Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019

Tăng mức xử phạt, vi phạm và tai nạn giao thông đều giảm

Thứ Sáu, 10/01/2020, 08:47
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NÐ-CP xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt tăng nặng được đánh giá là liều thuốc mạnh để trị căn bệnh nhờn luật.


Mức phạt cao nhất tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng đối với lái xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mi-li-gam/100 mi-li-lít máu hoặc vượt quá 0,4 mi-li-gam/1 lít khí thở khiến nhiều người đã thực sự “biết sợ” sau khi uống rượu, bia không dám lái xe mà thuê xe ôm, taxi để đi về; nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng tổ chức dịch vụ hỗ trợ khách hàng gửi xe qua đêm hoặc đưa khách về nhà... Đó là những chuyển biến bước đầu được ghi nhận.

“Đánh vật” với các “ma men”

Đi cùng lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nồng độ cồn chúng tôi mới thấy hết những vất vả, khó khăn trong công tác này. Xử lý người vi phạm tỉnh táo đã khó, nhưng xử lý người say xỉn khó gấp vạn lần bởi họ thường không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, thậm chí dây dưa, chống đối. Anh em CSGT thường nói đùa, xử lý người vi phạm nồn độ cồn không khác gì “đánh vật” với các ma men nhưng dù khó cũng kiên quyết phải thực hiện.

Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Điển hình như trường hợp lái xe Lê Khắc T bị Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn TTKS đường bộ, Cục CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Khi lực lượng CSGT yêu cầu xuống xe để kiểm tra, lái xe T không chịu xuống mà cứ ngồi im trên xe không chấp hành. 

Sau khi buộc phải xuống xe người ông T nồng nặc mùi rượu, nói năng không còn mạch lạc. Lực lượng chức năng yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng lái xe cứ loanh quanh không thổi hoặc thổi không đủ hơi nên không đo được. Cuộc làm việc giữa tổ CSGT với lái xe T kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ. 

Kết quả, nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe Lê Khắc T là 0,719mg/l khí thở, vượt mức 0,4mg/l khí thở, vi phạm mức cao nhất trong khung xử phạt về nồng độ cồn. Với mức vi phạm trên, lái xe Lê Khắc T đã phải nộp phạt 35 triệu đồng, bị tước GPLX 23 tháng. Đây cũng là một trong những người đầu tiên chịu mức phạt cao như vậy.

Tối 3-1, tại Hà Nội, tổ công tác đặc biệt Y9/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại đường Nghiêm Xuân Yêm cũng phải xử lý trường hợp tương tự như vậy. Khi phát hiện xe ôtô SantaFe màu trắng BKS 30A-677.37 chạy tốc độ cao nên tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe. 

Lái xe là Nguyễn Công Dũng không phối hợp kiểm tra và phải hơn 2 giờ sau, tổ công tác mới đo được nồng độ cồn với mức 1,191 miligam/lít khí thở, gấp gần 3 lần mức xử phạt cao nhất. Tài xế Dũng đã bị lập biên bản xử phạt 40 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng. 

Tương tự là trường hợp tài xế Võ Thanh Hải, điều khiển xe ôtô BKS 37A-398.76, chở theo con nhỏ trên đường Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An. Tài xế vi phạm mức 0,359 mg/lít khí thở nhưng không ký vào biên bản, liên tục bỏ đi gọi điện thoại. Sau hơn 1 tiếng, cảnh sát buộc phải đưa cả người và xe về trụ sở. 

Cũng tại địa điểm trên, tài xế Phạm Văn M. (SN 1981) trú tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An) có biểu hiện say xỉn, chống đối bằng cách đóng cửa xe bỏ đi, sau đó gọi vợ mình tới và nói vợ mới là người lái xe. Lực lượng chức năng phải cẩu xe và đưa cả người điều khiển về trụ sở, lập biên bản và phạt tài xế M. 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Đêm 7-1, theo chân tổ công tác 141 ghi nhận thực tế tại các quán nhậu, chúng tôi nhận thấy người dân tham gia giao thông trên đường đã có ý thức hơn trong việc sử dụng rượu bia. 

Tại chốt Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, trong vòng nửa tiếng, CSGT đã dừng xe 5 trường hợp, tuy nhiên chỉ 1 trong 5 trường hợp là vi phạm nồng độ cồn với mức 0,080mg/l khí thở. Người điều khiển xe mô tô vi phạm cho biết, do vừa qua nhà bạn ăn giỗ, nể quá nên đã nhấp 1 chén rượu. Vị này cũng cho hay, sẽ chấp hành nghiêm việc xử phạt vì đã biết rõ luật. 

Cũng tại thời điểm này, ở khu vực Võ Thị Sáu, Đại úy Nguyễn Văn Hậu, tổ trưởng một tổ công tác 141 thông tin, đơn vị đã tiến hành xử lý được 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Hầu hết các trường hợp này đều chấp hành nghiêm sau khi vi phạm.

Trực tiếp tham gia tuần tra kiểm soát, xử lý tài xế uống rượu, bia theo quy định mới, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT TP Hà Nội cho hay, việc xử lý các tài xế uống rượu, bia thường khó khăn, mất thời gian, bởi những người uống rượu, bia thường thiếu tỉnh táo, khó kiểm soát hành vi. Đa phần họ không nói thật, chỉ nói mình “uống có 1 - 2 chén rượu” nhưng kết quả kiểm tra đo nồng độ cồn lại rất “khủng”. Rồi rất nhiều “ma men” chây ì, không phối hợp, thậm chí gây hấn với tổ công tác...

Chiều 9-1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ ngày 1 đến 7-1, lực lượng CSGT đã xử lý 129 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 7 xe ôtô, 121 xe môtô, 1 xe máy điện, phạt thành tiền trên 670 triệu đồng. Cũng trong tuần đầu năm này, TNGT trên thành phố xảy ra 4 vụ, làm 4 người chết, 1 người bị thương. So sánh cùng thời kỳ năm ngoái đã giảm 9 vụ, giảm 11 người chết, giảm 2 người bị thương. So sánh tháng liền kề đã giảm 7 vụ, giảm 8 người chết, 1 người 1 thương.  

Nhiều nhà hàng giảm giá, tặng tiền taxi cho khách

Theo chân tổ công tác 141 đi thực tế, phóng viên nhận thấy, tại nhiều quán bia, cửa hàng ăn uống đã bớt dần những tiếng chúc tụng, ép nhau nâng ly. Đi uống về không ít người đã biết gọi phương tiện công cộng để lưu thông cho an toàn hơn. 

20h ngày 7-1, khu vực Hoàng Cầu-Ô Chợ Dừa trước kia vốn tấp nập là thế, những hàng nhậu, quán bia luôn đông khách vào ra, nay có phần vắng lặng hơn. Tình trạng này cũng được ghi nhận vào lúc 21h tại khu vực đường Võ Thị Sáu-Trần Khát Chân. Cả dãy phố dài chưa đầy 1km có tới hơn chục quán nướng, lẩu, bia hơi. Quán nào quán đấy trước kia luôn kín khách. 

Nay, đèn trong quán vẫn sáng, song, số bàn có khách thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí có quán, ngoài chủ và nhân viên chạy bàn thì tuyệt nhiên không thấy mặt khách uống bia. Không chỉ là những quán bình dân, mà những quán bán bia Hà Nội lâu năm cũng nằm trong tình trạng đó. 

Để khách yên tâm khi đến uống bia, rượu, nhiều chủ quán đã treo biển giảm 10-20% tổng hoá đơn coi như tiền hỗ trợ khách đi taxi, xe ôm về. Chu đáo hơn nữa, cũng là nhằm giữ khách hàng của mình nhiều quán nhậu, nhà hàng đã bố trí nhân lực để đưa người say về nhà. 

Anh Nguyễn Sơn, tổng quản lý chuỗi nhà hàng nướng tại Hà Nội cho biết, mấy ngày qua, cửa hàng đã bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu. 

Theo anh Sơn, nhà hàng còn bố trí khu vực để xe dành cho khách nếu khách say và muốn để xe lại, đồng thời cử nhân viên trông xe qua đêm. Tương tự, Anh Vũ Công Khoa (chủ 1 quán nhậu trên đường Trần Khát Chân Hà Nội) chia sẻ thêm: Từ khi nghị định 100/CP có hiệu lực có một số đơn vị vận tải liên hệ với quán của anh để tạo thành kết nối. Khi khách của quán say họ sẵn sàng đưa khách về tính phí.

Chưa xử lý trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn có nguyên nhân từ... ăn hoa quả

Về việc nhiều người lo ngại ăn hoa quả sẽ bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: 

Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều lái xe viện cớ ăn hoa quả, uống lon nước ngọt... cũng có nồng độ cồn. Về vấn đề này, CSGT đã có thiết bị máy móc đầy đủ chứng minh có hay không có nồng độ cồn. 

Từ trước đến giờ, chưa có trường hợp nào ăn hoa quả trước khi điều khiển phương tiện phát sinh nồng độ cồn mà bị phạt. Chỉ có những người viện cớ, chống đối người thi hành công vụ... mới đưa ra lý do như vậy. Nếu lái xe cho rằng mình ăn hoa quả nên có nồng độ cồn thì sau 30 phút sau CSGT có thể cho đo lại nên các lái xe yên tâm không thể có chuyện xử phạt “nhầm”.

Phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Trong 1 tuần, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 12 tỷ 549,6 triệu đồng. 

Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 308 trường hợp, Đắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 182 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Quảng Ninh 135 trường hợp, Gia Lai 133 trường hợp, Hà Nội 129 trường hợp, Thanh Hoá 114 trường hợp, Hà Tĩnh 101 trường hợp, Đồng Nai 99 trường hợp, Cà Mau và Nghệ An 96 trường hợp, Trà Vinh 93 trường hợp, Bình Phước 89 trường hợp và Yên Bái 86 trường hợp…

Ph.Thuỷ - Ph.Huyền
.
.
.