Thụy Điển hiến kế giúp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam

Thứ Năm, 08/11/2018, 17:21

Không chỉ chia sẻ các kinh nghiệm trong quản lý điều hành giao thông giúp giảm thiểu thương vong, trong khuôn khổ Hội thảo "Hướng tới nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam" diễn ra sáng 8-11 tại Hà Nội, các chuyên gia Thụy Điển đã đề xuất những giải pháp mới nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Hội thảo" Hướng tới nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam" do Uỷ Ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Từ chiến lược "Vision Zero" giảm thiểu thương vong Thụy Điển

Tại hội thảo, diễn giả Matts-Ake Belin, Chuyên gia Chiến lược về an toàn giao thông đến từ Cơ quan Giao thông Thuỵ Điển đã chia sẻ chiến lược "Zero Vision - Tầm nhìn hướng tới không thương vong trong giao thông" được chính phủ Thụy Điển áp dụng thành công trong thời gian qua.

Các đại biểu tham dự hội thảo theo dõi phần thuyết trình của các diễn giả.

"Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông có đến 90% là do con người. Vì vậy, chiến lược tập trung vào yếu tố con người, bên cạnh đó nâng cao vai trò trách nhiệm trong đảm bảo an toàn giao thông", ông Matts Ake Belin cho biết. Cũng theo ông, những sai lầm của con người là không tránh được và không tiên đoán được, vì thế hệ thống giao thông cần phải được thiết kế để dự liệu những sai lầm, giảm thiểu rủi ro và thương vong, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ông nhận định, yếu tố lớn giúp Thụy Điển giảm số vụ tai nạn giao thông, trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới về giao thông là nhờ việc quy hoạch các con đường, trong đó ưu tiên yếu tố an toàn trên cả tốc độ và sự tiện lợi. Tốc độ giới hạn trong thành phố thấp hơn, khu vực đi bộ và rào cản tách biệt đường cho xe đạp với đường cho xe cơ giới.

Đến việc áp dụng mô hình giao thông thông minh tại Việt Nam

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định, thủ đô đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra.

Từ đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao hoạt động vận tải hành khách công cộng, các đô thị như Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh tìm kiếm và áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tiên tiến trong điều hành giao thông, trong đó nổi bật là hệ thống giao thông thông minh.

Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia về an toàn giao thông tại Việt Nam và Thụy Điển.

Ủng hộ những đề xuất và giải pháp này, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu Thuỵ Điển trong lĩnh vực sản xuất và tích hợp các thiết bị an toàn trên xe ô tô như Volvo, Axis, Scania đã giới thiệu tới hội thảo những; kỹ thuật và thiết bị trong việc đảm bảo an toàn cho lái xe cũng như giảm thiểu các thương vong khi va chạm giao thông, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các địa phương Việt Nam trong việc triển khai những mô hình kỹ thuật này.

Khẳng định sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, Đại sứ Pereric Högberg nhấn mạnh: "Thụy Điển và Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong phát triển giao thông để giao thông an toàn hơn. Chúng ta cùng phối hợp, tìm giải pháp để đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông xuống gần như bằng 0. Việt Nam thời gian qua đã liên tục giảm thương vong do tai nạn giao thông, đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục nỗ lực theo hướng này".

Sự cần thiết của các nhà làm luật và lực lượng chức năng

 Diễn giả Matts-Ake Belin, Chuyên gia Chiến lược về an toàn giao thông đến từ Cơ quan Giao thông Thuỵ Điển chia sẻ bên lề hội thảo.

Trả lời phỏng vấn của Báo CAND bên lề hội thảo, chuyên gia Matts-Ake Belin chia sẻ, trong những năm vừa qua, Thụy Điển đã thay đổi phương thức nâng cao an toàn giao thông, theo đó dịch chuyển trách nhiệm từ cá nhân tham gia giao thông sang các nhà hoạch định chính sách và đơn vị chức năng, nhằm xây dựng một hệ thống giao thông an toàn từ thể chế, đến thiết kế kỹ thuật, cơ sở hạ tầng.

Song ông cũng khẳng định rằng, cùng với sự phát triển của các trang thiết bị kỹ thuật, vai trò của lực lượng công an và cơ quan hành pháp trong giám sát và đảm bảo an toàn giao thông là vô cùng cần thiết. Các tiến bộ về kỹ thuật như camera giám sát, theo dõi giảm tốc sẽ hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia về giao thông và thiết kế hạ tầng cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm đắt giá trong việc xây dựng và cải cách hệ thống giao thông, song hành cùng với nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó hướng đến việc xây dựng một môi trường tham gia giao thông an toàn, lành mạnh.

An Nhiên
.
.
.