Thông xe cầu Thăng Long sau gần 5 tháng sửa chữa

Thứ Năm, 07/01/2021, 12:48
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức thông xe và đưa vào sử dụng cầu Thăng Long sau 150 ngày thi công sửa chữa mặt cầu bằng công nghệ hiện đại.


Sáng 7/1, việc sửa chữa mặt đường tầng 2 cầu Thăng Long (Hà Nội) đã hoàn thành và chính thức thông xe đưa vào sử dụng, sau 5 tháng phải đóng cầu để sửa chữa. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát lệnh thông xe.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu kiểm tra chất lượng mặt cầu Thăng Long sau khi được sửa chữa.
Để sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các kỹ sư đã áp dụng giải pháp là sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bêtông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bêtông thông thường. Sau khi hoàn thành rải bêtông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bêtông nhựa polime dày tối thiểu 4 cm. Với phương án này, mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bêtông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm. Trong ảnh là mặt cầu Thăng Long sau 5 tháng được sửa chữa bằng công nghệ mới. 
Phát biểu phát lệnh thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai 3 thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và với các tỉnh, thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trên cơ sở ứng dụng thành công sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ GTVT nghiên cứu hoàn thành các chỉ dẫn kỹ thuật để làm các công trình tiếp theo có hiệu quả, chất lượng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe Dự án sửa chữa cầu Thăng Long.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ năm 1974, khánh thành năm 1985. Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 336 m. Cầu gồm 2 tầng: Cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, và cầu đường ôtô nằm ở tầng trên. 
Sau hơn 15 năm khai thác, phần mặt đường ôtô trên cầu chính đã xuất hiện các hư hỏng. Từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ, đến trước năm 2020, các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nguyên nhân chính gây hư hỏng mặt cầu do cấu tạo của bản thép mặt cầu dày 14mm là mỏng so với tiêu chuẩn hiện nay (tối thiểu bằng 18mm). Do đó, bản mặt cầu thép biến dạng uốn quá mức, gây nứt lớp bêtông nhựa bên trên.
Cũng trong sáng 7/1, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án điều chỉnh phục hồi lộ trình các tuyến buýt sau khi thi công xong và thông xe dự án sửa chữa cầu Thăng Long. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến (15 tuyến trợ giá và một tuyến không trợ giá) theo như phương án vận hành trước khi điều chỉnh phục vụ thi công cầu Thăng Long. 
N.Thắng - P.Sơn
.
.
.