và giao thông

Thứ Ba, 12/03/2019, 08:53
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, UBND thành phố Hà Nội mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi một số điều trong Thông tư số 35 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đề xuất này, Hà Nội kiến nghị cho phép thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại một số vị trí dưới gầm cầu đến hết năm 2023.

Lý giải cho đề xuất trên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT cho rằng, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông tĩnh. “Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân”, ông Tuấn nêu.

Theo ông Tuấn, trước khi Thông tư 35 có hiệu lực, Hà Nội có 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đã được thành phố cấp phép.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên trông giữ xe dưới gầm cầu để tránh nguy cơ cháy nổ.

Cụ thể, 4 điểm gầm cầu gồm: Vĩnh Tuy, phía bên ngoài đê. Gầm cầu Chương Dương được tận dụng để trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Điểm này chỉ phục vụ vào các tối cuối tuần, từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Điểm thứ ba tại gầm cầu vượt Ngã tư Vọng do UBND quận Đống Đa và Bệnh viện Bạch Mai đề nghị cho trông giữ phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cuối cùng là điểm trông giữ tại gầm cầu vượt Mai Dịch, phục vụ lưu giữ xe vi phạm do các lực lượng chức năng xử phạt. Đến nay, theo tinh thần của Thông tư, 4 điểm này không được phép trông giữ. “Nhu cầu của người dân quá lớn, việc tổ chức khai thác các điểm nêu trên đã ổn định, an toàn trong nhiều năm qua. Do đó, TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 35, cũng như trong thời gian từ nay đến 2023 cho phép Hà Nội tiếp tục duy trì 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu hiện có”, ông Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, đại diện Bộ GTVT khẳng định, gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định tại Điều 52 Luật Giao thông đường bộ. Việc chiếm dụng gầm cầu để trông, giữ xe sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông do thiết kế công trình, hạng mục công trình này không có mục đích trông giữ, giữ xe dưới gầm cầu.

Vị này cũng dẫn chứng cụ thể, theo khoản 4 Điều 22 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định: “Các kho chứa vật liệu nổ, vật liệu có nguy cơ cháy cao, hoá chất độc hại, các mỏ khai thác vật liệu có sử dụng mìn phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ một khoảng cách bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải do cháy, nổ và ô nhiễm theo quy định của pháp luật”.

Do đó, theo quy định này, bãi trông giữ xe phải đươc bố trí nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ do các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chứa một lượng nhiên liệu nhất định có khả năng gây cháy, nổ nếu xảy ra sự cố và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Ngoài ra, việc chiếm dụng gầm cầu làm nơi trông, giữ xe ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy nổ do khoảng không dưới gầm cầu bị chiếm dụng sẽ cản trở cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn dưới gầm cầu. Mặt khác, do khoảng không dưới gầm cầu bị chiếm dụng sẽ gây một số khó khăn nhất định khi thực hiện bảo trì công trình cầu.

Nói cụ thể hơn về kiến nghị của Hà Nội, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho hay, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 9-10-2017 của Bộ GTVT là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật tại các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn. Do vậy, việc kiến nghị điều chỉnh một số nội dung Thông tư số 35 cho phép Hà Nội được tiếp tục tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu hết năm 2023 là không phù hợp với quy định.

Thực tế trước khi Thông tư 35 có hiệu lực (tháng 12-2017) trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều nơi được "trưng dụng" làm bãi gửi xe như gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Thanh Trì... khiến nhiều người dân bức xúc. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng gầm cầu vượt làm điểm trông giữ xe cộ sẽ gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là giờ cao điểm, chưa kể đến nguy cơ cháy nổ cao khi nhiều phương tiện được để chung một chỗ.

Bên cạnh đó, nhiều gầm cầu bị trưng dụng làm kho để hàng, kinh doanh hàng quán cũng có nguy cơ cháy nổ. Nếu xảy ra cháy nổ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu dầm cầu, nguy cơ cầu sập là hậu quả có thể xảy ra.

Nhật Uyên
.
.
.