Tập trung thông tuyến, xóa thế cô lập ở vùng cao Quảng Nam

Thứ Ba, 22/09/2020, 15:26
Do tuyến đường độc đạo ĐT606 nối lên các xã vùng cao, biên giới của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam gồm Axan, Gari, Ch’ơm vẫn chưa được khắc phục xong tình trạng sạt lở nên các xã này vẫn đang bị cô lập.

Ngày 22/9, đoàn công tác của huyện Tây Giang do ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, dẫn đầu cùng đoàn công tác Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục sạt lở trên tuyến ĐT606, tuyến đường độc đạo nối lên 4 xã biên giới là Axan, Tr’hy, Gari, Ch’ơm.

Trên đường đi, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, ngành Giao thông đã sử dụng nhiều phương tiện, nhân lực để thông tuyến tỉnh lộ này nhằm sớm xóa thế cô lập cho các xã biên giới. Tuy nhiên, do trên tuyến ĐT606 có nhiều điểm sạt lở nặng cộng với địa hình núi dốc nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Khắc phục điểm sạt lở tại Km46 tuyến ĐT606 (xã Tr'hy, huyện Tây Giang).

Tính đến tối 21/9, lực lượng chức năng đã cơ bản khắc phục xong các điểm sạt lở trên tuyến ĐT606 đến địa bàn xã Tr’hy. Từ Km46 tuyến ĐT606 trở lên các xã Axan, Ch’ơm, Gari, ngành Giao thông Quảng Nam vẫn đang tiếp tục khắc phục tình trạng sạt lở nhằm xóa thế cô lập cho các xã này.

Tại Km46 tuyến ĐT606, chúng tôi nhận thấy một số người dân xã Axan do có người thân bị bệnh nên đã nỗ lực kéo xe máy qua điểm sạt lở để xuống Trung tâm Y tế huyện chữa bệnh. Anh Pơlong Nhái, một người dân xã Axan, cho biết do mưa lũ nên tuyến đường ĐT606 bị sạt lở rất nặng. Nhưng do con anh bị bệnh nên vợ chồng vẫn cố gắng đưa con vượt đoạn đường 40km xuống Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chữa trị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bhling Mười, Bí thư Đảng ủy xã Tr’hy, huyện Tây Giang, cho biết mặc dù tuyến ĐT606 qua địa bàn xã đã thông xe, song vẫn còn 2 thôn trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn là A Riêu có 36 hộ dân do tuyến đường vào thôn bị sạt lở nặng; thôn A Banh 2 có 62 hộ dân bị cô lập do cây cầu treo bắc qua suối K’noonh vào thôn bị lũ cuốn trôi.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam, cho biết đang tập trung lực lượng, phương tiện để nỗ lực thông xe đến xã Axan trong tối 22-9. Còn đoạn tuyến ĐT606 từ xã Axan đi xã Ch’ơm, Gari dự kiến cơ bản khắc phục xong sạt lở vào cuối tuần này.

Người dân vất vả đưa xe vượt qua điểm sạt lở tại Km46 trên tuyến ĐT606.

Trong khi đó, ông Bhling Mia cho biết thống kê sơ bộ huyện Tây Giang có 130 điểm sạt lở trên tuyến ĐT606 và toàn bộ tuyến giao thông ĐT, ĐH cũng như tuyến đường đi vùng cao, các tuyến giao thông nông thôn tại địa bàn các xã đều bị sạt lở đất đá trên ta luy âm, ta luy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy.

Huyện Tây Giang đã chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết để khi tuyến ĐT606 được thông xe đến Axan sẽ chở ngay lên phân phát cho người dân địa phương, tuyệt đối không để người dân thiếu đói sau mưa lũ. Bên cạnh đó, huyện Tây Giang cũng đang có kế hoạch trích từ Quỹ nghĩa tình biên giới để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân cụm bản Tà Vàng, huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Ông Bhling Mia (phải) trao đổi với phóng viên Báo CAND về công tác khắc phục sạt lở đường do mưa lũ trên địa bàn huyện Tây Giang.

“Trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào ngày 18/9, rất may trên địa bàn huyện Tây Giang không có thương vong về người. Có được điều đó là nhờ trong 5 năm qua, huyện Tây Giang đã tập trung triển khai 115 mặt bằng để di dời người dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các xã, các cơ quan chức năng huyện rà soát, thống kê để tiếp tục di dời người dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện Tây Giang đã và đang củng cố lại phương án phòng chống lụt bão của huyện vì mùa mưa lũ năm nay còn nhiều diễn biến phức tạp”, ông Bhling Mia cho biết thêm.

Ngọc Thi
.
.
.