Tai nạn rình rập từ hàng trăm đường ngang trái phép
- Hiểm họa tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang trái phép
- Ngành Đường sắt 'lực bất tòng tâm' với hơn 4.200 đường ngang trái phép?!
Được đánh giá là địa phương dẫn đầu trong việc bảo đảm ATGT đường ngang, nhưng tỉnh này hiện còn tồn tại tới 271 đường ngang dân sinh mở trái phép, gây nguy hiểm đến TTATGT.
Làng nghề sơn mài Cát Đằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định mỗi ngày có hàng trăm lượt ôtô, xe máy phải đi qua tuyến đường sắt Bắc - Nam. Người dân làng nghề vẫn còn ám ảnh bởi vụ TNGT đường sắt khiến 2 người đi bộ thiệt mạng xảy ra ở đây. Theo Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định thì khu vực này nhiều năm nay là điểm đen về TNGT đường sắt. Người dân khi băng qua đường không chú ý quan sát, đặc biệt là ở những nơi tự ý mở lối đi trái phép là nguy cơ gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Phương tiện vận tải chuyển chở đồ sơn mài ra vào tấp nập, chỉ cần thiếu chú ý quan sát là tai nạn rất dễ xảy ra.
Nguy hiểm khi người dân đi qua đường dân sinh tự phát ở Km 87+200 đường sắt giao với đường Văn Cao (TP Nam Định). Ảnh: Đức Toàn. |
Ý Yên là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng ở Nam Định, huyện này lại nằm trên trục đường sắt Bắc – Nam đi qua, vì vậy đã trở thành điểm “nóng” về TNGT đường sắt. Làng đồ gỗ La Xuyên nổi tiếng ở huyện Ý Yên khi có tới vài chục xưởng gỗ của làng nghề này nằm ven đường sắt Bắc - Nam song song với QL10. Hằng ngày, hàng trăm khách hàng, công nhân nườm nượp ra vào các xưởng gỗ trao đổi, mua bán. Người dân ở đây cho biết, năm nào tại khu vực này cũng có người chết vì tai nạn đường sắt. Gần đây nhất là vào tháng 5-2015, hai khách hàng từ Hà Nội đi ôtô về La Xuyên xem đồ gỗ bị tàu hỏa đâm chết khi đi băng qua đường sắt vào xưởng gỗ.
Theo ông Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định, thì nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do khu vực làng nghề La Xuyên trước đây dù đã có đường gom, hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ - đường sắt, nhưng người dân vẫn tự mở lối đi rộng qua đường sắt để tiện buôn bán. Việc mở đường ngang trái phép để tiện đi lại nhưng là hiểm họa khôn lường đến tính mạng của con người.
Tương tự, tại Km87+200 đường Văn Cao đấu nối vào tuyến đường cũ thuộc phường Văn Miếu, TP Nam Định cũng là điểm đen về TNGT đường sắt tồn tại nhiều năm nay. Theo thượng tá Trịnh Duy Dương, cùng với điểm đen Cát Đằng thì đây là khu vực đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.
Mặc dù nhiều năm qua, tỉnh Nam Định đã làm tốt việc đảm bảo ATGT đường ngang, song theo Thượng tá Trịnh Duy Dương thì hiện nay, cứ 100m đường sắt ở Nam Định thì lại có một đường ngang dân sinh trái phép. Điều này khiến cho TNGT đường sắt trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp: năm 2013 cả tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt, làm chết 12 người, bị thương 1 người; năm 2014 xảy ra 11 vụ, làm chết 9 người, bị thương 6 người. 11 tháng đầu năm, đã xảy ra 14 vụ TNGT đường sắt làm 14 người chết và 3 người bị thương. Và thật đáng buồn khi 90% số vụ TNGT này xảy ra ở các đường ngang dân sinh, tự phát.
Theo thống kê, Nam Định hiện có 44 đường ngang hợp pháp nhưng lại có tới 271 đường dân sinh mở trái phép. Nhưng hiện nay do thiếu kinh phí triển khai nên việc xây dựng đường gom và hàng rào cách ly giữa đường bộ - đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang tạm dừng, các hạng mục thi công dở dang, nhiều lý trình chưa được triển khai, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Nam đã ban hành kế hoạch xóa đường ngang trái phép, theo đó giai đoạn I cần xóa bỏ, rào kín 153 đường dân sinh; cắm biển "Chú ý tàu hỏa", thu hẹp chiều rộng lối đi, tổ chức cảnh giới 123 đường.
Nhưng theo Ban ATGT tỉnh Nam Định thì nguồn kinh phí dự kiến xóa đường ngang giai đoạn 1 là gần 4,9 tỷ đồng, hiện chưa có. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành hàng rào cách ly đường bộ - đường sắt đang thi công dở dang, ưu tiên làm ngay đường gom, hàng rào cách ly để giảm dần, tiến tới xóa bỏ đường dân sinh qua đường sắt.
Thượng tá Trịnh Duy Dương cho biết: “Muốn giảm TNGT đường sắt chỉ có cách đóng lại các đường ngang, lối mở dân sinh tự phát”. Được biết, UBND tỉnh Nam Định đang thực hiện kế hoạch xóa đường ngang bằng việc vận động các hộ dân có tuyến đường sắt đi qua và người dân đều sẵn sàng với chủ trương trả lại hành lang ATGT để có quỹ đất làm đường gom, xóa bỏ đường dân sinh hoặc chuyển sang lối đi mới khi cơ quan quản lý đường sắt đóng các lối đi trái phép.
Theo ông Phan Phương Đông thì Ban ATGT tỉnh, Công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh cùng chính quyền địa phương đã đóng 5 điểm đường ngang dân sinh tại Km 104+710, Km 104+740, Km 104+820, Km 104+920, Km 104+995 thuộc khu vực làng nghề La Xuyên; đồng thời cắm 34 biển báo “Chú ý tàu hỏa” tại những điểm có nguy cơ TNGT cao. Hiệu quả bước đầu đã rõ rệt khi đóng lại các đường ngang dân sinh, TNGT đường sắt đã không xảy ra và không bị tái mở.
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đường ngang dân sinh trái phép vẫn còn lớn ở Nam Định và đó vẫn là nỗi ám ảnh của người dân về TNGT.