Nghìn lẻ lý do xin tăng phí giao thông: Dồn cái khó cho dân

Thứ Năm, 07/04/2016, 09:18
Một chiếc ôtô cá nhân để đi được ra đường đã “cõng” tới gần 20 triệu các loại phí, lệ phí nay lại “oằn mình” với những trạm thu phí luôn có xu hướng nhấp nhổm tăng giá.


Đầu tháng 4-2016, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã chính thức tăng phí. Tiếp theo đó, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng có đơn đệ trình lên Bộ GTVT xin tăng phí Cầu Giẽ-Ninh Bình lên thêm 500đ/phương tiện/km. Chưa dừng lại, dù đã quá hạn bàn giao trạm thu phí Phả Lại, thay vì phải khai tử thì trạm này lại tiếp tục được kéo dài thời gian thu phí…

Hàng loạt lý do đã được các đơn vị đầu tư đưa ra nhằm tăng phí, kéo dài thời gian thu phí. Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, họ không có lựa chọn nào khác là bắt buộc phải lưu thông trên các tuyến đường này. Như một lẽ tất yếu, dù muốn hay không thì người dân vẫn phải móc tiền… trả phí. 

Nghìn lẻ lý do xin… tăng phí

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho phép tăng phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên thêm 500đ/phương tiện/km. Thời gian đề xuất tăng từ ngày 15-5-2016.

Phí đường bộ tăng cao khiến người dân lo ngại giá cả tăng theo.

Lý giải về nguyên nhân xin tăng phí, ông Nguyễn Chí Chung, Chánh văn phòng của VEC cho biết, từ cuối tháng 12-2015, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và hiện đại hóa tuyến đường, VEC đã hoàn thành lớp bê tông nhựa tạo nhám cùng với các hạng mục phụ trợ như an toàn giao thông, mở rộng trạm thu phí, hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh (ITS) cũng được hoàn thiện đồng bộ với giá trị đầu tư khoảng 590 tỷ đồng, đảm bảo là tuyến cao tốc hiện đại nhất cả nước; và kể từ ngày 20-2-2016, tất cả các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này đã được phép điều chỉnh tốc độ tối đa lên 120km/h.

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 21% so với thời điểm đưa tuyến đường vào khai thác vận hành, trong khi đó VEC vẫn giữ nguyên mức thu phí như thời điểm bắt đầu đưa dự án vào khai thác giai đoạn 1 (ngày 14-11-2011) là 1.500 đồng/phương tiện/km. Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với phương án tài chính của Dự án cũng như thực hiện khai thác vận hành ngày một tốt hơn theo xu thế văn minh, hiện đại, VEC xin phép Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức thu phí đối với các xe loại tăng thêm 500 đồng/phương tiện/km. 

Cùng lúc VEC có văn bản xin tăng phí, thì cũng là lúc nhà đầu tư Trạm thu phí Phả Lại trên Quốc lộ 18 xin lùi thời hạn “khai tử” trạm phí. Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Thành phố Uông Bí-Hạ Long theo hình thức BOT được Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao quyền thu phí, cho phép sử dụng trạm thu phí Phả Lại (tại km23+800, Quốc lộ 18 tỉnh Bắc Ninh) trong thời hạn là 53 tháng 3 ngày, thời gian dự kiến bàn giao là ngày 1-10-2011, kết thúc là ngày 3-3-2016.

Tuy nhiên, thực tế thời gian bàn giao trạm thu phí Phả Lại cho nhà đầu tư là từ 0 giờ ngày 3-12-2011. Tại Phụ lục số 0l/PLHĐBOT-BGTVT ngày 16-5-2014 ký giữa Bộ Giao thông Vận tải (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền) với nhà đầu tư chưa điều chỉnh thời gian thực tế bàn giao trạm thu phí Phả Lại.

Tính từ thời điểm bàn giao trạm thu phí Phả Lại ngày 3-12-2011 đến ngày 20-3-2016, số thu thực tế vẫn chưa đủ hoàn vốn cho nhà đầu tư. Để đảm bảo thời gian thu phí và mức hỗ trợ của Nhà nước cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long theo hợp đồng đã ký, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng phương án hỗ trợ dự án bằng nguồn thu phí trạm thu phí Phả Lại và dự thảo phụ lục hợp đồng BOT điều chỉnh thời hạn kết thúc thu phí vào 12 giờ trưa ngày 5-5-2016.

Trước đó hồi tháng 1-2016 một loạt các trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A đã đồng loạt tăng phí từ 30.000 đến 35.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 ghế ngồi; và tăng từ 160.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet. Đến ngày 1-4, mức phí lại tăng tại hai trạm ở Quốc lộ 5 lên 50% so với mức thu trước đó; còn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới đưa vào khai thác toàn bộ từ cuối năm 2015 cũng đã tăng 25%.

Dồn cái khó cho dân

Nhắc đến tình trạng các trạm thu phí BOT ồ ạt tăng mức thu phí từ đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng nhìn nhận: Thực ra, từ năm 2002 đến 2015, chúng ta mới tăng phí đường bộ qua các trạm BOT 2 lần. Một lần là 10.000 đồng/xe tiêu chuẩn, lần thứ 2 là tăng lên 20.000 đồng/xe tiêu chuẩn và hiện tại là 30.000 đồng/xe tiêu chuẩn. 


Ông Trường cho rằng: “Việc tăng là cần thiết và hợp lý, nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện: việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế.”

Lãnh đạo Bộ GTVT thì nói như vậy, nhưng mới đây, không ít chủ phương tiện giao thông đã “than” trên các trang mạng xã hội rằng: Chỉ riêng việc di chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ đã phải trả tới 19 loại phí, tương ứng 19 trạm thu phí với mức thu gần 500.000 đồng.

Cũng có chủ phương tiện tính toán rằng đi từ Hà Nội xuống Thái Bình, cung đường chỉ hơn 120km nhưng cũng phải qua tới 4 trạm là: Pháp Vân, Cầu Giẽ, Hà Nam, Thái Bình với khoản tiền chi ra là 125.000 đồng. Một chiếc ôtô cá nhân để đi được ra đường đã “cõng” tới gần 20 triệu các loại phí, lệ phí nay lại “oằn mình” với những trạm thu phí luôn có xu hướng nhấp nhổm tăng giá. Chưa kể giá cả các mặt hàng cũng sẽ tăng rất nhanh khi chi phí vận chuyển tăng. Rõ là dồn cái khó cho dân.

Nên có lộ trình giãn khoảng cách các trạm thu phí

Chiều 6-4, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, việc các chủ đầu tư tìm cách tăng bằng được, thu bằng được phí BOT đã đi ngược lại những điều trước đây mà lãnh đạo các Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã từng hứa với người dân. “Họ từng hứa rằng khi làm đường thì các trạm thu phí phải cách nhau 70km nhưng mà bây giờ các trạm BOT chỉ cách nhau 20, 30 km thôi.

Tuyến Hà Nội – Thái Bình chỉ có 100 km nhưng có tới 4 trạm thu phí. Hay như đặt những trạm người dân không đi vào con đường ấy mà vẫn thu phí, như trạm BOT ở Quán Hàu – Quảng Bình gây bức xúc dư luận.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ GTVT từng khẳng định, khi làm đường cao tốc thì vẫn có đường cũ song song. Nếu ai muốn đi nhanh, tiết kiệm xăng dầu thì đi đường mới phải nộp phí và ai không muốn thì đi đường cũ. Tuy nhiên theo ông Liên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, người dân đang phải è cổ gánh phí cao. “Hiện nay phí đường 5 cũ tăng lên 50%, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng tăng 25%. Như thế là tức là các cam kết của các cơ quan quản lý với người dân không đúng.

Phạm Huyền
.
.
.