Thành lập thêm 13 trạm thu phí đến năm 2025

Thứ Năm, 30/07/2015, 10:32
TP Hồ Chí Minh hiện có 7 trạm thu phí đang hoạt động gồm: trạm Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu, An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, Nguyễn Văn Linh, Chợ Đệm (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương), trạm thu phí Long Phước (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Riêng trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn, quận 2 hiện chưa hoạt động.

Về vị trí đặt trạm thu phí hiện nay vẫn còn một số nơi chưa được như mong muốn. Tiêu biểu như trạm thu phí xa lộ Hà Nội đặt ngay trước Công ty Hà Tiên 1 (Thủ Đức) gần chân cầu Rạch Chiếc, nhưng phía trước đó là nút giao cắt với hàng trăm xe đầu kéo, container tấp nập ra vào cảng Trường Thọ, thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông, tắc nghẽn luồng xe lưu thông về hướng cầu Sài Gòn và Cảng Cát Lái.

Trong khi đó, trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh gần như trống vắng, thưa thớt xe qua lại. Trừ luồng xe tải đi về các tỉnh miền Tây hướng từ cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ, còn lại các loại ôtô đang tận hưởng đại lộ Võ Văn Kiệt rộng thênh thang đang miễn phí từ hầm Thủ Thiêm đến nút giao An Lạc.

Cảnh kẹt xe khu vực trạm thu phí xa lộ Hà Nội thường xuyên.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình hoạt động các trạm thu phí các dự án BOT trên địa bàn thành phố. Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ có tổng cộng 20 trạm, trước mắt đến năm 2020 có thêm 6 trạm.

Dự kiến, các trạm thu phí mới sẽ đặt tại các đường trục chính, đường chuyên dụng kết nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến Vành đai 3, QL22, tỉnh lộ 15, nối KCN Phú Hữu - đường Nguyễn Duy Trinh và 5 tuyến đường trên cao Metro 1 đến Metro 5.

Các trạm mới sẽ được đặt trên hệ thống đường như cao tốc (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài), hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ (Quốc lộ 22, tỉnh lộ 15), hệ thống vành đai (vành đai 3) hệ thống đường trục chính, đường chuyên dụng (tuyến nối Đại lộ Đông - Tây với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến nối KCN Phú Hữu với đường Nguyễn Duy Trinh) và 5 tuyến đường trên cao (tuyến số 1 đến tuyến số 5).

Theo luật sư Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường không quá 70km, ở TP.HCM lập trạm thu phí khác tuyến đường nhưng chỉ cách nhau khoảng 8km là khá dày đặc. Hiện các doanh nghiệp ngành giao thông đang chịu nhiều loại phí, việc có thêm nhiều trạm thu phí ở TP sẽ làm tăng cao giá cước vận tải hàng hóa.

Hoàng Châu
.
.
.